Trước thực trạng hàng hóa Việt khó cạnh tranh trên thị trường, TS Nguyễn Thị Thu Nga, Giảng viên Học Viện nông nghiệp cho rằng điều này ngoài tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng thì việc hàng Việt khó tiêu thụ, được ít người mua còn do yếu tố bao bì chưa thuyết phục, chưa sáng tạo, chưa tiện dụng.
Khó từ nhà sản xuất đến đơn vị cung cấp bao bì
Dẫn chứng về điều này, TS Nguyễn Thu Nga cho rằng trên kệ hàng ở siêu thị Anh, chỉ một sản phẩm sữa tươi tách béo nhưng nhà sản xuất đã thiết kế hai bao bì có màu khác nhau để phân biệt có đường và không đường và hiện đã được một số doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước học tập. Như vậy khi dùng sản phẩm một hai lần, người tiêu dùng không cần đọc thông tin vẫn có thể dễ dàng lựa chọn hàng hóa. Và bao bì chính là cầu nối giữa người sản xuất và người mua, giúp khách hàng tiếp cận thông tin rõ hơn, thuận tiện hơn.
Ngoài ra, các nhà sản xuất trên thế giới hiện nay không chỉ chú ý đến tính thân thiện với môi trường mà còn chú ý cả đến tính tiện dụng cho bao bì sản phẩm nhằm tạo ra sự thuận tiện, thích thú, thậm chí cả an toàn cho người tiêu dùng. Điều này trái ngược với nhiều bao bì đựng nước mắm, nước tương, thực phẩm ở Việt Nam khiến người tiêu dùng gặp khó khăn khi sử dụng như dễ làm rơi vãi nước tương, nước mắm ra bên ngoài. Đó là chưa kể người dùng còn phải tìm dao, kéo để cắt nút chai với vật liệu cứng mới có thể dùng được.
Bao bì hợp xu hướng sẽ nâng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. |
Lý do được đưa ra là nhiều đơn vị sản xuất hiện vẫn chưa hiểu hết giá trị của bao bì. Đơn cử, nhiều HTX, doanh nghiệp vẫn có thói quen trưng sản phẩm ra bên ngoài cửa hàng nhưng không nhớ rằng dù được đóng trong bao bì nhưng thực phẩm, sản phẩm bên trong bao bì vẫn chịu tác động của môi trường, ánh nắng, nhiệt độ. Nếu bị ánh nắng, nhiệt độ cao, thậm chí ánh sáng chiếu trực tiếp vào thì thực phẩm, sản phẩm bên trong vẫn dễ hỏng, xuống cấp.
Đi liền với đó, đầu tư bao bì, nhất là những bao bì mang tính xanh, tiện dụng cần công nghệ sản xuất hiện đại nhưng theo các chuyên gia, với công nghệ và năng lực của các doanh nghiệp sản xuất bao bì ở Việt Nam hiện nay, rất khó có thể tạo ra những bao bì mang tính ứng dụng cao.
Cụ thể như muốn sản xuất những bao bì thân thiện môi trường, cần sử dụng các công nghệ sinh học, các vật liệu hữu cơ, đi liền với đó là công nghệ sản xuất bao bì bằng những vật liệu này khá phức tạp, đòi hỏi cao về các chỉ tiêu để có thể sản xuất, sử dụng và bảo quản được trong điều kiện thường. Trong khi năng lực của các doanh nghiệp sản xuất bao bì ở trong nước vẫn còn thấp nên chủ yếu nhập máy móc công nghệ cũ với giá thành rẻ nên chưa đáp ứng được việc sản xuất bao bì hiện đại, theo xu hướng.
Còn về phía HTX, doanh nghiệp nhỏ làm ra sản phẩm, việc đầu tư cho bao bì xanh, mang tính tiện dụng là khá khó khăn. Hiện các loại vật liệu thân thiện môi trường để sản xuất bao bì thường có giá thành khá cao. Nếu HTX, doanh nghiệp nhỏ đầu tư, nhất là với những đơn vị sản xuất có sản phẩm bình dân khó lòng lựa chọn, đầu tư những loại bao bì hiện đại.
Cần tính xu thế thời đại
Trong nền kinh tế có độ mở cao như hiện nay, nếu đầu tư cho bao bì, mẫu mã sẽ giúp các HTX nâng được tính cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong điều kiện thương mại điện tử phát triển, nhiều nông sản, sản phẩm của Việt Nam được đánh giá cao về chất lượng.
Tuy nhiên, để thuyết phục được những khách hàng khó tính trên thế giới, HTX, doanh nghiệp cần đáp ứng được những yêu cầu riêng về bao bì của từng thị trường. Tại Mỹ, HTX, doanh nghiệp phải minh chứng được bao bì có khả năng tái chế, đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tại châu Âu, bao bì của HTX, doanh nghiệp phải đáp ứng được sự an toàn cho sản phẩm bên trong khi hoàn thiện các quy định về hàm lượng kim loại nặng…
Tuy nhiên, đó mới chỉ là những yêu cầu cơ bản, chưa thực sự tạo ra sức hút và điểm nhấn, sức cạnh tranh cho sản phẩm của HTX thông qua bao bì. Muốn vậy, yếu tố sáng tạo, đáp ứng xu thế là điều hết sức cần thiết.
Bà Trịnh Thị Thu Trang, Giảng viên khoa thiết kế đồ họa (Đại học Kiến Trúc Hà Nội), cho rằng đổi mới tư duy chiến lược đối với bao bì bằng những phương án bao bì khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều thị trường cũng là điều cần thiết, thay vì mãi nghĩ rằng “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.
Chẳng hạn như một doanh nghiệp bán rượu vang ở Anh đã dẫn chứng về “sự cần thiết đổi mới, đầu tư trong bao bì sản phẩm thông qua hình ảnh chiếc ly. Nếu một cái ly bình thường thì đơn vị sản xuất chỉ có thể bán nó với giá vừa phải. Thậm chí còn bị chủ hàng tạp hóa bên cạnh dùng chiêu giảm giá để ép giá sản phẩm. Đây là kết quả của việc không có giá trị sáng tạo.
Nhưng nếu thiết kế chiếc ly với hình dáng có thể úp ngược thì giá bán sẽ tăng gấp đôi và chiêu giảm giá của cửa hàng tạp hóa cũng không có hiệu lực bởi chiếc ly có thiết kế mới có xu thế thời đại, người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để mua. Việc này là minh chính cho sự cần thiết trong đổi mới bao bì để có sự đầu tư thích hợp.
Theo bà Trang, HTX, doanh nghiệp Việt Nam cần có sự kết nối với các viện nghiên cứu, trường đại học có các nghiên cứu về bao bì để có các cơ sở khoa học, thông tin tốt hơn cho đầu tư thiết kế, lựa chọn chất liệu bao bì sản phẩm. Tuy nhiên, điều bà Trang lo lắng hiện nay chính là việc Việt Nam vẫn chưa có những ngành đào tạo chuyên sâu về nghiên cứu và sản xuất bao bì nên chưa đáp ứng được nhu cầu trong đổi mới, nâng cấp chất lượng mẫu mã của nhiều HTX, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Trung Thành, Phó chủ tịch Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt, cho rằng người tiêu dùng hiện nay rất thông thái nên bao bì cần thể hiện rõ được nội dung thông tin của sản phẩm mới thu hút được khách hàng, trên bao bì ghi rõ nguồn gốc xuất xứ vùng miền là điều rất quan trọng đối với khách hàng kỹ tính. Cụ thể như trên bao bì sản phẩm thịt bò khô được HTX, doanh nghiệp sản xuất ghi địa chỉ ở Tây Nguyên, hay Thạch đen được sản xuất ở Cao Bằng sẽ tạo cảm giác an tâm cho người dùng bởi những nơi này có vùng nguyên liệu thơm ngon ít đâu sánh bằng. Ngược lại bao bì ghi bò khô sản xuất ở Hà Nội cũng gây nghi ngờ cho những người sành ăn.
Còn về vấn đề chi phí, để đầu tư cho bao bì, HTX, doanh nghiệp cần phải tính toán ở tất cả quy trình để đảm bảo sau khi đổi mới bao bì, sản phẩm vẫn có mức giá bán phù hợp với mặt bằng giá bán chung. Đi liền với đó, cần làm việc với đơn vị sản xuất bao bì như như đặt số lượng lớn để có được mức giá hợp lý hoặc giảm giá sản xuất ở một vài khâu để cân đối chi phí, không tăng giá sản phẩm đầu ra.
Huyền Trang