Có một vấn đề luôn làm đau đầu các HTX trong suốt thời gian qua là “Làm sao tăng giá sản phẩm” hoặc “Làm sao để bán sản phẩm giá cao?” để tránh cảnh được mùa, mất giá. Trong khi nhìn sang các nước, trong đó có Nhật Bản, nhiều nông sản của họ được bán với mức giá đắt ngoài sức tưởng tượng và phải mang ra đấu giá.
Biến hàng hóa thành sản phẩm “hiếm có khó tìm”
Thông thường, rào cản lớn nhất của việc ra quyết định tăng giá của đa số HTX chính là nỗi sợ. “Sợ bị giá, sợ bị phản hồi tiêu cực, sợ khó cạnh tranh, sợ không có ai mua...”, ông Lê văn Diện, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Quyết Tiến (Đăk Lăk) cho hay.
Đặc biệt, việc có thể tăng được giá nông sản là một thách thức, áp lực to lớn với không ít HTX vì phải làm sao nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cá nhân, đội ngũ thành viên… để xứng đáng với giá tiền mà khách hàng bỏ ra mà không bị phàn nàn cũng là vấn đề hết sức khó khăn.
Nhưng nhìn nhận và phân tích từ quá trình sản xuất kinh doanh nông sản có thể thấy, có những mặt hàng tương tự nhau về thể loại, tính chất, đặc điểm nhưng lại có giá chênh lệch nhau hàng chục, hàng trăm lần.
Một khảo sát thị trường của VnBusiness cho thấy, cũng là sản phẩm trà sen, có hộp chỉ bán với mức 35.000 đồng nhưng cũng có hộp được bán với giá 350.000 đồng. Hay về cà phê, có những sản phẩm bán giá 192.000 đồng/kg nhưng cũng có sản phẩm bán giá 2.600.000 đồng/kg. Trà shan tuyết cũng vậy, có sản phẩm bán 1.140.000 đồng/kg nhưng cũng có sản phẩm có giá 27.000.000 đồng/kg.
Như vậy có thể thấy, hàng hóa thường chia hai loại, đó là hàng bình dân (sản xuất địa trà, dễ mua, giá trị thấp) và hàng đặc biệt (sản xuất giới hạn, giá cao, khó mua).
Như vậy, muốn có sản phẩm giá cao thì chắc chắn, HTX phải làm ra những sản phẩm được coi là hàng hiếm, bởi hiếm thì mới quý và có giá cao.
Nghiên cứu để làm ra những sản phẩm "độc" giúp HTX có quyền định giá cho sản phẩm. |
Đối với mô hình nông nghiệp cũng vậy, HTX xác định muốn bán nông sản, sản phẩm, dịch vụ với giá cao thì phải biến hàng hóa của các thành viên làm ra thành sản phẩm đặc biệt.
Theo giới chuyên gia, thực chất, bán sản phẩm, dịch vụ với giá cao không phải là sẽ khó cạnh tranh, không có ai mua mà tùy từng sản phẩm sẽ có phân khúc khách hàng phù hợp. Đối với những sản phẩm có giá cao sẽ giúp HTX nâng cao thu nhập, nâng cao đơn giá của ngành hàng, phân chia lợi ích cho nhiều thành viên-người lao động… Đặc biệt, khi bán sản phẩm với giá cao, lúc này HTX có quyền lựa chọn khách hàng.
Vậy, làm sao để nâng được giá cao cho sản phẩm nông nghiệp? Cách duy nhất, theo GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào Tạo, Học viện nông nghiệp Việt Nam là các HTX cần tạo ra sản phẩm độc nhất, không có món hàng nào cùng tính chất có thể so sánh. Lúc đó, HTX sẽ quyết định được giá.
Thực tiễn những sản phẩm nông nghiệp của Nhật Bản có giá cao chưa từng thấy và được mang ra đấu giá cũng chính là những sản phẩm độc nhất, “hiếm có khó tìm”, đi cùng với đó là quy trình sản xuất, chế biến theo quy trình riêng biệt nên người bán có quyền quyết định giá sản phẩm.
Để có những sản phẩm như vậy là thử thách không chỉ bởi về vốn, công nghệ mà còn là thử thách về trí tuệ đối với chính các HTX. Bởi muốn sản phẩm đó là “hàng độc” trên thị trường thì HTX cần nhìn đến cái cốt lõi là tính năng, chất lượng, công dụng của sản phẩm chứ không phải ở những giá trị bên ngoài như bao bì, nhãn mác…
Muốn vậy, HTX phải nghiên cứu thị trường, xác định được những lợi thế, khó khăn... Bên cạnh đó, HTX cần chọn ra những điểm độc đáo, nổi bật của sản phẩm so với sản phẩm cùng loại sau đó lồng ghép vào những giá trị hữu hình, vô hình. Ví dụ như với những sản phẩm nông nghiệp OCOP, theo ông Triệu Tạ Hin, Giám đốc HTX chè Phìn Hồ (Hà Giang), người sản xuất cần lồng ghép vào đó yếu tố trải nghiệm nông nghiệp, sức khỏe, câu chuyện sản phẩm… Sau đó, HTX xây dựng thương hiệu, kết hợp với marketing và phải biết định giá sản phẩm của mình trên thị trường.
Tạo ra hệ sinh thái sản phẩm
Nhưng một điều theo các chuyên gia đó là, quá trình phát triển của HTX là lâu dài nên khi tạo ra được một sản phẩm có giá cao là chưa đủ. Thay vào đó, HTX phải biết cách duy trì vị thế giá cao của sản phẩm. Bởi khi HTX có thể tạo ra một sản phẩm có giá trị cao thì những đơn vị khác cũng có thể làm được điều tương tự, từ đó làm giảm sức cạnh tranh và đặt ra nhiều thách thức đối với chính HTX.
Ông Phạm Thanh Tùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế du lịch nông nghiệp, cho rằng thực tế này là rõ ràng bởi ngay trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp, trước đây các HTX rất khó có thể tìm được những người thiết kế mô hình du lịch nông nghiệp chuyên nghiệp nhưng bây giờ thì rất nhiều.
Do đó, để duy trì được vị thế giá cao của sản phẩm, HTX phải tạo ra một hệ sinh thái sản phẩm. Tức là HTX không chỉ sản xuất ra một sản phẩm có giá cao đơn thuần mà phải tiếp tục nghiên cứu, tính toán để tạo ra những sản phẩm khác có giá cao khác để giữ khách hàng. Điều này đang được Nhật Bản áp dụng khá thành công khi không ngừng nghiên cứu ra những sản phẩm nông nghiệp độc đáo, được cải tiến về chất lượng, mẫu mã, công dụng nhờ ứng dụng công nghệ cao và sự đặc thù về điều kiện tự nhiên.
Còn với các HTX ở Việt Nam cũng phải gia tăng các giá trị sản phẩm liên tục để có thể là đơn vị dẫn dắt chuyên môn. Nghĩa là ban đầu sản phẩm của HTX chỉ có khoảng 2-3 công dụng, điểm nổi bật nhưng sau quá trình cải tiến, sản phẩm của HTX sẽ có thêm nhiều công dụng hơn, chất lượng nâng cao hơn, từ đó tạo ra giá trị gia tăng liên tục cho sản phẩm. HTX vì vậy mà cũng có thể dẫn dắt chuyên môn của ngành hàng trong phạm vi cùng huyện, cùng tỉnh... từ đó tiếp tục nâng giá cho sản phẩm.
Hiện nay, đã có những HTX, Liên hiệp HTX đã làm rất tốt vấn đề này để có thể bán hàng hóa với giá cao. Tiêu biểu như Liên hiệp HTX kinh tế số Việt Nam đã nghiên cứu ra các ứng dụng, các công nghệ có thể bán trên thị trường với giá cao. Đi liền với đó, Liên hiệp HTX này không ngừng hỗ trợ các HTX trong việc đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ ứng dụng chuyển đổi số và từng bước trở thành mô hình dẫn dắt trong khu vực kinh tế tập thể, HTX về nghiên cứu công nghệ cao, chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Huyền Trang