Bộ GTVT vừa có đề nghị phê duyệt Đề án giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản, kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý gửi Chính phủ.
Trong đó, Bộ GTVT đề nghị nghiên cứu xem xét lộ trình mua lại phần vốn do các cổ đông ngoài nhà nước nắm giữ tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã: ACV) để công ty lại trở lại là doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đảm bảo an ninh quốc phòng cho hoạt động hàng không.
Ngược xu thế
Đề nghị được Bộ GTVT đưa ra trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa nhiều “ông lớn” như Ngân hàng NN&PTNT (Agribank), Tập đoàn Than – Khoáng sản (TKV), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), Tập đoàn Hóa chất (Vinachem)…
Trước đó, ACV đã cổ phần hóa vào cuối năm 2015 với vốn điều lệ hơn 21.771 tỷ đồng, trong đó Nhà nước chi phối với 95,4%, còn lại là cổ đông nhỏ lẻ. Cụ thể, tính đến thời điểm 1/4/2019, các cổ đông khác của ACV gồm cổ đông là tổ chức và cá nhân đang nắm giữ hơn 100 triệu cổ phiếu lưu hành tự do. Trong đó, các cổ đông nước ngoài nắm 3,59%, các cổ đông khác trong nước nắm 0,87%.
Các quỹ ngoại của ACV phải kể đến như Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL, thuộc Dragon Capital) đến cuối năm 2018 ghi nhận khoản đầu tư cổ phiếu này với giá vốn 7,23 triệu USD nhưng giá thị trường gần 44 triệu USD.
VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) và Asset Plus Vietnam Growth Fund cũng nắm giữ lượng lớn cổ phiếu ACV. Đến cuối tháng 7, VOF (thuộc VinaCapital) nắm giữ hơn 79 triệu USD cổ phiếu ACV, tương đương 8,5% tổng tài sản ròng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ACV đang được giao dịch xung quanh mức 81.500 đồng/ cp. Như vậy, nếu muốn mua lại cổ phần của nhà đầu tư thì số tiền Nhà nước cần bỏ ra khoảng 8.150 tỷ đồng.
Còn nhớ, hồi năm 2017, ACV đã có báo cáo gửi Bộ GTVT về phương án bán vốn nhà nước tại đơn vị này để tuân thủ Quyết định thoái vốn Nhà nước giai đoạn 2017-2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo phương án của ACV, Nhà nước sẽ thực hiện thoái 20% vốn cổ phần, tương đương 435,4 triệu cổ phần để giảm tỷ lệ sở hữu xuống 75,6%. Dự kiến cuộc đấu giá công khai và thực hiện giao dịch vào quý III-IV/2018.
Thậm chí, ACV còn tìm kiếm cổ đông chiến lược là các nhà đầu tư tài chính nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
Để đợt thoái vốn nhà nước diễn ra thành công, ACV muốn chuyển sang niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE nhằm tăng tính thanh khoản. Tuy nhiên, do đơn vị kiểm toán trong báo cáo tài chính kiểm toán 2016 đã lưu ý về việc đàm phán liên quan đến cho thuê tài sản khu bay vẫn chưa kết thúc nên chưa thể chuyển sàn niêm yết.
Nếu trở lại là DNNN, cổ phiếu ACV sẽ hủy niêm yết trên sàn chứng khoán |
Không dễ mua lại
ACV chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần (CTCP) từ ngày 1/4/2016 và chính thức giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 21/11/2016 với giá tham chiếu là 25.000 đồng/cp.
Với mức giá quanh vùng 80.000 đồng/cp như hiện nay, thị giá của ACV đã tăng 3,2 lần chỉ sau hơn 2 năm giao dịch. Do khối lượng cổ phiếu giao dịch tự do ngoài thị trường không nhiều nên thanh khoản của ACV cũng không quá cao, bình quân khoảng hơn 90.000 cổ phiếu được khớp lệnh mỗi ngày tính trong khoảng thời gian từ đầu năm 2019 tới nay.
Theo ông Đặng Trần Phục, chuyên gia phân tích chứng khoán của VnDirect, ngoại trừ những quỹ đầu tư thì các DN có dưới 100 cổ đông sẽ không còn là công ty đại chúng, nếu Bộ GTVT mua lại được lượng cổ phần đã bán của ACV thì DN này sẽ chỉ có 1 cổ đông duy nhất, do vậy cổ phiếu ACV sẽ phải hủy niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Thực tế, dù không trực tiếp đề cập nhưng việc Bộ GTVT muốn đưa ACV trở lại vị thế DNNN để “né” quy định của Luật Quản lý và sử dụng tài sản công.
Cụ thể, kể từ 1/1/2018, theo Luật, toàn bộ tiền thu được từ khai thác tài sản hạ tầng khu bay, sau khi trừ đi chi phí liên quan đến khai thác, sẽ phải nộp vào ngân sách. Hiện, ACV không phải là 100% DN vốn nhà nước nên không thể được giao thực hiện các dự án hạ tầng hàng không như nhiều đề xuất của DN này.
Nếu trở lại vai trò 100% vốn nhà nước, ACV sẽ mặc nhiên được giao thực hiện nhiều dự án hạ tầng hàng không. Trong khi đó, tại nhiều dự án đầu tư cảng hàng không mới hiện nay, ACV đang phải cạnh tranh với các DN tư nhân tại dự án đầu tư mở rộng cảng hàng không Điện Biên, tại dự án xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất…
Tuy nhiên, dù đề xuất mới ở mức “nghiên cứu xem xét lộ trình” nhưng một số chuyên gia cho rằng khả năng thực hiện không cao, bởi việc cân đối vốn từ ngân sách để mua cổ phiếu theo giá thị trường là không dễ. Còn trường hợp đề xuất mức giá mua lại thấp hơn, không dễ để các cổ đông khác chấp nhận.
Hơn nữa, không nhất thiết phải đi ngược quá trình cổ phần hóa để tạo cơ chế cho ACV dễ dàng đầu tư, các quy định đã đưa ra thì cũng hoàn toàn có thể tự “cởi trói”.
Linh Đan