Các HTX kiểu mới được thành lập ngày càng gia tăng, hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, bình đẳng cùng có lợi. Thành viên cùng góp vốn, góp sức hùn hạp làm ăn tập thể theo xu thế hợp tác mới.
Một số mô hình HTX làm ăn có hiệu quả, bảo tồn và phát triển phần vốn. Nhiều HTX cung cấp các dịch vụ đầu vào và liên kết giải quyết đầu ra sản phẩm cho thành viên đã làm cho thành viên tin tưởng, người lao động gắn bó nhiều hơn với HTX.
Để phát triển bền vững, bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp, ngành, các HTX phải tự đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, nâng cao năng lực cạnh tranh.
HTX nông nghiệp là nòng cốt
Các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp có số lượng lớn, chiếm 39% số lượng HTX trên địa bàn tỉnh. HTX nông nghiệp có mặt hầu hết các địa bàn tỉnh, nhất là các địa bàn khu vực nông thôn. Các HTX nông nghiệp ở vùng sâu, vùng xa được hình thành và tập hợp được lượng hàng hóa lớn. Các HTX dần sản xuất theo tiêu chuẩn của khách hàng, thị trường, nâng cao giá trị của hàng nông sản.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã từng bước hình thành các HTX trên các vùng sản xuất chuyên canh nông nghiệp. Một số HTX đã tổ chức được dịch vụ sơ chế, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, như: HTX Nhân Tâm, với vùng sản xuất nhãn xuồng cơm vàng đạt tiêu chuẩn VietGap; HTX Bưởi da xanh Sông Xoài, được công nhận đạt tiêu chuẩn ViệtGap với sản phẩm là bưởi da xanh; HTX Quảng Thành, với sản phẩm chính là tiêu; HTX Hưng Thịnh, với sản phẩm là thanh long…
Các HTX khác phân phối thực phẩm sau sơ chế và đã tham gia vào đề án xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo “chuỗi thực phẩm an toàn” trên địa bàn tỉnh.
Đồng hành với các HTX, mô hình quỹ TDND biết chăm chút, khai thác các khoản vốn nhàn rỗi và linh hoạt cung ứng tín dụng cho sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đây là những nhân tố điển hình trong phong trào xây dựng KTTT thời gian qua.
Tuy nhiên, bên cạnh những HTX làm ăn hiệu quả, vẫn còn HTX hoạt động cầm chừng và tạm ngưng hoạt động, chưa thể hiện được vai trò của mình trong việc hỗ trợ thành viên phát triển. Đa số các sản phẩm của HTX vẫn bán dưới dạng sản phẩm nông nghiệp thô, giá trị gia tăng ít. Sự liên kết của HTX với thành viên còn yếu.
Một số nguyên nhân dẫn đến hạn chế này, là quy mô của đa số các HTX còn nhỏ, nên việc tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn; năng lực lãnh đạo của cán bộ HTX hạn chế, nên chưa phát huy được hết lợi thế của mình; thiếu vốn sản xuất, thiếu thông tin thị trường, sản xuất manh mún. Đặc biệt, các HTX nông nghiệp còn thiếu sự quan tâm của chính quyền các cấp, nhất là việc cấp đất xây dựng nhà xưởng, trụ sở theo chính sách của Nhà nước.
Đoàn công tác của Liên minh HTX Việt Nam đi thực địa tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cần vượt qua khó khăn
Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Võ Kim Cự ghi nhận sự thay đổi ở khu vực KTTT của tỉnh và chỉ rõ với lợi thế quan trọng địa lý, tiềm năng dịch vụ, dầu khí, kinh tế biển, lẽ ra KTTT của tỉnh phải phát triển và lớn mạnh hơn nữa.
“Hiện tại, toàn tỉnh chỉ có 89 HTX thì chưa tương xứng tiềm năng, thế mạnh của mình. Với số lượng trên là quá ít, quá bé, quy mô nhỏ, manh mún, chất lượng thấp, không thể phát triển được. Thành viên THT rất ít, chưa tạo thành nòng cốt để phát triển thành HTX”, Chủ tịch Võ Kim Cự nói.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, tỉnh cần tiếp tục quan tâm, nêu cao vai trò vị trí của KTTT trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch, đánh bắt thủy hải sản... Phát triển thêm số lượng HTX ở các địa bàn huyện, xã xây dựng nông thôn mới. Vận động, tuyên truyền phổ biến những mô hình HTX làm ăn hiệu quả, đồng thời bảo đảm nguyên tắc dân chủ, tự nguyện của xã viên.
Ông Lê Minh Long - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng nhìn nhận do nhiều nguyên nhân khác nhau, các HTX vẫn chưa phát huy hết lợi thế, tiềm năng của loại hình kinh tế này. Vì vậy, để KTTT phát triển bền vững, bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp, ngành cùng chính quyền các địa phương, sự hỗ trợ của Liên minh các cấp, mỗi HTX phải vươn lên tự khẳng định mình. Các HTX phải tự đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm mở rộng, phát triển trong giai đoạn mới.
Để KTTT mà nòng cốt là HTX thực sự trở thành nhân tố tích cực, cần phải nâng cao trình độ, năng lực quản lý cho cán bộ quản trị HTX, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và kiến thức cho cán bộ, thành viên. Thường xuyên tổ chức đưa cán bộ HTX tham dự các lớp đào tạo (ngắn hạn, dài hạn) và bồi dưỡng kiến thức quản lý điều hành, quản trị kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển KTTT.
Lê Thuận