Cơ hội đầu tư vào FPT Online đối với các nhà đầu tư mới cũng sẽ không nhiều |
FPT Online chính thức thành lập vào giữa năm 2007 với hoạt động chính là quảng cáo trực tuyến, game online, âm nhạc trực tuyến, mạng xã hội và dịch vụ tin nhắn. Công ty trải qua 5 lần thay đổi vốn điều lệ, từ 40 tỷ đồng lên trên 140 tỷ đồng như hiện tại.
Mô hình kinh doanh của Công ty đang được tinh gọn tối đa để tập trung vào mảng quảng cáo và truyền thông với các sản phẩm chính là báo điện tử VnExpress, Ngôi Sao, iOne... Hiện, Công ty là đơn vị dẫn đầu lĩnh vực quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam khi chiếm hơn 50% thị phần.
Về kết quả kinh doanh, FPT Online đặt kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2018 lần lượt đạt 570 tỷ đồng và 267 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng xấp xỉ 9% và 7% so với năm trước.
Trong 9 tháng năm 2018, Công ty ghi nhận 378 tỷ đồng doanh thu và 218 tỷ đồng lợi nhuận. Giá trị sổ sách của cổ phiếu FOC tính đến thời điểm 30/9/2018 là 52.685 đồng/cp.
Tính đến cuối quý III/2018, tổng tài sản của FPT Online ở mức 1.019 tỷ đồng, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền chiếm 271,3 tỷ đồng, hơn 623 tỷ đồng được mang đi đầu tư tài chính ngắn hạn. Doanh nghiệp không có khoản vay và nợ thuê tài chính. Hiện, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ở mức 586,3 tỷ đồng.
Trong 3 năm gần nhất, FPT Online đều duy trì chính sách cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ từ 50% - 60%. Dự kiến cổ tức năm nay chi trả không thấp hơn 35%, tương ứng 3.500 đồng cho mỗi cổ phiếu.
Mặc dù vậy, cơ hội đầu tư vào FPT Online đối với các nhà đầu tư mới cũng sẽ không nhiều. Được biết, cơ cấu cổ đông của FPT Online khá cô đặc với sự góp mặt của 3 cổ đông lớn chiếm tới 91,05%, bao gồm: CTCP Viễn thông FPT (chiếm 59,12%), CTCP FPT (chiếm 24,96%) và CTCP Dịch vụ Dữ liệu công nghệ thông tin Vi na - thành viên của Tập đoàn VNG (chiếm 6,96%).
Sau khi trừ đi số cổ phần các cổ đông lớn nắm giữ, chỉ còn 1,26 triệu cổ phiếu dành cho nhà đầu tư quan tâm, muốn thực hiện đầu tư lâu dài vào doanh nghiệp này.
L.L