Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kết thúc quý I/2018, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may ước đạt 7,62 tỷ USD, tăng 13,35% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, riêng mặt hàng may mặc đạt 5,98 tỷ USD, tăng 12,49% so. Kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may đạt 4,6 tỷ USD, tăng 22,82%. Bên cạnh đó, giá trị thặng dư thương mại đạt 3,87 tỷ USD, tăng 3,69% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh
Trước đó, Vitas cũng dự báo kim ngạch dệt may năm 2018 sẽ đạt 34,2 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2017. Chỉ tính riêng quý I, mục tiêu này đã hoàn thành được 22,4%.
Đà tăng trưởng vượt trội kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam có sự đóng góp của ba yếu tố: Hiệp định CPTPP được ký kết đã tạo động lực mạnh mẽ cho các nhà đầu tư trong và ngoài lĩnh vực; sự phát triển về công nghệ và quản trị đã giúp các doanh nghiệp dệt may có đột phá về năng suất lao động; việc tăng xuất khẩu vào các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Trong quý I, xuất khẩu dệt may vào thị trường Nhật Bản đạt 26,57% trong khi mức dự báo cho cả năm chỉ 12%. Tại thị trường Trung Quốc tăng 25,6%, trong khi mức dự báo cả năm là 15,2%. Thị trường Hàn Quốc ghi nhận mức tăng 22,31%, vượt xa mức dự báo 15,1% cho cả năm.
Dẫu vậy, ba thị trường trên chỉ chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam. Chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là thị trường Mỹ và EU, với lần lượt 3,1 tỷ USD và 1,1 tỷ USD, tương đương 35%. Hai thị trường này ghi nhận mức tăng trưởng 13,21% và 0,09%, cũng vượt hơn hẳn mức dự báo cho cả năm.
Ngoài thị trường truyền thống, các thị trường khác cũng có mức tăng trưởng đáng kể, tới 19,46%, tương đương 877 triệu USD.
Theo Vitas, dự kiến kim ngạch xuất khẩu dệt may quý II/2018 sẽ đạt khoảng 8,5 tỷ USD, qua đó đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 14% trong 6 tháng đầu năm.
Dù toàn ngành đạt tăng trưởng vượt trội, kéo theo kết quả kinh doanh khởi sắc của các doanh nghiệp, nhưng cổ phiếu dệt may lại mang màu sắc ảm đạm.
Hầu hết các mã cổ phiếu trong ngành dệt may đều giảm sâu, hoặc đi ngang so với thời điểm cuối năm 2017.
Theo báo cáo mới nhất của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (mã: TNG), 4 tháng đầu năm, doanh thu thuần của TNG đạt 823 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 30,7 tỷ đồng, tăng trưởng 50% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ tính riêng trong tháng 4, doanh thu thuần công ty đã đạt 222,7 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước, lãi ròng 9 tỷ đồng, tăng 50%.
Tuy nhiên, cổ phiếu TNG lại liên tiếp giảm. Đầu năm 2018, thị giá cổ phiếu TNG giao dịch quanh vùng giá 14.000 đồng/cp đến hơn 15.000 đồng/cp, nhưng hiện đã giảm chỉ còn 12.800 đồng/cp, tương đương mức giảm gần 15%.
Triển vọng ngành khá sáng, kinh doanh ổn định, nhưng cổ phiếu của các doanh nghiệp dệt may đang niêm yết lại chỉ gói gọn trong hai chữ “ảm đạm” |
Cổ phiếu “èo uột”
Tương tự, cổ phiếu TCM của CTCP Dệt may đầu tư Thương mại Thành Công cũng đã giảm 24% từ 26.500 đồng/cp về 20.000 đồng/cp, dù doanh nghiệp tăng trưởng kinh doanh tốt.
Bốn tháng đầu năm, TCM đạt 1.055 tỷ đồng doanh thu thuần, hoàn thành 33% kế hoạch năm và 85 tỷ đồng lợi nhuận ròng, hoàn thành 45% kế hoạch năm.
Kết thúc quý I/2018, “ông lớn” Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex – mã: VGT) cũng hồ hởi báo lãi tăng trưởng 41% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 106 tỷ đồng.
Hết quý I, VGT đạt doanh thu 4.404 tỷ đồng, tăng 13% so với vùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán hàng hóa đạt 4.314 tỷ đồng, doanh thu cung cấp dịch vụ và gia công đạt 83 tỷ đồng, doanh thu cho thuê bất động sản đầu tư đạt 7 tỷ đồng.
Nhưng sau chuỗi tăng giá hồi đầu năm lên đỉnh gần 17.000 đồng/cp, cổ phiếu VGT đã giao dịch trồi sụt trong thời gian qua, hiện đang giao dịch tại mốc giá 11.600 đồng/cp, giảm gần 31% so với giá đỉnh.
Giữa năm 2017, Vinatex cũng lần lượt đưa các công ty con chào sàn như Tổng công ty Việt Thắng – CTCP (mã : TVT), Tổng CTCP Dệt may Hòa Thọ (mã:HTG), Tổng CTCP Phong Phú (mã:PPH).
Song, bức tranh giao dịch chung ở hầu hết các đơn vị này đều không thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư, bất chấp việc sở hữu quỹ đất khủng, cùng lợi thế về quy mô và chuỗi cung ứng.
Một cái tên khác cũng gây chú ý trong thời gian qua là cổ phiếu VDM của Viện Dệt May – đơn vị hoạt động theo loại hình tổ chức sự nghiệp khoa học công nghệ độc lập, trước IPO trực thuộc tập đoàn Dệt May Việt Nam.
Mặc dù IPO thành công ngoài mong đợi với lượng đặt mua gấp gần 7 lần lượng chào bán, số tiền thu về gấp đôi số kỳ vọng, song cổ phiếu VDM lại rơi vào tình trạng “ế ẩm”.
Lên sàn từ 26/4, tính đến nay, cổ phiếu này mới chỉ giao dịch được 6 phiên, với khối lượng giao dịch trung bình đạt 40 cổ phiếu/phiên.
Trên thực tế, mặc dù có nhiều triển vọng nhưng ngành dệt may cũng vấp phải nhiều thách thức nhất là khâu thượng nguồn (kéo sợi, dệt vải, nhuộm...).
Theo đó, nhiều nhà đầu tư trong nước vẫn còn dè dặt với cổ phiếu nhóm ngành này và muốn quan sát thêm diễn biến, nhất là trong ngắn hạn.
Linh Đan