Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, diện tích trồng dâu năm 2023 của Việt Nam là trên 13.000ha, sản lượng kén đạt hơn gần 17.000 tấn/năm, sản lượng tơ đạt khoảng 2.000 tấn/năm. Việt Nam hiện đứng thứ ba trên thế giới về sản lượng tơ, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Xuất khẩu tơ lụa đóng góp khoảng 2% kim ngạch xuất khẩu nông sản của cả nước.
Trăn trở đưa tơ lụa ra thế giới
Tuy nhiên, đại diện một số HTX tơ tằm chia sẻ, suốt nhiều năm qua, ngành hàng này vẫn đang bị "rối". Trong đó, khó khăn về thị trường là một vấn đề mà nhiều đơn vị đang gặp phải.
Bà Lương Thanh Hạnh, Giám đốc HTX lụa đũi Nam Cao (Thái Bình), cho biết các sản phẩm tơ lụa của Việt Nam có chất lượng cao nhưng chỉ có xuất khẩu mới tạo dựng và quảng bá được thương hiệu.
Hiện nay, tơ lụa của Việt Nam chủ yếu xuất sang Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng phần lớn là tơ thô nên giá trị thấp. Bên cạnh đó, chị Nguyễn Thị Minh Hải, Giám đốc HTX lụa Cổ Chất (Nam Định), cho rằng việc xúc tiến thương mại cũng như đảm bảo ổn định đầu ra sản phẩm tơ lụa của HTX trên thế giới còn hạn chế.
Trồng dâu, nuôi tằm theo mô hình HTX đang tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động. |
Bình thường, khi ra nước ngoài để tiếp cận khách hàng, giới thiệu sản phẩm, HTX tốn rất nhiều chi phí từ thuê gian hàng, tiến hành quảng bá sản phẩm, đi lại… nhưng chưa chắc đã gặp được những khách hàng tiềm năng. HTX cũng chưa nắm vững được các yếu tố về chuẩn bị mặt hàng mẫu, thông tin sản phẩm… để sẵn sàng tiếp cận với khách hàng quốc tế.
Đặc biệt, theo chị Hải, nếu các HTX hoặc doanh nghiệp muốn xuất khẩu nhưng đi giới thiệu sản phẩm lẻ tẻ, không phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc xúc tiến, tạo ra những sản phẩm đặc trưng thì khó xây dựng được thương hiệu tơ lụa Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế.
Liên kết để chinh phục thị trường
Các chuyên gia cho biết, xu thế của người tiêu dùng Việt Nam cũng như người tiêu dùng thế giới là chuộng những sản phẩm dệt may có nguồn gốc tự nhiên; đặc biệt là các sản phẩm làm bằng chất liệu tơ lụa.
Tại Hội thảo trực tuyến giới thiệu về Triển lãm Thương mại Quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024 tổ chức ngày 11/9, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, khẳng định cơ hội với các sản phẩm tơ lụa của Việt Nam ở thị trường Ấn Độ hiện rất lớn. Chỉ cần chinh phục được một "miếng bánh nhỏ" trên thị trường quốc tế cũng đủ để các HTX, doanh nghiệp trong ngành nghề này phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.
Dù vùng trồng dâu của HTX dệt đũi Nam Cao (Thái Bình) đang bị chìm trong nước lũ, nhưng hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế vẫn được các thành viên quan tâm. |
Cụ thể, Ấn Độ hiện nhập khẩu đến 90% tơ thô của Việt Nam. Những sản phẩm lụa tơ tằm rất được người dân nước này ưa chuộng. Phần lớn những bộ trang phục truyền thống của Ấn Độ hiện được may từ tơ thô của Việt Nam.
Chính vì vậy, Ấn Độ được coi là một trong những thị trường mà các HTX, doanh nghiệp tơ lụa Việt Nam cần tiếp cận thông qua việc tham gia xúc tiến thương mại. Bởi đây, là bước đi được đánh giá là khá hiệu quả, giúp HTX, doanh nghiệp từng bước mở rộng thị trường, tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng.
Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, bình thường ra nước ngoài, HTX, doanh nghiệp phải bỏ chi phí ít nhất 50 USD cho 1m2 gian hàng. Đây chính là rào cản đối với doanh nghiệp, HTX nhỏ.
Nhưng khi các HTX, doanh nghiệp cùng liên kết, cùng tham gia các chương trình xúc tiến thương mại do Nhà nước tổ chức thì sẽ giảm được rất nhiều chi phí từ thuê gian hàng, tiến hành quảng bá sản phẩm… Thậm chí, HTX còn có điều kiện tiếp cận được với những khách hàng tiềm năng và có khả năng liên kết, hỗ trợ để khách quốc tế thấy được tơ lụa Việt đã có sự phát triển theo chuỗi bền vững.
Bà Lương Thanh Hạnh cho biết, đây là lần đầu tiên, HTX lụa đũi Nam Cao đăng ký xúc tiến thương mại sản phẩm tơ lụa ở Ấn Độ. Trong khi Ấn Độ là một trong những thị trường tiềm năng của tơ lụa Việt Nam. Chỉ tính riêng bang Uttar Pradesh của Ấn Độ đã có đến 240 triệu dân, gấp 4 lần dân số Việt Nam nên nhu cầu sử dụng sản phẩm tơ lụa của người dân sẽ rất lớn.
Bà Hạnh nhận thấy, nếu chỉ tập trung vào phát triển sản xuất mà không kết hợp thực hiện giới thiệu sản phẩm, ký hợp đồng cung ứng với các đơn vị quốc tế thì khó có thể giúp HTX phát triển bền vững.
Chính vì vậy, ngoài tham gia các triển lãm, HTX đang tạo ra những dịch vụ để người nước ngoài có thể tiếp xúc với làng nghề sản xuất lụa tơ tằm, từ đó giúp đa dạng hóa nguồn thu cho thành viên, người dân.
Trong đó, việc thu hút du khách trải nghiệm nghề dệt lụa, xây dựng không gian văn hóa, du lịch gắn với làng nghề, phát triển nhiều sản phẩm từ tơ tằm… đang giúp các sản phẩm tơ lụa của HTX đến với nhiều khách quốc tế hơn.
Huyền Trang