Thời gian gần đây HTX thủy sản và dịch vụ Duyên Hải ở xã Lý Nhơn đã áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao theo quy trình chăn nuôi VietGAP.
HTX Duyên Hải nuôi tôm VietGAP
Theo đó, HTX đã dùng máy cho tôm ăn tự động, nuôi tôm 2 giai đoạn, ứng dụng giải pháp vi sinh trong nuôi tôm. Các giải pháp này giúp tiết kiệm nhân công, hệ số thức ăn, làm môi trường ao bớt ô nhiễm, hạn chế bệnh hại, tăng sức đề kháng, tôm đạt năng suất chất lượng.
Nuôi tôm VietGAP giúp người dân xã Lý Nhơn thu lãi lớn. |
Sau khi áp dụng phương pháp mới đã giúp HTX Duyên Hải nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm tôm đạt 11,8 tấn/ha/năm, cao hơn gần gấp hai lần so với phương thức nuôi truyền thống, và thu lãi ròng hơn 800 triệu đồng/ha nuôi tôm.
Vùng nuôi tôm của HTX cũng được chứng nhận VietGAP với diện tích 3,6ha và được tham gia chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm của Tp.HCM. Ngoài ra HTX Duyên Hải còn chăn nuôi thêm cá thể cua để tăng thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Từ 13 thành viên ban đầu thì đến nay HTX hoạt động với 21 thành viên. HTX còn thành lập Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Duyên Hải đã được Sở Khoa học công nghệ Tp.HCM công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Để mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất thì các thành viên HTX Duyên Hải còn tham gia nhiều lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản tham quan các mô hình sản xuất, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả cao nhằm có thêm nhiều kinh nghiệm sản xuất thực tiễn.
Mặt khác, các thành viên trong HTX không tự ý thả giống riêng lẻ mà có sự bàn bạc, thống nhất thời điểm thả giống của các thành viên, chuẩn bị ao nuôi thật tốt, chọn nơi cung cấp giống có uy tín, có kiểm dịch chặt chẽ, tuân thủ quy trình kỹ thuật.
Ở xã còn hộ nông dân sản xuất giỏi. Như tại khu vực Ba Gậy, ấp Lý Hòa Hiệp có hộ ông Trần Minh Hòa được biết đến là một điển hình về nuôi công nghiệp tôm thẻ chân trắng, mỗi năm lợi nhuận lên đến 2 tỷ đồng.
Gia đình ông Hòa có tổng diện tích đất sản xuất gần 20ha, gồm 12 ao nuôi và 4 ao lắng; trong đó, có 8 ao đang thả nuôi với diện tích mặt nước 4,8ha, lượng giống thả nuôi 2 triệu con.
Vài năm trước, sau khi hoàn thành nạo vét các kênh thủy lợi ở khu vực Ba Gậy đã giúp nông dân an tâm sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Ở khu vực này có Tổ hợp tác nuôi thủy sản Ba Gậy với 11 thành viên cũng đang hoạt động khá hiệu quả.
Chuyển mô hình cho làng nghề muối
Nhắc đến Lý Nhơn phải nhắc đến làng nghề muối truyền thống với khoảng 1.500 lao động tham gia làm muối. Những năm gần đây, làng nghề này đã có sự chuyển đổi mô hình từ sản xuất muối truyền thống sang sản xuất theo phương thức kết tinh trên ruộng trải bạt gắn với cất trữ nước chạt.
Làng nghề muối Lý Nhơn đã chuyển đổi hiệu quả mô hình sản xuất theo phương thức kết tinh trên ruộng trải bạt. |
Điều này giúp quá trình sản xuất muối không bị gián đoạn khi thời tiết thay đổi thất thường, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, người dân ở đây đã ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất muối diêm dân. Như vụ mùa muối hồi năm ngoái toàn xã có 487 hộ sản xuất muối trên diện tích 986ha, năng suất bình quân đạt 58,86 tấn/ha.
Anh Diệp Minh Hoàng, diêm dân ở Lý Nhơn, cho biết nếu theo cách làm truyền thống, 2ha ruộng muối nhà anh cần 2-3 người cật lực lăn khuông, dọn bùn, đưa nước...Nhưng nay, chỉ mình anh đã làm tốt các công đoạn này. Ðến ngày thu hoạch mới cần thuê thêm người gánh muối từ ruộng ra bến để bán cho thương lái.
Trong các năm tới, xã Lý Nhơn cũng đưa ra định hướng phát triển làng nghề muối gắn với du lịch. Theo đó, một số diêm dân làm du lịch để phát triển loại hình du lịch tham quan làng nghề muối, trải nghiệm cảm giác “một ngày làm diêm dân”.
Đồng thời, xã sẽ kết hợp với khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn Vàm Sát để thực hiện tua du lịch sinh thái, nông nghiệp kết hợp tham quan các trang trại nuôi trồng thủy sản, loại hình câu cá giải trí…
Đi lên từ một xã nghèo, với sự phát triển ổn định của các mô hình kinh tế HTX, Tổ hợp tác nuôi trồng thuỷ sản và sự ổn định của làng nghề muối truyền thống đã giúp Lý Nhơn trở thành một trong những xã nông thôn mới tiêu biểu của Tp.HCM từ nhiều năm trước. Đặc biệt là hồi năm 2019 xã được UBND Tp.HCM công nhận là xã nông thôn mới nâng cao.
Thanh Loan