Hiện, thanh khoản của thị trường đang được duy trì ở mức khá, cho thấy tâm lý lo ngại của nhà đầu tư trước diễn biến của thị trường. Việc kết luận thị trường đã chạm đáy chưa sẽ phụ thuộc rất lớn vào diễn biến của Vn-Index trong thời gian tới.
Vẫn còn điều chỉnh
Cuối tuần trước, thị trường chứng khoán đã có sự hồi phục đáng kể khi Vn-Index tăng 25 điểm. Tuy nhiên, các chuyên gia đều nhận định thị trường chưa thật sự kết thúc điều chỉnh.
Sự phục hồi chỉ mang tính chất kỹ thuật, vẫn cần thêm thời gian để chắc chắn về một xu thế đi lên. Đặc biệt, các chuyên gia vẫn để ngỏ khả năng lớn là thị trường sẽ quay lại nhịp điều chỉnh trong tuần này.
Nhận định của các chuyên gia có vẻ như chính xác khi ngay trong phiên chào tuần mới, các chỉ số tiếp tục quay đầu giảm mạnh. Lực cung diễn ra mạnh mẽ và trên diện rộng khiến Vn-Index giảm 43,8 điểm xuống 1.076,78 điểm với 68 mã tăng, trong khi có tới 230 mã giảm.
Sức cầu yếu trong những đợt hồi phục không đủ sức hấp thụ hết lượng cung ngày càng nhiều được đẩy ra thị trường khiến mặt bằng giá tiếp tục sụt giảm trên diện rộng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng từ “người dẫn dắt”, tiếp tục trở thành “kẻ tội đồ” đẩy thị trường rơi vào trạng thái hỗn loạn, khi hàng loạt cổ phiếu trong nhóm này “nằm sàn” như VCB, BID, CTG, VPB…
Ngày 21/4 vừa qua, có ba ngân hàng cùng tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2018, với nhiều thông tin tích cực được công bố là BIDV, HDBank, PGBank.
Đáng chú ý, tại ĐHĐCĐ của HDBank và PGBank, cổ đông đã thông qua phương án sáp nhập hai ngân hàng này dựa trên cơ sở hợp tác chiến lược giữa HDBank và Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex.
Việc sáp nhập PGBank vào HDBank được thực hiện thông qua phương thức hoán đổi cổ phiếu. Theo đó, HDBank sẽ phát hành cổ phiếu và sử dụng số cổ phiếu này để hoán đổi lấy toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành của PGBank tỷ lệ 1:0.621 (1 cổ phiếu PGBank đổi lấy 0.621 cổ phiếu HDBank).
Được khá nhiều lệnh mua với khối lượng lớn nhưng VPB cũng không thoát khỏi tình cảnh giảm sàn, với 9,5 triệu cổ phiếu được khớp lệnh.
Thoát sàn trong “gang tấc” nhưng TPBank cũng giảm mạnh 5,23% xuống 30.800 đồng/cp, EIB giảm 6,17% xuống còn 15.200 đồng với 1,28 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Ngoài ra, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như GAS, SSI, PLX, VND… cũng đều kết thúc phiên giao dịch với mức giá sàn.
Điểm sáng của thị trường phiên đầu tuần là sự cải thiện về giao dịch khớp lệnh, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 8.400 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận chỉ chiếm 1.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tâm lý chốt lời trước kỳ nghỉ lễ dài của nhà đầu tư sẽ vẫn là những yếu tố bất lợi cho thị trường hiện tại.
Sự phục hồi chỉ mang tính chất kỹ thuật, vẫn cần thêm thời gian để chắc chắn về một xu thế đi lên |
Bluechip vẫn còn tiềm năng
Đánh giá về diễn biến thị trường trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán SSI, cho rằng việc thị trường đã tăng liên tục từ 900 điểm lên 1.200 điểm thì việc điều chỉnh diễn ra là bình thường. Sự điều chỉnh của chỉ số sẽ giúp thị trường phát triển bền vững bởi không có gì lên mãi và xuống mãi.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới CTCK Bản Việt, nhận xét rằng có nhiều yếu tố tác động khiến thị trường lao dốc như ảnh hưởng của thị trường thế giới, khối ngoại rút vốn, sự dịch chuyển của dòng tiền…
Cũng theo bà Quỳnh, dòng tiền đang bị rút ra một phần nhằm đón đầu những cổ phiếu mới, trong đó phải kể đến hai “bom tấn” là Techcombank và Vinhomes. Đầu tháng 4, Techcombank đã nộp hồ sơ niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE và dự kiến niêm yết vào ngày 4/6/2018.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia chứng khoán, việc các mã lớn và ngân hàng bị bán ra là nguyên nhân khiến Vn-Index giảm mạnh, kéo theo đà bán tháo ở hàng loạt các mã chứng khoán khác.
Hiện, vấn đề của thị trường là các “ông lớn” đang chiếm tỷ lệ quá lớn trong tổng giá trị vốn hóa của thị trường. Top 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất đóng góp 59,69% giá trị vốn hóa sàn HoSE; mở rộng ra, nhóm cổ phiếu VN30 đang chiếm gần 80% tổng giá trị vốn hóa.
Cũng theo vị chuyên gia này, với nhịp điều chỉnh hiện tại, giá nhiều cổ phiếu bluechip cũng như nhóm ngân hàng đã giảm mạnh, đây có thể là cơ hội để nhà đầu tư xem xét mua lại những cổ phiếu này.
Về dài hạn, những cổ phiếu vốn hóa lớn, cũng như nhóm ngân hàng vẫn được đánh giá là dòng cổ phiếu dẫn dắt, tiếp tục là nền tảng để thị trường tăng trưởng.
Theo ông Trần Xuân Bách, Bộ phận chiến lược thị trường, CTCK Bảo Việt, trong ngắn hạn, nhịp điều chỉnh ngắn hạn ở nhóm cổ phiếu bluechip và ngân hàng được xem là cần thiết nhằm cân bằng áp lực cung cầu, trước khi tiếp tục quá trình tăng trưởng trong trung hạn.
“Tôi vẫn đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng của nhóm các cổ phiếu bluechip, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng trong năm 2018. Tôi tin rằng các nhóm cổ phiếu này vẫn còn dư địa tăng giá trong trung-dài hạn”, ông Bách nhận định.
Linh Đan