Chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) khá sớm (2015-2016), đến nay, ACV vẫn là một trong những điển hình của ông lớn Nhà nước hoạt động trong trạng thái “bình mới rượu cũ” khi sở hữu của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC, trước đây là Bộ GTVT) lên đến 95,4%.
Dù kế hoạch chuyển sàn của ACV đã được thông qua từ Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) các năm trước nhưng đến nay, hơn một nửa năm 2019 đã đi qua, kế hoạch của doanh nghiệp vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Mơ hồ ngày chuyển sàn
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của ACV, cổ đông tỏ ra khá lo lắng về tiến độ đưa cổ phiếu lên sàn HoSE, thậm chí có cổ đông còn đề nghị nếu doanh nghiệp không có khả năng thực hiện thì đề nghị ban điều hành xóa khỏi kế hoạch năm 2019.
Lý giải về việc chậm trễ chuyển sàn, ông Lại Xuân Thanh – Chủ tịch HĐQT, cho biết kế hoạch chuyển sàn phụ thuộc vào việc giải quyết những vấn đề tồn tại của việc cổ phần hóa, đặc biệt là quyết toán giá trị cổ phần hóa.
Cụ thể, để lên HoSE, công ty trước hết phải quyết toán được phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và đang thực hiện từng bước. Về việc quyết toán thuế, ACV đã làm việc với Cục thuế Tp HCM và cơ bản hoàn thành các nội dung chính, sẽ cố gắng hoàn tất thủ tục trong tháng 7.
Bên cạnh đó là cơ chế quản lý khu bay, chủ yếu là phân định giữa tài sản của ACV và tài sản của Nhà nước. Trước đó, Bộ GTVT đã trình Chính phủ đề án về khai thác kết cấu hạ tầng hàng không theo hướng giao ACV quản lý hạng mục này theo điều khoản chuyển tiếp trong vòng 5 năm. Nếu Chính phủ phê duyệt, vấn đề này mới được giải quyết.
Tương tự, vấn đề sửa đường băng cũng chưa được quyết định vì đây là tài sản của Nhà nước, phải đợi Chính phủ duyệt đề án khu bay. Trong khi đó, việc chuyển sàn đang phụ thuộc vào tiến trình cổ phần hóa nhưng kế hoạch thoái vốn nhà nước lại bị vướng ở lộ trình niêm yết.
Theo lộ trình cổ phần hóa, sau khi ACV niêm yết trên HoSE, Nhà nước sẽ thoái 20% vốn điều lệ và 10,4% trong năm tiếp theo. Ngoài ra, còn có phương án khác cũng được tính đến là tiến hành thoái một lần cả 30% vào năm 2020.
Giá bán cổ phần được xác định theo nguyên tắc lựa chọn giá đặt mua từ cao xuống thấp, cho đến hết số lượng cổ phần thuộc vốn nhà nước cần chuyển nhượng, nhưng không thấp hơn giá khởi điểm.
Sau nhiều lần cân nhắc, cuối cùng phương án 1 được lựa chọn và ACV sẽ niêm yết trên HoSE trong quý I/2019. Nhưng đã bước sang quý III, ACV vẫn loanh quanh trong mớ bòng bong chuyển sàn, thoái vốn.
Sự chậm trễ này ngoài lý do khách quan, giới đầu tư đặt câu hỏi về năng lực của bộ máy quản lý và tổ chức tư vấn niêm yết.
Thị giá của ACV đi ngang trong khoảng thời gian khá dài |
Bom tấn hay bom xịt?
Một giả thiết đặt ra là ngay cả khi những vấn đề nói trên được giải quyết và ACV lên HoSE thành công thì liệu ACV có hấp dẫn được nhà đầu tư khi Nhà nước nắm quyền chi phối với tỷ lệ sở hữu ở mức 65%?
Trước đó, đã có nhiều nhận định của các CTCK kỳ vọng việc chuyển sàn của ACV sẽ là một trong những “bom tấn” của năm 2019. Nếu hoàn tất chuyển sàn, ACV sẽ lọt nhóm 5 doanh nghiệp niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn HoSE cùng với Vietcombank, Vinamilk, Vinhomes và Vingroup.
Kỳ vọng này là hoàn toàn có cơ sở bởi ngành nghề kinh doanh của ACV hiện nay được cho là độc quyền với vị thế đặc biệt thể hiện ở số lượng 21/22 cảng hàng không của cả nước mà đơn vị này đang quản lý, khai thác (trong đó 9 cảng hàng không quốc tế và 12 cảng hàng không nội địa).
Kết thúc quý I/2019, ACV đã ghi nhận 4.439 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 13% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp thu về gần 2.300 tỷ đồng, tăng 14% so với quý I/2018. Trong quý I vừa qua, hoạt động tài chính là điểm nhấn trong bức tranh kinh doanh của ACV.
Lợi nhuận sau thuế tăng 105% lên 1.997 tỷ đồng so với quý I/2018 và đã hoàn thành được 30% kế hoạch lợi nhuận năm. Cập nhật tại ĐHĐCĐ thường niên 2019, lãnh đạo ACV cho biết lợi nhuận trước thuế của 6 tháng đầu năm chưa kiểm toán là 4.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, dù là cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn UPCoM nhưng khối lượng khớp lệnh trung bình của ACV chỉ đạt trên 100.000 đơn vị mỗi phiên, quá thấp so với gần 2,2 tỷ cổ phiếu đang lưu hành.
ACV có khối lượng giao dịch thấp mỗi phiên là điều hoàn toàn dễ hiểu khi cơ cấu cổ đông quá cô đặc với tỷ lệ nắm giữ của cổ đông nhà nước là chiếm tới 95,4% tương đương khoảng 2,08 tỷ cổ phiếu ACV.
Song song với mức thanh khoản thấp là thị giá đi ngang của ACV khi duy trì vùng giá 81.000 – 82.000 đồng/cp trong khoảng thời gian khá dài, từ nửa cuối năm 2018 đến nay. Đã có thời điểm cổ phiếu này bật tăng mạnh lên vùng giá 85.000 – 86.000 đồng/ cp, thậm chí lên mức 89.000 đồng/cp, nhưng cũng nhanh chóng quay về điểm xuất phát.
Theo định hướng năm 2019, ACV sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng để đáp ứng nhu cầu khai thác của các hãng hàng không dự kiến sẽ là động lực cho tăng trưởng lợi nhuận. Nhưng triển vọng này cũng hàm chứa rủi ro khi công ty phải đối mặt với nhu cầu vốn lớn, thời gian trả nợ dài cho các dự án phát triển mở rộng.
Linh Đan