Về bản chất, thị trường UPCoM được xem là trạm trung chuyển cổ phiếu trước khi niêm yết trên hai sàn giao dịch chính thức là HNX và HoSE, tạo ra một sân chơi để các nhà đầu tư và doanh nghiệp có cơ hội gần nhau hơn.
Ra đời từ tháng 6/2009 với 10 doanh nghiệp niêm yết, đến nay sau đúng 10 năm hoạt động, thị trường giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) đã thu hút được 833 doanh nghiệp tham gia với giá trị giao dịch trung bình hơn 250 tỷ đồng/phiên, vốn hóa thị trường đạt 330.000 tỷ đồng.
Dấu hỏi về chất lượng
Số lượng cổ phiếu trên sàn UPCoM tăng mạnh như trên một phần là do quy định gắn cổ phần hóa với lên sàn chứng khoán, bên cạnh đó điều kiện để giao dịch ở sàn này cũng như việc công bố thông tin lỏng lẻo hơn nhiều so với hai sàn niêm yết chính thức.
Có thể kể đến vụ án cổ phiếu MTM của CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu Khoáng sản Miền Trung khi nguyên Chủ tịch HĐQT và 14 đồng phạm đã lập khống hồ sơ đăng ký giao dịch, tạo cung cầu giả để mua bán cổ phiếu, làm giả tài liệu cơ quan tổ chức trong việc tạo ra các hồ sơ giả về số lượng cổ đông, phần vốn góp của MTM để niêm yết cổ phiếu…
Không chỉ ở khâu công bố thông tin, chất lượng doanh nghiệp cũng là một “nút thắt” của sàn UPCoM bởi bên cạnh những doanh nghiệp có quy mô vốn lớn như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã: ACV) có vốn hóa 180.400 tỷ đồng hay như Tổng công ty Máy và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, mã: VEA) có vốn hóa 68.000 tỷ đồng, Tổng công ty Dược Việt Nam (mã: DVN) vốn hóa 3.483 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã: GVR) vốn hóa 1.328 tỷ đồng… thì vẫn có hàng trăm doanh nghiệp có vốn hóa dưới 30 tỷ đồng.
Không những vậy, kết quả của nhiều doanh nghiệp trên sàn UPCoM khiến giới đầu tư không khỏi bối rối khi có tới hơn 30 doanh nghiệp báo lỗ liên tiếp trong 5 năm gần nhất (2014 – 2018), có doanh nghiệp còn ghi nhận mức lỗ trên 100 tỷ đồng mỗi năm.
Có thể lấy ví dụ về trường hợp CTCP Vận tải biển và Thương mại Phương Đồng (OSTS – mã: NOS), trong vòng 5 năm qua, trung bình mỗi năm OSTS báo lỗ khoảng 380 tỷ đồng. Kết thúc năm 2018, vốn chủ sở hữu của OSTS là âm 3.629 tỷ đồng.
Song song với kết quả kinh doanh bết bát, yếu tố thanh khoản và thị giá của các cổ phiếu sàn UPCoM cũng là một điểm trừ của thị trường này. Theo thống kê, hiện sàn UPCoM đang có khoảng hơn 140 cổ phiếu thị giá dưới 5.000 đồng/cp, hàng trăm cổ phiếu có thanh khoản “đóng băng”.
Từ thực tế này cho thấy diễn biến của thị trường UPCoM đang đi ngược với mục tiêu tôn chỉ lúc mới được thành lập là nhằm thu hẹp thị trường tự do (OTC), mở rộng thị trường giao dịch có tổ chức, có quản lý của Nhà nước, quy tụ các cổ phiếu của các công ty chưa niêm yết về một đầu mối quản lý thống nhất, tạo ra cơ hội giao dịch chứng khoán công khai, minh bạch, an toàn và thuận lợi cho nhà đầu tư.
Theo nhận định của một chuyên gia đến từ CTCK VnDirect, thị trường UPCoM có nhiều lợi thế so với các sàn khác như biên độ giao dịch lớn hơn, nhiều doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa… nhưng nhiều trở ngại đã khiến cho sàn giao dịch này thiếu sự cân bằng.
Muốn hấp dẫn, UPCoM phải khắc phục được các điểm yếu |
Khắc phục điểm yếu
Nhiều nhà đầu tư có sẵn tâm lý những cổ phiếu giao dịch trên UPCoM đều là những cổ phiếu kém chất lượng, cơ cấu cổ đông cô đặc nên tính đại chúng không cao, đặc biệt là cổ phiếu trên sàn này không được giao dịch ký quỹ (margin) dù nhiều mã có kết quả kinh doanh tốt.
Thực tế, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, nhất là các nhà đầu tư cá nhân, thường có xu hướng đầu tư lướt sóng, do đó sự cần thiết của đòn bẩy tài chính có tên margin là rất cần thiết.
Điểm sáng của UPCoM là giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đã tăng mạnh hai năm gần đây và sẽ còn tăng trưởng hơn nữa nếu có thêm nhiều doanh nghiệp tốt lên sàn. Vị chuyên gia này cho rằng nếu cơ quan quản lý cho phép áp dụng margin và cân nhắc các sản phẩm phái sinh cho một số mã trên UPCoM thì thanh khoản của thị trường sẽ được cải thiện rất nhanh.
Trước những kiến nghị của giới chuyên gia, lãnh đạo HNX cho biết trong 10 năm qua, HNX đã chủ động triển khai hoàn thiện hệ thống, nền tảng giao dịch cũng như các quy chế giao dịch nhằm giúp giao dịch trên thị trường này gần gũi với thị trường niêm yết.
Tuy nhiên, HNX cũng cho rằng thị trường UPCoM vẫn còn mang nặng tính quản lý hơn là yếu tố thị trường. Do đó, trong thời gian tới, mục tiêu quan trọng là phải củng cố và bổ sung tính thị trường cho UPCoM, hoàn thiện và đưa mảng thị trường này thành mảnh ghép của thị trường cổ phiếu; tăng cường công tác giám sát, nâng cao tính minh bạch nhằm đạt tới mức giám sát cao như đối với thị trường niêm yết.
HNX cho biết đang kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xem xét áp dụng margin cho các cổ phiếu của các công ty đại chúng quy mô lớn trên UPCoM đáp ứng điều kiện như cổ phiếu niêm yết và sẽ kiến nghị nới biên độ giá giao dịch trên thị trường này.
Ngoài ra, HNX cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ, thúc đẩy tính minh bạch cho các công ty đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.
Linh Đan