Thực tế sản xuất của một số HTX, tổ hợp tác cho thấy, lợi nhuận từ sản xuất rau VietGAP đạt trung bình khoảng 470-500 triệu đồng/ha/năm nếu đầu ra thuận lợi. Đối với những cây trồng có giá trị cao như dâu tây, cà chua bi giống nước ngoài, rau baby… và được đầu tư trong hệ thống nhà kính, nhà lưới có thể cho thu lời 800-900 triệu đồng/ha/năm, thậm chí cao hơn.
Gánh nặng chi phí
Như vậy, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại nguồn thu khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố như giống cây trồng, mức độ đầu tư cơ sở vật chất, đầu ra, kinh nghiệm sản xuất…
Theo Bộ NN&PTNT, đến năm 2022, cả nước có 463.000 ha cây trồng được chứng nhận VietGAP và tương đương. Vậy nhưng, việc nhân rộng những vùng canh tác theo hướng VietGAP không phải là điều dễ dàng.
Ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Giám đốc HTX rau sạch Lĩnh Nam (Hà Nội), cho biết trồng rau VietGAP trên diện tích nhỏ để cung cấp cho siêu thị, trường học thì sẽ hợp lý hơn vì mức tiêu thụ ở những đơn vị này vừa phải.
Tuy nhiên, đưa nông sản VietGAP vào siêu thị lại gặp tình trạng chậm thanh toán nên nếu trồng trên diện tích lớn, buộc HTX phải tiêu thụ ở các chợ đầu mối, chợ dân sinh. Nếu bán rau ở đây với mức giá 10.000-12.000 đồng/kg, thậm chí có lúc chỉ 8.000-9.000 đồng/kg thì nhiều thành viên muốn bỏ cuộc quay lại trồng rau bình thường chứ chưa nói đến mở rộng thêm diện tích. Ngược lại, nếu bán rau ngoài chợ, nhưng chỉ cần cao hơn 500-1.000 đồng/kg thì HTX không thể cạnh tranh với những đơn vị khác.
Trong khi đó, để sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, nhiều HTX phải đi thuê đất, đáp ứng hàng loạt các tiêu chí nghiêm ngặt về giống, quy trình nuôi trồng, ghi chép nhật ký, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc.
Đi liền với đó, các HTX cần có một nguồn vốn đủ lớn để trả chi phí về xét nghiệm, kiểm nghiệm mẫu sản xuất, chỉ số về môi trường, chỉ số nuôi trồng, tái chứng nhận VietGAP…
Theo đại diện một doanh nghiệp cấp chứng nhận VietGAP và hữu cơ, đối với rau củ quả tươi, các chủ trang trại, HTX sẽ phải phân tích mẫu nước, mẫu đất và mẫu sản phẩm tại vùng sản xuất để kiểm tra các chỉ tiêu về kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và chỉ tiêu vi sinh (đối với rau ăn sống, rau gia vị).
Muốn đạt được chứng nhận VietGAP, HTX phải hoàn thiện hàng chục tiêu chí nghiêm ngặt. |
Nhìn chung, chi phí cho quá trình cấp chứng nhận VietGAP nhiều hay ít phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó khâu đánh giá, giám sát sản xuất khá tốn kém.
Thông thường để có thể hoàn thiện các chỉ tiêu trên, HTX phải mời các chuyên gia về hỗ trợ kiểm tra và chi phí thường được trả theo ngày công. Nếu diện tích, chủng loại nông sản, chỉ tiêu đánh giá càng lớn thì chi phí càng nhiều. Nếu HTX nào sản xuất manh mún, nhiều diện tích nhỏ ở xa nhau thì số ngày kiểm tra sẽ tăng lên và đi liền với đó là chi phí cấp chứng nhận tăng theo.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Ngọc (Hà Nội), cho biết để có chứng nhận VietGAP, HTX phải hoàn thiện khoảng 65 tiêu chí. Chỉ riêng công đoạn lấy mẫu phân tích sản phẩm cũng mất ít nhất 3-4 ngày với điều kiện HTX trồng đồng nhất một loại rau màu và trên cùng một diện tích.
Những điều này đã khiến một số HTX gặp khó khăn trong việc mở rộng diện tích, còn người dân thì không mấy thiết tha việc tham gia HTX để cùng áp dụng quy trình VietGAP.
Cần hướng đi bền vững
Thực tế hiện nay ở hầu hết các tỉnh thành, HTX là mô hình quản lý phần lớn diện tích nông sản sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Và để sản xuất 1ha rau VietGAP, HTX phải có nguồn vốn hàng trăm triệu đồng. Còn nếu đầu tư cả nhà màng, nhà kính, hệ thống tưới tiêu tự động theo mô hình công nghệ cao… chi phí khoảng 1,8-2,2 tỷ đồng/ha.
Trong khi chỉ trong 24 tháng là giấy chứng nhận VietGAP hết hiệu lực nên việc giám sát định kỳ vẫn phải thực hiện mỗi năm một lần thì mới đảm bảo điều kiện để chứng nhận lại. Điều này đã đội chi phí sản xuất của HTX lên nhiều lần so với sản xuất đơn thuần, trong khi đầu ra cho loại nông sản này còn khiêm tốn và nguồn vốn của các HTX cũng có giới hạn.
Đặc biệt, việc tích tụ đất đai phục vụ cho sản xuất theo quy mô lớn của các HTX còn gặp nhiều khó khăn do vướng nhiều quy định trong Luật Đất đai. Nhiều địa phương đang trong quá trình đô thị hóa nên diện tích đất phục vụ sản xuất nông nghiệp hạn chế. Khó khăn này cũng là nguyên nhân đẩy chi phí sản xuất và khiến HTX khó đạt các tiêu chí khắt khe trong quy trình VietGAP.
Thực tế, áp dụng quy trình VietGAP là điều kiện thuận lợi để các HTX nâng cao các tiêu chí sản xuất, sau đó dễ dàng chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ… Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển các vùng trồng trọt theo hướng VietGAP, cần nhiều hơn nữa các chương trình hỗ trợ HTX kết nối tiêu thụ nông sản với các tổ chức, siêu thị, doanh nghiệp chế biến. Thông qua đó có thể giúp HTX có thêm nhiều hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản, từ đó nâng cao giá trị và thu nhập cho thành viên HTX.
Các địa phương cũng cần đồng bộ cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, HTX chuyển đổi các vùng sản xuất truyền thống sang canh tác theo hướng VietGAP.
“Chúng tôi rất cần chính sách hỗ trợ bền vững về nguồn vốn ưu đãi sản xuất cũng như kết nối đầu ra, bao tiêu sản phẩm VietGAP với giá ổn định để nông dân an tâm sản xuất”, Phó Giám đốc HTX rau sạch Lĩnh Nam Nguyễn Hồng Minh nói.
Tương tự, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Ngọc Nguyễn Ngọc Anh cho biết, thời gian qua, giá vật tư đầu vào tăng cao nên khiến thành viên HTX gặp nhiều khó khăn. Trong đó có việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị chưa thuận lợi, việc kết nối đầu ra không ổn định nên thành viên HTX còn nhiều lo ngại, không dám đầu tư nhiều cho sản xuất VietGAP.
Huyền Trang