Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần (20/3), chỉ số VN-Index dừng ở mốc 1.023,1 điểm, giảm 22,04 điểm, tương đương 2,11%, mạnh nhất kể từ đầu tháng.
“Nín thở” chờ tin từ Fed
Trước đó, VN-Index ghi nhận một tuần giao dịch không mấy khả quan (13-17/3) trước những biến động từ luồng thông tin tốt xấu đan xen. Kết thúc tuần, VN-Index giảm 7 điểm xuống 1.045 điểm.
Tuy nhiên, thanh khoản lại được cải thiện với giá trị giao dịch trung bình trên HoSE đạt trên 10.400 tỷ đồng/phiên. Tính chung, tổng giá trị giao dịch trên HoSE tăng 20,8% so với tuần trước đó, lên mức 52.013,63 tỷ đồng.
Tâm lý nhà đầu tư “chênh vênh”, khiến thị trường rơi vào chuỗi giảm điểm liên tục kéo dài. |
Đặc biệt, tuần qua là tuần cơ cấu danh mục kỳ review quý I của các ETF tham chiếu theo các bộ chỉ số: FTSE Vietnam Index (FTSE ETF), FTSE Vietnam 30 Index (Fubon ETF), MarketVector Vietnam Local Index (VNM ETF). Đặc biệt, với việc VNM ETF đổi chỉ số tham chiếu và tăng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam lên 100% cho thấy lực giải ngân của khối ngoại đã tăng rõ rệt.
Về diễn biến thị trường trong thời gian tới, giới phân tích cho rằng, nhà đầu tư cần chuẩn bị tâm lý đón nhận việc thị trường sẽ đón nhận nhiều thông tin rất trái chiều.
Trong đó, các thông tin xấu chủ yếu sẽ đến từ việc ngấm đòn của nền kinh tế và các doanh nghiệp cụ thể dưới tác động của việc lãi suất tăng nhanh trong thời gian qua. Còn tin tốt khả năng là những động thái chính sách nhằm vực dậy, hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp.
Ngoài ra là những lo ngại về rủi ro hệ thống từ sự kiện một số nhà băng trên thế giới phá sản. Tuy nhiên, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC nhìn nhận, tin tức từ những sự kiện này sẽ không còn còn quá bất ngờ với những ai theo dõi thường xuyên. Dù còn quá sớm để khẳng định đây là vấn đề cục bộ hay mang tính hệ thống, nhưng cho đến thời điểm hiện tại chưa có dấu hiệu cụ thể nào hay phản ứng cụ thể của thị trường cho thấy các sự kiện gần đây mang tính rủi ro hệ thống.
Trong báo cáo mới đây, ông Michael Kokalari, CFA chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital khẳng định, sự sụp đổ của Ngân hàng SVB (Mỹ) không ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán cũng như nền kinh tế Việt Nam.
Đáng chú ý, các chuyên gia nhấn mạnh, khả năng cao trong cuộc họp tuần tới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn sẽ có quyết định nâng lãi suất, nhưng có thể sẽ là 0,25%. Kịch bản 0% khó xảy ra khi rủi ro lạm phát vẫn còn, trong khi đó kịch bản 0,5% đã thấp đi rất nhiều sau những diễn biến gần đây. Diễn biến của các thị trường tài sản cũng đang cho thấy nghiêng về kịch bản nâng 0,25%.
Theo Mirae Asset, việc sụp đổ của Ngân hàng SVB và Signature Bank có thể khiến Fed chậm tăng lãi suất và thị trường đã không còn kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản vào tuần tới.
“Việc tăng lãi suất 25 điểm cơ bản vào tuần tới là lựa chọn phù hợp nhất trong hoàn cảnh hiện nay. Ngoài ra, có thể có một đợt tăng lãi suất khác trong nửa cuối năm 2023 để đạt mức lãi suất cuối cùng là 5,25%”, Mirae Asset kỳ vọng.
Giữ vững tâm thế, nghe ngóng cơ hội
Trước những luồng thông tin trái chiều có thể ảnh hưởng tới thị trường, nhà đầu tư được khuyến nghị giữ vững tâm thế và nên nghe ngóng cơ hội để có thể đưa ra những quyết định sáng suốt.
“Chúng ta phải ngó nghiêng các thị trường khác, quan trọng hơn là phải hiểu thị trường mà mình đầu tư. Do đó, nhà đầu tư cần nhìn về phía trước, hiểu kỹ nội tại thị trường và các doanh nghiệp mà mình đầu tư, có vậy mới vững tâm qua được giai đoạn nhiều thông tin tốt/xấu đan xen này”, chuyên gia DSC đưa ra lời khuyên.
Cũng theo ông Huy, trong ngắn hạn/trung hạn, thị trường sẽ trong pha tích lũy. Vùng dao động của thị trường ngắn hạn với cận dưới 1.020-1.030, cận trên quanh 1.070-1.080 điểm. Với tín hiệu về lãi suất tuần qua và bối cảnh hiện tại, chuyên gia này vẫn duy trì quan điểm dần phân bổ trở lại với cổ phiếu chu kỳ, tiêu biểu và quen thuộc là ngân hàng - chứng khoán - thép. Bởi đây là những nhóm ngành dự kiến sẽ có sự tăng trưởng mạnh khi bắt đầu một chu kỳ mới.
Vinacapital dự báo, thị trường có thể sẽ khá biến động trong những tuần tới và giá trị đồng USD hiện đang tăng lên nhờ xu hướng mua USD như một loại tài sản “trú ẩn an toàn” khi thị trường đang bất ổn.
Tuy nhiên, VinaCapital vẫn kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay (không thay đổi so với dự báo trước đó). Và điều quan trọng là trong những tháng gần đây, thị trường chứng khoán toàn cầu đã dự đoán Fed sẽ “quay đầu” sau đợt tăng lãi suất mạnh vừa qua và sẽ khiến các tài sản rủi ro hấp dẫn hơn, bao gồm cả giá trị tiền tệ của các thị trường đang phát triển. Điều này sẽ cho phép Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại Việt Nam hạ lãi suất và sẽ làm cho thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Kinh tế trưởng MBS Hoàng Công Tuấn nhận định, mặc dù trong quý II tới, các doanh nghiệp vẫn có thể gặp khó khăn, song tình hình sẽ cải thiện rất nhanh khi môi trường lãi suất thay đổi. Thời điểm lãi suất bắt đầu đi xuống thì đó là cơ hội rất lớn cho thị trường chứng khoán và đó không phải cơ hội cho 3 tuần, 3 tháng mà sẽ kéo dài đến 3 năm tới.
Về kỹ thuật, VCBS cho biết, VN-Index kết tuần tạo mẫu hình nến Doji thể hiện sự lưỡng lự trong tâm lý nhà đầu tư xung quanh vùng 1.030 – 1.050 điểm và đây cũng đang là vùng tích lũy ngắn hạn của thị trường kể từ khoảng giá tháng 2/2023 đến nay.
"Xét trên khung đồ thị tuần, VN-Index vẫn đang bám sát và nằm trên đường trung bình động MA20. Chỉ báo DI+ ở khung đồ thị tuần cũng chưa cho tín hiệu về xu hướng mới so với tuần trước và vẫn đang hướng lên tích cực, cho thấy khả năng lớn hơn là VN-Index vẫn tiếp tục có xu hướng phân hóa tăng điểm hướng lên các vùng điểm số cao hơn", VCBS đánh giá.
Hải Giang