Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế dựa trên nguyên tắc tái sử dụng, tái chế và giảm thiểu lãng phí tài nguyên. Thay vì đi theo mô hình tuyến tính "khai thác - sản xuất - sử dụng - thải bỏ", kinh tế tuần hoàn tạo ra vòng tuần hoàn khép kín, trong đó các sản phẩm và vật liệu được giữ lại trong vòng đời càng lâu càng tốt. Đối với các hợp tác xã, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp, việc áp dụng kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích thiết thực.
Xoay quanh chủ đề này, VnBusiness đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thu, chuyên gia phát triển hệ sinh thái của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC), Trưởng làng Nông nghiệp thông minh Techfest Quốc gia, sáng lập hệ sinh thái MEVI.
Bà Nguyễn Thị Thu, chuyên gia phát triển hệ sinh thái của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC), Trưởng làng Nông nghiệp thông minh Techfest Quốc gia, sáng lập hệ sinh thái MEVI. |
Áp dụng đổi mới sáng tạo với mô hình kinh tế tuần hoàn có ý nghĩa như thế nào cho các hợp tác xã, thưa bà?
- Thực ra, khái niệm đổi mới sáng tạo rất là gần gũi, không có cái gì cao siêu cả. Trong sản xuất nông nghiệp có các khâu sản xuất, chế biến, đóng gói và thương mại. Chúng ta làm thay đổi một trong số những khâu đó để tạo ra kết quả tốt hơn thì đó chính là quá trình đổi mới sáng tạo. Áp dụng đổi mới sáng tạo đối với mô hình kinh tế tuần hoàn là một xu hướng phát triển, một hướng đi bền vững. Không phải điều gì quá lớn lao, xa vời, nó tạo ra cơ hội trong tầm tay cho các hợp tác xã, doanh nghiệp trong cái bối cảnh hiện tại.
Nông nghiệp Việt Nam có quy mô rất manh mún, tính liên kết còn hạn chế. Đặc biệt, chúng ta đang phụ thuộc nhiều vào hóa chất và vật tư bên ngoài. Người nông dân phải đối mặt với vấn đề chi phí cao, không có lợi nhuận khi đầu tư trên đất. Rõ ràng phải coi áp dụng kinh tế tuần hoàn là giải pháp cứu người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn.
Nhiều quan điểm nghi ngại việc chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn làm phát sinh chi phí nhưng thực ra kinh tế tuần hoàn giúp cho hợp tác xã, doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, tăng lợi thế cạnh tranh vì tạo ra những sản phẩm mang tính chất bền vững, thân thiện với môi trường, phù hợp xu hướng tiêu dùng hiện đại.
Qua làm việc với các hợp tác xã, bà thấy nhận thức của các đơn vị trong việc áp dụng kinh tế tuần hoàn vào mô hình sản xuất, kinh doanh hiện nay như thế nào?
- Trong một chuỗi giá trị nông nghiệp, có rất nhiều cách để can thiệp kinh tế tuần hoàn, từ khâu tiền sản xuất, chế biến, đóng gói bao bì cho đến khâu thu hồi và tái chế sau bán hàng.
Với khâu tiền sản xuất, nhiều hợp tác xã có thể sử dụng công nghệ sinh học, tận dụng các nguồn phụ phẩm để tái chế thành nguyên liệu, vật tư đầu vào như phân bón, thức ăn chăn nuôi cho quá trình sản xuất của mình.
Với khâu chế biến, hiện cũng có rất nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp áp dụng kinh tế tuần hoàn bằng cách tận dụng các nguồn phụ phẩm, kết hợp với công nghệ sinh học như lên men enzyme để tạo ra sản phẩm. Điển hình như sản phẩm tẩy rửa của Công ty FUWA Biotech ở Thanh Hoá. Họ đã áp dụng kinh tế tuần hoàn trong khâu chế biến để tạo ra một sản phẩm mới hoàn toàn trên thị trường và có tính bền vững.
Còn trong khâu đóng gói, có thể dễ dàng nhận thấy các hợp tác xã có xu hướng sử dụng một số loại bao bì thân thiện với môi trường như nguyên liệu bằng giấy, có thể hoàn toàn được tái chế, giảm thiểu các yếu tố liên quan đến in ấn, tông màu trên bao bì…
Rõ ràng, để các hợp tác xã ra quyết định áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong khâu nào của chuỗi giá trị sản phẩm đòi hỏi đầu tiên là nhận thức đúng về kinh tế tuần hoàn. Và nhiều hợp tác xã hiện nay đã làm được.
Theo bà, đâu là khó khăn lớn nhất cho các hợp tác xã khi theo đuổi kinh tế tuần hoàn?
- Tôi quan sát thấy khó khăn lớn nhất là tìm kiếm các công nghệ phù hợp với mô hình và hình thức chuyển đổi của hợp tác xã. Nhiều mô hình có thể dễ dàng tìm kiếm được giải pháp về mặt công nghệ, nhưng ngược lại có những sản phẩm muốn tối ưu trong khâu sản xuất đồng thời có thể tái chế hoặc quay vòng sử dụng thì cần đến các công nghệ khó hơn. Việc xác định và tìm kiếm công nghệ phù hợp cho việc sẵn sàng chuyển đổi kinh tế tuần hoàn thực sự đang là vấn đề nan giải với nhiều đơn vị.
Với nguồn lực hữu hạn, các hợp tác xã nên tập trung chuyển đổi trong khâu nào?
- Theo tôi, việc đầu tiên là hợp tác xã cần tự đánh giá mình đang nằm ở đâu trong chuỗi giá trị. Bởi không hẳn chúng ta thành lập một hợp tác xã hay một doanh nghiệp là phải làm từ A đến Z, từ khâu sản xuất đến khâu chế biến và đóng gói, thương mại. Các đơn vị cần xác định lợi thế của mình nằm ở khâu nào; xác định rõ vai trò, vị trí của mình trong chuỗi giá trị. Từ đó mới xác định nguồn lực, cũng như khó khăn để có thể tập trung vào những giải pháp để chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.
Cần có những nguồn hỗ trợ như thế nào để giúp hợp tác xã có những bước tiến mạnh mẽ hơn trong chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, thưa bà?
- Khi nói đến kinh tế tuần hoàn thì các hợp tác xã, doanh nghiệp mới chỉ nhìn thấy đó là xu hướng tất yếu và quyền lợi của họ, chứ chưa hề có những động lực đến từ bên trong. Do vậy, tôi cho rằng để khuyến khích việc phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn thì cần tuyên truyền hơn nữa và có những chính sách rất cụ thể, đặc biệt trong việc hỗ trợ hợp tác xã tìm kiếm công nghệ phù hợp cho việc chuyển đổi.
Cần có những chương trình, diễn đàn kết nối, giới thiệu các công nghệ có thể ứng dụng trong các khâu chuyển đổi tuần hoàn như công nghệ chế biến tiết kiệm năng lượng, công nghệ tái chế hay công nghệ về bao bì đóng gói. Tôi nghĩ những chương trình như vậy sẽ khá là thiết thực.
Bên cạnh đó, cần thêm những chương trình hỗ trợ, khuyến khích, tư vấn để họ hiểu rõ hơn lợi ích khi tham gia vào mô hình kinh tế tuần hoàn.
Hệ sinh thái MEVI của chúng tôi hoạt động theo mô hình kết hợp các nguồn lực trong xã hội. Ví dụ như mạng lưới các chuyên gia trong chuỗi giá trị, hỗ trợ cho người nông dân từ khâu sản xuất cho tới chế biến, thương mại. Chúng tôi cũng là đối tác của các viện, trường, đơn vị nghiên cứu, các quỹ đầu tư, các đơn vị nhà nước trong việc chuyển giao công nghệ, chuyển giao nguồn lực về các địa phương, đồng hành và thúc đẩy phát triển nông nghiệp.
Đến nay, MEVI đã trực tiếp chuyển giao, đào tạo cho trên 20.000 phụ nữ trên toàn quốc và trên khoảng 23 tỉnh, thành đối với việc áp dụng một số giải pháp kinh tế tuần hoàn trong việc tối ưu chi phí sản xuất nông nghiệp.
Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
Đỗ Kiều (thực hiện)