Hiện nay, khu vực kinh tế tập thể (KTTT) đang phát triển khá nhanh cả về số lượng và chất lượng với nhiều mô hình mới, cách làm hay, tiệm cận với trình độ, nhận thức của quốc tế. Khu vực kinh tế hợp tác (KTHT), hợp tác xã (HTX) có vai trò, đóng góp quan trọng trong phát triển đất nước.
Phát triển đa dạng
Theo số liệu của Liên minh HTX Việt Nam, năm 2018, KTHT, HTX tiếp tục phát triển và đang trở thành thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế. Cả nước thành lập mới 2.366 HTX, 15 Liên hiệp HTX và 7.840 tổ hợp tác (THT).
Đến nay, cả nước có 101,4 nghìn THT, tăng 587 THT so với năm 2003, thu hút 1,34 triệu thành viên tham gia, tăng khoảng 57,3%. Số lao động thường xuyên trong THT khoảng 1,1 triệu lao động, tăng 11,2%. Doanh thu bình quân của 1 THT là 408 triệu đồng, tăng 75,7%. Lãi bình quân của 1 THT là 61,2 triệu đồng/ năm, tăng 127,5%. Thu nhập bình quân của 1 lao động thường xuyên trong THT là 26 triệu đồng/năm, tăng 21% so với năm 2003.
Tính đến hết tháng 6/2019, cả nước có 23.280 HTX, tăng hơn 2.068 HTX so với cùng kỳ năm 2018; với trên 7 triệu thành viên, 2,5 triệu lao động (2,1 triệu lao động là thành viên HTX, trung bình 107 lao động/ HTX). Trong lĩnh vực phi nông nghiệp, cả nước có 8.777 HTX; 23 Liên hiệp HTX; trong đó có 2.323 HTX công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (bao gồm 136 HTX điện), 1.996 HTX thương mại, dịch vụ, 1.392 HTX vận tải, 894 HTX xây dựng, 1.180 quỹ TDND, 521 HTX môi trường và 471 HTX lĩnh vực khác (nhà ở, y tế, giáo dục).
Số lao động làm việc trong HTX là 1,2 triệu người, tăng 157 nghìn người so với năm 2003. Doanh thu bình quân của 1 HTX năm 2018 đạt 4.477,3 triệu đồng/HTX, tăng 3.622,7 triệu đồng, gấp khoảng 5,2 lần so với năm 2003. Doanh thu bình quân của thành viên HTX cũng tăng từ 698,6 triệu đồng/năm năm 2003 lên 3.280,7 triệu đồng năm 2018, tăng 2.582,1 triệu đồng, gấp khoảng 4,7 lần.
Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, số lượng HTX tăng theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền, chất lượng hoạt động được nâng lên. Các HTX từng bước hoạt động đúng bản chất, ngày càng tập trung hơn vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ hoặc việc làm cho thành viên, nhất là HTX nông nghiệp.
Đáng chú ý là có hơn 54% HTX hoạt động hiệu quả; nhiều HTX tăng quy mô, nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động. Thu nhập của thành viên tăng 5% trở lên, sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, khởi nghiệp sáng tạo.
Khẳng định vai trò, vị trí
Hoạt động của KTHT, HTX ngày càng khẳng định rõ hơn vai trò, vị trí và có những đóng góp ổn định vào tăng trưởng GDP. Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo nhận định, thời gian qua, số lượng và chất lượng HTX tăng hàng năm; nhận thức của người dân và xã hội, các cấp chính quyền địa phương về lợi ích của HTX cũng được nâng cao. Quy mô, vốn và các lĩnh vực hoạt động của HTX được mở rộng, nhiều HTX có quy mô toàn xã, huyện. Điều này cho thấy sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, nhất là Liên minh HTX Việt Nam, cũng như sự vươn lên của các HTX.
“Luật HTX 2012 đi vào cuộc sống đã thể hiện tư duy mới về mô hình HTX kiểu mới với hạt nhân là “hợp tác”, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh ngày càng gay gắt”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Đoàn – Cục trưởng Cục Phát triển HTX (Bộ KH&ĐT), cho biết hoạt động khu vực KTHT, HTX có chuyển biến tích cực về quy mô, công nghệ và thị trường. Quy mô của HTX được thể hiện qua số lượng thành viên và phạm vi hoạt động của HTX. Số lượng các HTX áp dụng khoa học công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngày càng nhiều. Đặc biệt, các HTX nông nghiệp đã hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của vùng, thực hiện liên kết chuỗi, nhiều HTX liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh. Một số HTX đã chủ động nghiên cứu, mở rộng thị trường, không những trong nước mà còn xuất khẩu.
Để phát triển KTHT, HTX, mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ – Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX, cho biết HTX có vai trò quan trọng tác động đến sự thành công của tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trở thành chỗ dựa, phát huy kinh tế hộ, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, giữ vai trò liên kết với doanh nghiệp và hỗ trợ nâng cao phúc lợi xã hội cho thành viên.
“Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 13, KTHT có nhiều chuyển biến, nhiều loại hình phát triển đa dạng trên các lĩnh vực, từng bước phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Điều đó khẳng định Nghị quyết 13 là một chủ trương đúng đắn nhằm hỗ trợ phát triển KTHT, giúp các HTX thoát khỏi tình trạng yếu kém”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, khu vực kinh tế tập thể (KTTT), HTX phi nông nghiệp có nhiều cơ hội phát triển, đặc biệt là công nghệ thông tin, thương mại điện tử.
Phạm Duy