Trong tuần giao dịch cuối cùng của tháng 3 nếu không có đợt sụt giảm bất ngờ khi đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần thì thị trường đã có 4 phiên tăng trưởng khá tích cực. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường lại sụt giảm mạnh với giá trị khớp lệnh bình quân đã giảm xuống còn hơn 3.200 tỷ đồng/phiên.
Điểm sáng của tuần giao dịch vừa qua là giao dịch của khối ngoại vẫn khá sôi động khi tiếp tục mua ròng hơn 500 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó, chứng chỉ quỹ E1VFVN30 tiếp tục được mua ròng khoảng 173 tỷ đồng.
"Nút thắt" FTSE Russell
Cuối tuần qua, FTSE Russell đã công bố bản cập nhật nâng hạng thị trường chứng khoán các quốc gia. Việt Nam vẫn được giữ trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 nhưng đã có nhiều tiêu chí bị đánh giá tiêu cực hơn so với đợt rà soát trước đó vào tháng 9/2019.
Những đánh giá của FTSE Russell với thị trường Việt Nam được đưa ra như sau: Tỷ lệ các giao dịch thất bại hiếm: Cập nhật từ "Đạt" sang "N/A" (không có dữ liệu xác định) do thông lệ thị trường trong việc tiến hành kiểm tra trước giao dịch. Đây có thể là dạng chưa đánh giá, còn nếu đã "Đạt" một lần thì dù có hạ bậc cũng sẽ lùi xuống "Hạn chế" hoặc "Không đạt".
Ngoài ra, các tiêu chí liên quan đến lưu ký – quản lý tài khoản tách biệt có sẵn cho nhà đầu tư quốc tế bị hạ bậc từ "Đạt" xuống "Hạn chế"; tiêu chí giao dịch ngoại hối cũng hạ bậc từ "Hạn chế" xuống "Không đạt".
Tiêu chí duy nhất được đánh giá tốt hơn là "Mức độ phát triển thị trường phái sinh" từ chỗ "Không đạt" được nâng lên "Hạn chế".
Như vậy trong 4 tiêu chí mà FTSE Russell đánh giá, Việt Nam chỉ cải thiện được một tiêu chí về thị trường phái sinh, trong khi có tới ba tiêu chí liên quan đến giao dịch, ngoại hối, lưu ký bị đánh hạ bậc.
Trước đó, hồi tháng 9/2018, FTSE Russell đã đưa thị trường chứng khoán Việt Nam vào danh sách xem xét để nâng hạng từ thị trường cận biên thành thị trường mới nổi.
Thông thường cũng phải mất thêm một vài năm để chính thức được nâng hạng nhưng cũng không loại trừ khả năng có thể được nâng sớm hơn nếu đạt được các tiêu chí theo quy định.
Tại thời điểm đó, hàng loạt các phân tích về triển vọng hàng tỷ USD sẽ được đổ vào thị trường chứng khoán Việt nếu được nâng hạng trong cả danh mục theo dõi của MSCI. Kỳ vọng này đã thúc đẩy tâm lý lạc quan và hành động mạnh mẽ hơn của các nhà đầu trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, với tình hình trước mắt, đây có thể là một điểm trừ cho thị trường bởi từ đây có thể dẫn tới hệ quả là cơ hội lọt vào danh sách nâng hạng của MSCI sẽ khó khăn hơn bởi tiêu chí của chỉ số này khá chặt chẽ.
Mặt khác, CTCK Bảo Việt (BVSC) lại cho rằng ngay kể cả khi thỏa mãn tất cả điều kiện tiên quyết của FTSE Russell, thị trường Việt Nam vẫn phải nằm trong danh sách theo dõi ít nhất một năm.
Như vậy, sớm nhất cũng phải đến kỳ báo cáo thường niên tháng 9/2019, thị trường chứng khoán Việt Nam mới được công bố thăng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2.
Thực tế, phiên giao dịch đầu tiên của tháng 4 diễn ra khá suôn sẻ, dấu hiệu của việc phản ứng với "tin xấu" cuối tuần qua gần như là không có khi chỉ số Vn- Index tăng 7,77 điểm lên 988,53 điểm.
Thanh khoản thị trường đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn ở mức trung bình với tổng khối lượng đạt 216 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị đạt 4.600 tỷ đồng.
1.000 điểm vẫn là ngưỡng kháng cự mạnh của thị trường |
Tháng 4 sẽ kém tích cực?
Phiên giao dịch khởi đầu của tháng mới không có gì đáng lo ngại nhưng đánh giá chung về thị trường chứng khoán trong tháng 4, các chuyên gia vẫn rất thận trọng trong việc tăng tỷ trọng cổ phiếu ngắn hạn và lựa chọn giải pháp giữ nguyên danh mục và quan sát thêm.
Trước mắt, thị trường đang chờ đợi những thông tin tiếp theo về vòng đàm phán thương mại Mỹ – Trung sẽ diễn ra vào ngày 3/4 tới. Diễn biến vòng đàm phán này sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường tài chính toàn cầu.
Trong nước, mùa ĐHĐCĐ cũng đang trong tầm cao điểm với những con số ước tính về kết quả kinh doanh quý I/2019 cùng diễn biến dòng vốn ngoại, đặc biệt các quỹ ETF sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định xu hướng thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Nguyên Khoa – Trưởng nhóm Phân tích thị trường CTCK BIDV, trong tháng 4, thị trường dần sẽ rơi vào vùng trũng thông tin khi các doanh nghiệp dần công bố mục tiêu cũng như kết quả kinh doanh, chỉ số Vn- Index sẽ giằng co quanh vùng 950-980 điểm.
Động lực tăng điểm của thị trường cũng trở nên bớt rõ ràng trong tháng 4 nên diễn biến chủ yếu sẽ là phân hóa và tích lũy. Để thấy được rõ bức tranh xu hướng của thị trường, ông Khoa cho rằng phải sau khi kết thúc tháng 4.
Trước mắt, thị trường vẫn chưa hoặc không phản ứng với việc hạ bậc nhiều tiêu chí của FTSE Russell nhưng trong ngắn hạn, nhà đầu tư vẫn nên quan tâm theo dõi diễn biến các tiêu chí đánh giá được cải thiện thế nào.
Đáng chú ý, các chuyên gia nhận định rằng nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ còn là nhóm giữ thị trường chứ không còn khả năng đẩy thị trường như trước nữa; nhóm bất động sản ngoài mức tăng của nhóm Vingroup thì các cổ phiếu riêng lẻ khác vẫn chưa có động lực để tăng trưởng.
Cũng đưa ra cái nhìn thận trọng, CTCK VnDirect cho rằng các chỉ số vẫn được thúc đẩy tăng nhờ một số cổ phiếu vốn hóa lớn như VHM; VCB; BID; VRE; MSN… nhưng dòng tiền vẫn chưa có động lực quay trở lại và khi thiếu dòng tiền, người đang nắm giữ cổ phiếu sẽ rơi vào trạng thái áp lực.
Đưa ra cái nhìn tích cực hơn, ông Nguyễn Hoàng Việt – Bộ phận chiến lược thị trường CTCK VietinBank, cho biết thanh khoản suy yếu là biểu hiện của việc tâm lý nhà đầu tư hiện đang lưỡng lự trong việc giải ngân tham gia thị trường. Tuy nhiên, hiệu ứng này chỉ mang tính ngắn hạn nên không có gì đáng lo ngại.
Linh Đan