Sớm dự báo tình hình, chủ động trong sản xuất
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc công ty TNHH Sản xuất và Thương Mại Tân Quang Minh (Bidrico), Phó chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp.HCM (FFA). |
Khi người lao động được tiêm đủ liều vắc xin ngừa Covid-19 được xem như nhân tố then chốt giúp cho họ yên tâm đi làm trở lại, thoát khỏi tâm lý dè dặt, sợ sệt như trước đây.
Từ chuyện này, chủ doanh nghiệp (DN) mạnh dạn phục hồi sản xuất kinh doanh, qua đó mới thu nhận được nguồn lao động, cũng như khai phá thị trường, mở mang phục hồi lại chuỗi cung ứng, phát triển lại chuỗi phân phối hàng hoá.
Hiện nay 100% DN trong ngành thực phẩm ở Tp.HCM đã phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, phân phối của mình. Tuy nhiên, đó là từng bước, còn trong năm 2022 các DN sẽ tính toán được những định hướng phải sản xuất kinh doanh do thay đổi hành vi tiêu dùng. Các DN sẽ phải tính toán từ chiến lược đến các chiến thuật để có mức sản xuất cần thiết, đáp ứng nhu cầu của xã hội trong thời gian tới.
Trên thực tế tình hình khó khăn chung vì dịch bệnh, giá cả nguyên liệu sản xuất hầu như tăng cao, chi tiêu của người tiêu dùng có xu hướng giảm. Điều này đòi hỏi các DN phải sớm dự báo tình hình và chủ động trong việc sản xuất, điều phối nguồn nguyên liệu nhằm đảm bảo đủ hàng cho người dân, nếu thị trường có những biến động đột biến thì các DN vẫn đáp ứng được kịp thời.
Tôi cho rằng, với đà như vậy chúng ta không kỳ vọng quá lớn lao, nhưng trong năm 2022 chắc chắn sẽ khác so với năm 2021, dù tình huống như thế nào, dù biến chủng mới của Covid-19 có phát sinh, chúng ta cũng sẽ có biện pháp phòng ngừa, không có những bất ngờ như trước đây.
Tôi tin là với thế chủ động và tự giác như bây giờ của Việt Nam, cùng với những giải pháp mà Chính phủ đưa ra thì năm 2022 sẽ là năm ổn định hơn. Và khi đã ổn định hơn, kinh tế sẽ phát triển hơn.
Cần sự minh bạch để thành công bền vững
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T group. |
Theo tôi, để thay đổi và thích ứng tốt cho việc xuất khẩu rau quả trong năm 2022, với kinh nghiệm nhiều năm làm việc với các HTX, tôi kỳ vọng là các HTX sẽ có được một nền tảng, tư duy sản xuất theo hướng minh bạch hơn trong quá trình trồng cây ăn quả để đảm bảo được các chỉ tiêu xuất khẩu.
Minh bạch có nghĩa là các HTX phải liên kết các thành viên để thống nhất trong việc được và không được sử dụng phân thuốc, các chất gì khi chăm sóc cây trồng dựa trên những khuyến cáo trong quá trình liên kết với DN.
Ngoài ra, các HTX cần có sự ổn định về chất lượng cũng như số lượng và phải cung cấp đầy đủ, thường xuyên cho DN nếu đã liên kết bằng giá bao tiêu sản phẩm.
Điều mong muốn của phía DN là các HTX phải minh bạch sự hợp tác, bảo đảm được uy tín. Cần tránh khi thị trường được giá thì sản lượng cung cấp cho DN lại không đủ, còn khi giá thị trường quá thấp lại đổ hết về phía DN.
Trong thời điểm khó khăn do dịch Covid-19 như năm 2021, liên kết giữa DN với các HTX đã thể hiện rất rõ ràng vai trò của mình. Trong khi chúng ta nghe rất nhiều câu chuyện thương lái bỏ đặt cọc, bỏ vườn, qua đó để thấy tầm liên kết giữa HTX và DN nếu càng chặt chẽ thì càng giảm tải rủi ro bấy nhiêu.
Trong năm 2022, tôi cho rằng để xuất khẩu được nhiều hơn vào những thị trường lớn khác ngoài Trung Quốc nhằm cân bằng sản lượng sản xuất và xuất khẩu, đòi hỏi phải có tính minh bạch tất cả mọi thứ. DN với HTX và nông dân tất cả đều cần phải minh bạch. Như vậy mới bền vững và thành công được.
Liên kết để kéo giảm chi phí logistics, thúc đẩy xuất khẩu nông sản
Ông Phan Quang Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Hàng hải Việt (Vietmarine). |
Dưới góc độ của một DN trong lĩnh vực logistics có nhiều mối liên hệ với ngành hàng nông sản, điều làm cho tôi day dứt là giá thành giá cước vận tải biển vẫn còn rất cao trong khi chúng ta lại lệ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài. Và các hãng tàu ngoại giống như là "những con cá mập ăn cá nhỏ", trong khi sự yếu thế của các DN nội địa ở lĩnh vực này luôn hiển hiện.
Khơi thông hàng hoá nông sản xuất khẩu và kéo giảm chi phí logistics luôn là vấn đề trăn trở. Trong năm 2022, tôi hy vọng sẽ liên kết được các DN nhỏ xuất khẩu nông sản cùng thị trường, để mỗi lần xuất đi họ có thể thuê cùng một chuyến tàu rồi đi thẳng đến quốc gia nhập khẩu. Lúc đó chúng ta sẽ ở thế chủ động khi tận dụng được các hãng tàu vận tải biển nội địa. Có như vậy, giá thành hy vọng sẽ thấp hơn, các DN nhỏ sẽ đỡ tốn nhiều chi phí hơn.
Để thay đổi và thích ứng trong bình thường mới như năm 2022 tôi nghĩ rằng tự bản thân các DN cần học hỏi thêm nhiều nữa, nhất là trong quá trình làm việc với các đối tác nước ngoài. Tất nhiên là cần lấy kinh nghiệm của người khác làm bài học cho mình.
Nếu chúng ta là những DN vừa và nhỏ, khi ra biển lớn thuyền mình yếu quá sẽ không lái được, thí dụ như không biết coi thiên văn, không biết coi thuỷ văn, thời tiết thì không thể đi xa được, ngay cả đi gần cũng khó. Cho nên, việc thích nghi khi “sống chung” dịch Covid-19 trong thời gian tới đòi hỏi các DN phải trau dồi để nâng cao năng lực của mình.
Một trong những điều mà tôi mong muốn là cần có sự liên kết chặt chẽ với nhau giữa các DN nội địa trong ngành logistics và ngành hàng nông sản. Bản thân DN của tôi cũng sẽ nỗ lực để nâng cao vị thế bằng việc đầu tư giải pháp công nghệ nhằm tối ưu hoá hoạt động, tiết kiệm được chi phí và giúp cho các DN xuất khẩu nông sản gia tăng được lợi nhuận khi giảm được chi phí logistics.
Định vị lại toàn bộ chiến lược khi xu hướng khách hàng thay đổi
Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, nhà tư vấn chính sách. |
Trong năm 2022, điều mà tôi mong đợi là các DN nông sản thực phẩm nắm bắt được những thay đổi trong xu hướng mua bán, tiêu dùng. Như người tiêu dùng có xu hướng mua hàng, đặt hàng từ xa. Còn khách hàng DN có xu hướng đặt hàng trực tiếp từ nhà máy, không thông qua trung gian, nhưng họ kiểm soát chất lượng từ xa.
Với xu hướng đó, DN phải ứng dụng công nghệ số mới làm được, khi đó người ta mới đặt hàng được và bản thân DN mới bán hàng được.
Cần thấy sự thật là DN của chúng ta còn yếu quản lý rủi ro, kế hoạch cứ thế mà làm, nhưng khi gặp trục trặc lại bắt đầu lúng túng. Như vậy, trong năm 2022, kế hoạch kinh doanh các DN phải xây dựng các kịch bản quản lý rủi ro rất cụ thể, mà đặc biệt là phải gắn với tác động của dịch Covid-19.
Ngoài ra, các DN cần định vị lại toàn bộ chiến lược khi xu hướng khách hàng thay đổi, sản phẩm phải thay đổi theo, công nghệ cũng phải bổ sung, làm ăn thì có rủi ro.
Cho nên tất cả các phương án đều cần tính toán là phải thay đổi những gì và đầu tư cho thay đổi đó sẽ tốn kinh phí bao nhiêu và ước tính dòng lợi ích chi phí như thế nào, có hiệu quả hay không rồi mới làm. Tức là không phải thấy xu hướng như vậy rồi nhảy vô làm nhưng không tính toán đầy đủ có thể gặp lỗ rồi dừng nửa chừng.
Còn ở khâu chính sách, tôi mong rằng cần phải có sự ổn định (chẳng hạn cần có sự tuyên bố kiểm soát dịch Covid-19 theo hướng an toàn, lâu dài, không thay đổi). Bởi lẽ một khi chính sách không ổn định thì DN sẽ khó lên được kế hoạch khi không biết việc kiểm soát dịch sẽ như thế nào. Nhất là khi DN nghĩ đến những chính sách mang tính tạm thời thì họ sẽ cảm thấy bất ổn.
DN nên điều chỉnh chiến lược của mình ở chu kỳ ngắn hơn
Ông Đỗ Hoà, Tổng giám đốc Công ty Tinh Hoa Quản Trị, Chủ tịch Group Quản lý doanh nghiệp. |
Nhiều DN khi gặp tôi có phản ánh mối băn khoăn trong năm 2022 về thị trường, sức mua và lực lượng lao động sẽ như thế nào khi “sống chung” với đại dịch Covid-19.
Xét về môi trường kinh doanh như hiện tại, tôi cho rằng không có cách nào khác là các DN phải điều chỉnh để thích nghi. Chúng ta chấp nhận những giải pháp mang tính ngắn hạn. Ai kinh doanh thì cũng phải hướng đến việc là liệu có tồn tại được lâu dài hay không, điều này lệ thuộc vào lợi thế cạnh tranh của DN.
Nếu DN không có lợi thế cạnh tranh thì sẽ không tồn tại lâu được. Để làm được điều này trong thời gian tới đòi hỏi sự công phu tính toán của các DN. Những giải pháp ngắn hạn trong thời Covid-19 sẽ giúp DN tồn tại trước mắt trong khi chờ tình hình ổn định để quay lại con đường đã hoạch định trước đó.
Để ứng phó với tình hình khi mà mọi thứ thay đổi quá nhanh, các DN cần điều chỉnh chiến lược của mình lại ở chu kỳ ngắn hơn. Chẳng hạn trước đây các DN mỗi năm hoặc 6 tháng điều chỉnh một lần về kế hoạch trung hạn, còn bây giờ có khi phải rút lại, cứ mỗi 3 tháng là cần đánh giá lại chiến lược của mình để điều chỉnh hướng đi.
Tôi nghĩ trong giai đoạn này có lẽ chỉ có cách làm như vậy. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đánh giá để đi trên con đường phát triển lâu dài, chứ không có nghĩa các DN vứt đi chiến lược để rồi phải đi lung tung. DN vẫn duy trì hướng đi của mình và đánh giá lại để điều chỉnh tuỳ theo tình hình.
Trong giai đoạn đầy thách thức như hiện nay, các DN cũng cần ngồi lại đánh giá. Thứ nhất là nên kinh doanh cái gì và không nên kinh doanh cái gì? Thứ hai là quản lý DN trong thời Covid-19 đầy bất ổn với chi phí cao sẽ ra sao? Thứ ba là các DN cần tạo ra giá trị như thế nào?...
Việc tập trung nguồn lực vào ngành nào, có cần mở rộng chuỗi giá trị hay nên rút gọn lại cũng cần được đặt ra. Đối với những DN mạnh về tài chính thì cần nắm bắt các cơ hội trong thời điểm này từ việc thị trường bị bỏ trống hoặc mua lại những DN đang gặp khó khăn, nhưng có những DN với nguồn lực hạn chế thì buộc phải rút gọn trở lại để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Thế Vinh (thực hiện)