Trên thực tế, sàn UPCoM có đà gia tăng rất nhanh chóng cả về quy mô lẫn chất lượng hàng hóa trong khoảng hai năm trở lại đây, thu hút được nhiều doanh nghiệp (DN) lớn.
Cụ thể, hơn 800 DN đang đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, hiện có 18 mã chứng khoán có vốn hóa trên 10.000 tỷ đồng, chiếm 78% vốn hóa toàn thị trường này.
Nhiều DN đầu ngành
Đầu tiên phải kể đến "ông lớn" ngành hàng không là Tổng công ty Hàng không Việt nam – CTCP (Vietnam Airlines) đang giao dịch hơn 1,4 tỷ cổ phiếu HVN trên sàn giao dịch UPCoM, vốn hóa thị trường đạt gần 50.000 tỷ đồng.
Theo nhận định của công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), việc giá dầu giảm sâu đang hứa hẹn xu hướng tăng mạnh lợi nhuận biên của các công ty vận tải hàng không, trong đó có Vietnam Airlines.
Bên cạnh đó, hoạt động thoái vốn tại các công ty con và công ty liên kết cùng kế hoạch thoái vốn cũng như chuyển sàn niêm yết sẽ là những thông tin hỗ trợ tích cực cho cổ phiếu HVN trong thời gian tới.
Hiện, cổ phiếu HVN đang giao dịch tại mức giá hấp dẫn 32.900 đồng/ cp, đã giảm hơn 48% so với mức giá 63.600 đồng/ cp hồi đầu năm (giá chưa điều chỉnh).
Ngoài ra, room ngoại của Vietnam Airlines còn trống khá nhiều, nên một số quỹ mô phỏng chỉ số VN-Index có thể sớm mua vào cổ phiếu này, đồng thời việc chuyển sàn sẽ tạo điều kiện để cổ phiếu được giao dịch ký quỹ sau khi niêm yết 6 tháng.
Theo đó, VCSC cho rằng giá cổ phiếu cũng như thanh khoản của HVN sẽ được cải thiện từ quý I/2019.
Là một DN có vốn hóa lớn nhất sàn UPCoM, giá cổ phiếu hiện đang dao động quanh mức 80.000 đồng/cp, nhưng theo dự báo của các công ty chứng khoán, cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP sẽ đạt mức giá cao hơn, bởi triển vọng kinh doanh tươi sáng với 21 cảng hàng không đang vận hành.
ACV cũng có kế hoạch chuyển sàn từ UPCoM sang niêm yết trên HoSE vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019; sau đó, Bộ GTVT sẽ bán thêm 10% cổ phần trong trung hạn. Những yếu tố này sẽ hỗ trợ cho thanh khoản của cổ phiếu ACV.
Một cổ phiếu đáng chú ý khác là POW của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) – nhà sản xuất điện đứng thứ hai cả nước với thị phần phát điện chiếm 9,6%, đang vận hành 4 dự án nhà máy nhiệt điện khí Cà Mau 1 và 2, Nhơn Trạch 1 và 2 với tổng công suất 2.700MW.
Theo nhận định của các công ty chứng khoán, năm 2019 hứa hẹn sẽ là một năm "bội thu" đối với các nhà máy nhiệt điện nói chung, trong đó có PV Power do giá điện có thể tăng khoảng 15%, trong khi sản lượng thủy điện giảm bởi ảnh hưởng của El Nino.
Hiện, cổ phiếu POW đang được giao dịch quanh mức giá 15.000 đồng/cp, giảm nhẹ so với hồi mới lên sàn và đã gửi hồ sơ niêm yết lên HoSE.
Những cái tên khác cũng xuất sắc không kém trên sàn UPCoM như BSR của CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn , MCH của CTCP Hàng tiêu dùng Masan…
Sàn UPCoM vẫn có những "ngôi sao" sáng hơn nhiều |
Những "tân binh" tiềm năng
Mới lên sàn từ những ngày đầu tháng 11 vừa qua với giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên là 15.800 đồng/cp, cổ phiếu FHS của CTCP Phát hành Tp.HCM (Fahasa) đã nhanh chóng lập đỉnh 38.500 đồng/cp sau khoảng hai tuần giao dịch.
Hiện, cổ phiếu FHS đã có sự điều chỉnh về vùng giá 30.000 đồng/cp nhưng vẫn tăng gần 90% so với giá chào sàn.
Fahasa là nhà phân phối sách khắp Việt Nam qua hệ thống phân phối sách gồm 5 trung tâm sách trực tiếp quản lý 104 nhà sách tại 45 tỉnh, thành trong cả nước với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng đều hàng năm. Đáng chú ý là công ty không có khoản vay, nợ dài hạn.
Vừa qua, một công ty con của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) là Tổng CTCP Bưu chính Viettel (Viettel Post) cũng chính thức đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM với mã giao dịch VTP.
Tính đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu VTP đang giao dịch tại mức giá 125.000 đồng/cp, tăng gần 84% so với mức giá chào sàn (68.000 đồng/cp) chỉ sau 18 phiên giao dịch.
Viettel Post thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư nhờ kết quả kinh doanh khả quan 9 tháng đầu năm khi đạt doanh thu 3.237,8 tỷ đồng, tăng 9%; lãi ròng 193 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, Viettel Post cũng được kỳ vọng sẽ tăng nhanh thị phần cùng kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng các năm tiếp theo.
Ngày 18/12, một thành viên khác của Viettel cũng chính thức lên sàn UPCoM là cổ phiếu VTK của CTCP Tư vấn thiết kế Viettel với giá tham chiếu 28.000 đồng/cp và ngay lập tức đã tăng 35,7% lên mức giá 38.000 đồng/cp.
Với sự hậu thuẫn của công ty mẹ, sức hút của các cổ phiếu "họ Viettel" là không thể phủ nhận và còn được kỳ vọng có thể vươn cao hơn trong tương lai.
Trong năm 2018, Viettel còn đưa một công ty con khác lên sàn là Viettel Global (VGI). Khối lượng cổ phiếu Viettel Global đưa lên giao dịch tại thị trường UPCoM đạt 2,24 tỷ cổ phiếu, vốn hóa thị trường hiện đứng vị trị thứ 6 trên thị trường UPCoM.
Sau hai phiên chào sàn đầy ấn tượng lên mức giá 176.400 đồng/ cp, cổ phiếu FOC của CTCP Dịch vụ trực tuyến FPT (FPT Online) đã có sự điều chỉnh về quanh mức 140.000 đồng/cp.
Tuy nhiên, với vị thế là một trong những công ty quảng cáo trực tuyến lớn nhất Việt Nam với nguồn thu chính đến từ việc vận hành báo điện tử VnExpress có thể sẽ là một trong những cổ phiếu mang lại tính ổn định cao cho nhà đầu tư.
Ngoài ra, "tân binh" TID của "ông trùm" khu công nghiệp Tổng công ty Tín Nghĩa; cổ phiếu C4G của Cienco4… cũng là những cổ phiếu đáng để lưu ý bởi quy mô và tài sản của DN.
Khó khăn của UPCoM hiện nay là tính minh bạch và cơ hội mua cổ phiếu hiếm hoi do đều là các DN nhà nước sau cổ phần hóa với tỷ lệ vốn nhà nước còn quá cao, lượng cổ phiếu được tự do chuyển nhượng thấp.
Tuy nhiên, dù là sàn giao dịch nào thì vẫn có những cổ phiếu cơ bản với tiềm năng DN lớn cho danh mục của các nhà đầu tư.
Linh Đan