![]() |
Vốn ngoại đang rút khỏi thị trường chứng khoán Việt? |
Kết thúc phiên giao dịch, Vn-Index giảm 35,88 điểm xuống 1.044,86 điểm; HNX-Index giảm 6,19 điểm xuống 120,12 điểm và UPCoM-Index giảm 1,37 điểm xuống 55,69 điểm.
Áp lực bán đã trải rộng trên nhiều nhóm cổ phiếu. Các mã như BVH, CTG, GAS, PLX, SSI, VND, VPB... đều bị kéo xuống mức giá sàn. Trong khi các cổ phiếu lớn khác là VRE, VCB, TPB, STB, MSN, MBB... cũng đều lao dốc rất mạnh.
Trong khi đó, VNM, SAB và ROS là 3 trụ đỡ hiếm hoi của thị trường trong phiên hôm nay. Tuy nhiên, mức tăng của các cổ phiếu này là rất nhẹ.
VNM tăng 0,6% lên 181.000 đồng/cp, SAB tăng 0,9% lên 219.000 đồng/cp, ROS tăng 0,4% lên 80.400 đồng/cp, VIC được kéo lên mức giá tham chiếu 127.000 đồng/cp và có hơn 6,4 triệu đơn vị khớp lệnh.
Nhóm tăng điểm còn lại trên thị trường chỉ còn ASM, OGC, HHS, HNG, DIG, EVG, và QCG bật tăng từ mức giá sàn, khớp lệnh từ hơn 1 triệu đến 5,7 triệu đơn vị.
FRT gây bất ngờ khi ngay trong phiên đầu chào sàn HoSE đã được khối ngoại mua ròng gần 1 triệu cổ phiếu, chốt phiên ở mức giá trần 150.000 đồng/cp.
Về giao dịch khối ngoại, trong phiên hôm nay, khối này đã giao dịch theo chiều hướng chung tiêu cực của thị trường, bán ròng trên cả HoSE, HNX và UPCoM.
Tuy nhiên, khối ngoại cũng giao dịch sôi động hơn các phiên trước bằng việc mua vào 35,3 triệu cổ phiếu, trị giá 1.668 tỷ đồng, trong khi bán ra hơn 36,4 triệu cổ phiếu, trị giá 1.933 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng đạt hơn 1 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 264,8 tỷ đồng.
Trên sàn HoSE, khối ngoại đã mua ròng 2,53 triệu cổ phiếu trong phiên hôm nay, tuy nhiên xét về giá trị thì đã bán ròng 210,12 tỷ đồng.
FRT được khối ngoại mua ròng khá mạnh trong ngày chào sàn với 137,33 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, VIC đứng đầu danh sách bán ròng với 433 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau 5 phiên giao dịch, VIC đã bị khối ngoại bán ròng tổng cộng 1.468 tỷ đồng.
Các cổ phiếu khác trong top bán ròng còn có NVL (98,88 tỷ đồng), VJC (64,13 tỷ đồng), HPG (26,49 tỷ đồng), CTD (10,81 tỷ đồng). Đóng cửa phiên giao dịch, các cổ phiếu này đều giảm điểm, thậm chí NVL còn giảm sàn.
Dẫn đầu danh sách bán ròng sàn HNX là NDN với 14 tỷ đồng. Tiếp đến là ACB và VGC đều bị bán ròng trên 8 tỷ đồng. Trong khi đó, SHS là mã duy nhất được khối ngoại sàn này mua ròng lớn hơn 1 tỷ đồng.
Trên sàn UPCoM, khối ngoại cũng bán ròng gần 15,4 tỷ đồng, tương ứng khối lượng gần 1,7 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại trên UPCoM bán ròng mạnh nhất mã POW với 15,6 tỷ đồng. OIL và IDC bị bán ròng lần lượt 8 tỷ đồng và 4,5 tỷ đồng. Trong khi đó, khối ngoại mua ròng mạnh mã QNS với 5 tỷ đồng. ACV cũng được mua ròng gần 5 tỷ đồng.
Trước đó, tại phiên giao dịch ngày 24/4, bất chấp thị trường có sự hồi phục, Vn-Index tăng 3,96 điểm lên 1.080,74 điểm; HNX-Index tăng 0,16 điểm lên 126,3 điểm và chỉ có UPCoM-Index giảm nhẹ 0,08 điểm xuống 57,06 điểm, thì khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng 593,8 tỷ đồng.
Cụ thể, khối ngoại mua vào 19,8 triệu cổ phiếu, trị giá 1.059,6 tỷ đồng, trong khi bán ra 23,77 triệu cổ phiếu, trị giá 1.653,4 tỷ đồng.
Trên sàn HoSE, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng gần 617,5 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng đạt 4 triệu cổ phiếu. Còn tại sàn HNX, khối ngoại mua ròng khoảng hơn 24 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng đạt 650.655 cổ phiếu.
Trên thực tế, xu hướng giao dịch của khối ngoại có ảnh hưởng tới nhiều nhà đầu tư nội, thậm chí đóng vai trò quyết định xu hướng giá. Trong bối cảnh đó, việc cảnh giác với sự "đổi hướng" của khối ngoại là hết sức cần thiết, nhất là với nhà đầu tư "lướt sóng" theo xu hướng của dòng vốn này.
Linh Đan