Trước đây, nhiều HTX không kịp trở tay khi phải chống chọi với dịch Covid-19 diễn biến khó lường. Thế nhưng, hiện nay, các HTX đã chuẩn bị hàng loạt phương án sống chung, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19. Trong đó, xu hướng nổi bật là tái cấu trúc mạnh mẽ mô hình sản xuất kinh doanh, chuyển đổi số để hòa nhập tốt hơn trong bối cảnh dịch bệnh.
Chủ động sống chung với dịch
Năm 2021, giá vật tư đầu vào như giống, thức ăn nuôi trồng thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật liên tục tăng cao. Đi cùng với đó là dịch Covid-19 đã thu hẹp đầu ra khiến các thành viên liên tục gặp khó khăn. Trước những bất cập này, HTX Ngã Bát (Kiên Giang) đã thay đổi phương thức hoạt động bằng cách tập trung đầu mối cung ứng đầu vào và đầu ra sản phẩm thành một hệ thống xuyên suốt, lấy HTX làm trung tâm liên kết với doanh nghiệp, đại lý, thậm chí người tiêu dùng để đảm bảo nông sản không bị tồn đọng.
HTX cũng liên kết chặt chẽ trong sản xuất giữa các thành viên với nhau, tránh tình trạng một mặt hàng nhiều hộ sản xuất. Song song đó, HTX liên kết với doanh nghiệp vật tư nông, thủy sản hỗ trợ đầu vào cho thành viên, đảm bảo giá rẻ hơn so với bên ngoài.
Ông Nguyễn Minh Thức, Giám đốc HTX Ngã Bát, cho biết việc thay đổi phương thức hoạt động theo hướng liên kết chuỗi đã giúp các thành viên ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình, không ngại rủi ro, không ngại gian khó.
“Dịch Covid-19 cũng làm tăng khả năng ứng biến linh hoạt của HTX. Tháng 1 vừa qua, HTX đã xây dựng những kịch bản ứng phó trước sự khó lường của dịch Covid-19, trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, điều hành và mở rộng đầu ra cho thành viên. Đi cùng với đó là thực hiện công tác kế toán minh bạch, tạo niềm tin và có kế hoạch phát triển rõ ràng trong cả năm và từng quý, từng tháng”, ông Thức chia sẻ.
HTX dịch vụ tổng hợp An Phú (Lâm Đồng) đã có giải pháp sống chung với dịch bệnh. |
HTX Ngã Bát kỳ vọng năm mới 2022 sẽ có nhiều tín hiệu vui. Cụ thể là ngay dịp đầu năm, HTX đã ký kết thêm nhiều hợp đồng kinh tế với các công ty, doanh nghiệp, tiêu thụ sản phẩm làm ra từ các thành viên như tôm, cua… Tiếp theo là sẽ phát triển mạnh mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, đặt biệt là mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn để cung ứng cho thị trường những ngày sau Tết.
Hay tại HTX hồ tiêu hữu cơ Bình Tiến (Đăk Nông), nhờ mối liên kết chặt chẽ với một số doanh nghiệp trong việc thu mua sản phẩm hồ tiêu đạt chất lượng VietGAP nên nhìn về năm 2022, HTX cũng rất lạc quan.
“Dù dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng với tinh thần sống chung với dịch, HTX nhận thấy nhu cầu về các sản phẩm sạch, an toàn vẫn rất lớn nên hiện nay, HTX đã ký đơn hàng sản xuất với các doanh nghiệp, tăng cường xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại… HTX kỳ vọng sẽ có một năm mới nhiều thành công”, ông Đồng Xuân Liền, Giám đốc HTX lạc quan chia sẻ.
Để HTX có thể “sống chung” với dịch bệnh, ông Lê Tiến Lợi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Sơn La, cho biết Liên minh HTX tỉnh tiếp tục tăng cường hỗ trợ HTX xúc tiến thương mại điện tử, tìm kiếm đối tác, liên kết, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, Liên minh HTX tỉnh cũng hỗ trợ các HTX tham gia hội chợ theo kế hoạch của Liên minh HTX Việt Nam và UBND tỉnh để quảng bá, tiêu thụ; kết nối đưa thông tin các sản phẩm đạt chuẩn của các HTX lên cổng thông tin https://vcamart.vn/.
Nhiều việc cần làm
Tuy vậy, đại diện của các HTX cho biết thử thách mà không ít HTX đang phải đối mặt là chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy dẫn đến giá nguyên liệu, vật tư đầu vào tăng rất cao, kéo giá thành phẩm cũng tăng theo. Đó là chưa kể có thời điểm, HTX không thể tìm được xe, tàu để vận chuyển nông sản, hay thiếu nguồn lao động để phát triển sản xuất kinh doanh. Đây là những yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của HTX.
"HTX rất mong Nhà nước hỗ trợ trong việc phát triển các vùng nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, liên kết nghiên cứu cây-con giống hay xây dựng đội tàu nội địa vận chuyển tuyến đường dài để phục vụ HTX trong nước nhằm tránh lệ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài", Giám đốc HTX hồ tiêu hữu cơ Bình Tiến Đồng Xuân Liền đề xuất.
Là một HTX không gặp nhiều khó khăn, nhất là tìm đầu ra cho các loại rau màu trong đại dịch Covid-19, ông Lê Văn Ba, Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp An Phú (Lâm Đồng), cho biết ngoài tăng cường sản xuất trên nền tảng công nghệ cao, liên kết với doanh nghiệp, có kế hoạch sản xuất kinh doanh dựa trên nhu cầu thị trường thì các HTX cần có giải pháp sống chung với dịch thay vì chỉ ngồi chờ hết dịch bệnh.
HTX thanh long Hòa Lệ thu mua, sơ chế, chế biến thanh long để mở rộng đầu ra cho người dân, thành viên. |
Để làm được điều này, ông Ba cho rằng các bên liên quan cần quan tâm hỗ trợ HTX phát triển công nghệ bảo quản sau thu hoạch và công nghệ chế biến sâu để có thể đa dạng phương án tiêu thụ. Việc nâng cao trình độ nhân sự và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là vấn để cần chú trọng để có thể thích ứng linh hoạt trong tình hình mới.
Theo ông Đỗ Thanh Hiệp, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX thanh long Hòa Lệ (Bình Thuận), để hạn chế rủi ro do vướng mắc ở khâu vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, HTX chủ động chuyển từ xuất khẩu trái cây tươi sang xuất hàng trái cây đông lạnh, chú trọng chế biến sâu.
Tuy nhiên theo ông Hiệp, việc này cũng chỉ giải quyết được một phần đầu ra cho trái thanh long. Trong khi khó khăn lớn nhất hiện nay của HTX chính là chi phí vận chuyển tăng chóng mặt; thông quan hàng hóa diễn ra chậm chạp, kẹt cảng, kẹt cửa khẩu. Điều này đang ăn mòn lợi nhuận của HTX, kéo giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
“Để khắc phục những khó khăn trên, các ngành chức năng cần triển khai nhiều giải pháp như hỗ trợ HTX xây dựng hoặc mở rộng kho lạnh để bảo quản nông sản, hay đầu tư xây dựng các trung tâm logistics nông sản ở vùng sản xuất trọng điểm. Những trung tâm như vậy phục vụ nhu cầu cho cả một tỉnh, một vùng, đảm nhận lưu trữ, phân phối hàng hóa”, ông Hiệp phân tích.
Theo các chuyên gia, để thích ứng linh hoạt và bật dậy trong năm 2022, các HTX cần có thời gian và điều kiện để phục hồi. Muốn vậy, ngoài sự chủ động của HTX, Nhà nước cần tạo điều kiện cho HTX trong việc sản xuất kinh doanh cũng như tiếp cận thị trường. Cụ thể là giảm thủ tục hành chính giúp HTX nhanh chóng tiếp cận được các nguồn vốn hỗ trợ, các chương trình đào tạo, tư vấn, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho HTX, giúp HTX năng động hơn.
Ông Klaus Lorenzen, Giám đốc điều hành HTX Landwege (CHLB Đức) chia sẻ hiện nay, nhiều HTX ở Việt Nam đang phục hồi sản xuất và có những bước phát triển tốt nhưng vẫn gặp không ít thách thức vì chi phí bỏ ra quá lớn. Để hạn chế rủi ro, tăng sức cạnh tranh, hay nói đúng hơn là giúp các HTX hưởng lợi từ dịch Covid-19, các HTX chú trọng vào việc nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, đẩy mạnh bảo quản, chế chế biến sâu. Đây cũng là xu hướng phát triển trong thời gian tới và mở ra cơ hội tái cấu trúc sản xuất.
Tuy nhiên, ông Klaus Lorenzen cho biết muốn HTX phát triển được điều này một cách bền vững thì Chính phủ, các bộ ngành liên quan phải đưa ra chính sách thu hút doanh nghiệp liên kết cùng HTX đầu tư vào chế biến, tạo cơ chế về tín dụng hay có những cơ chế để các HTX có cùng mô hình kinh doanh liên kết thành một mạng lưới, từ đó giúp HTX tăng quy mô và tầm ảnh hưởng trên thị trường.
Huyền Trang