Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa phát đi thông báo giảm 1% các loại lãi suất điều hành kể từ ngày 15/3. Như vậy, trong 2 năm gần nhất, lần đầu tiên NHNN có động thái giảm lãi suất điều hành. Trước đó, lần điều chỉnh gần nhất vào tháng 9/2022, các loại lãi suất điều hành gồm trần lãi suất huy động đã tăng 0,3-1% một năm.
Bước đi sáng suốt và kịp thời
NHNN cho hay, giảm lãi suất điều hành là "bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới". Đây là tín hiệu định hướng các nhà băng giảm lãi suất cho vay, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Chuyên gia cho rằng, trong ngắn hạn, TTCK sẽ phản ứng hưng phấn trước thông tin NHNN giảm lãi suất điều hành. |
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập FIDT, việc NHNN giảm lãi suất điều hành là bước đi sáng suốt và kịp thời trong bối cảnh hiện tại. Bởi nền kinh tế đang chịu áp lực từ vĩ mô cả bên trong và bên ngoài.
"Động thái hạ lãi suất điều hành của NHNN vừa mang tính chiến lược dài hạn, song cũng là phản ứng ngắn hạn để "phòng ngự từ xa" trước những biến số khó lường từ Mỹ. Không chỉ quyết định hạ lãi suất điều hành, việc hút tiền cũng đã được ngưng lại từ tín phiếu. Hai giải pháp mà NHNN có thể thực hiện là giảm chi phí đầu vào và tăng cung tiền", Nhà sáng lập FIDT đánh giá.
Đánh giá về tác động đối với thị trường chứng khoán (TTCK), ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích Chứng khoán DSC cho biết, các biện pháp nới lỏng tiền tệ đều có tác động hỗ trợ đến doanh nghiệp và dòng tiền. Qua đó, tác động tích cực lên mặt bằng giá cổ phiếu và thanh khoản của TTCK.
Ông Huỳnh Minh Tuấn nêu quan điểm, TTCK là kênh đầu tư cực kỳ nhạy cảm và tương quan nghịch với lãi suất. Trong ngắn hạn, thị trường sẽ phản ứng hưng phấn trước thông tin này. Thực tế, phản ứng trước thông tin trên,VN-Index đã có phiên (15/3) thể hiện một màn "trình diễn" đầy xuất sắc với mức tăng mạnh hơn 22 điểm. Đây là mức tăng tốt nhất của VN-Index trong 17 phiên gần đây.
Nhìn lại lịch sử, kể từ năm 2003 đến trước 15/3/2023, NHNN đã có 24 lần hạ lãi suất điều hành. Phản ứng của VN-Index sau 1 phiên ghi nhận số lần điều chỉnh chiếm phần hơn với 13 phiên giảm và chỉ có 11 phiên tăng. Trùng hợp, nếu xét sau 1 tháng, VN-Index cũng ghi nhận tăng 11 lần, còn lại 13 lần giảm. Tuy nhiên, trong 5 lần hạ lãi suất điều hành gần nhất, TTCK luôn tăng trưởng sau 1 tháng kể từ thời điểm công bố việc điều chỉnh.
Vẫn còn... 'điểm nghẽn'
Không thể phủ nhận thông tin NHNN hạ lãi suất điều hành là thông tin tích cực cho TTCK. Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý bị bỏ qua là trần lãi suất huy động không giảm khi kỳ hạn từ 1 đến 6 tháng vẫn được giữ nguyên ở mức 6%, trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn giữ nguyên ở mức 1%. Điều này sẽ làm lãi suất huy động và cho vay có thể giảm nhưng không thực sự nhiều.
Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng “lưỡng lự” trong việc vay vốn khi tiềm ẩn nhiều rủi ro từ việc suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn tiếp diễn. Chưa kể, trong những tuần tới, sẽ có nhiều ngân hàng ở Mỹ và châu Âu chịu áp lực về khả năng hoạt động liên tục, bao gồm cả những ngân hàng đang nằm trong top 50 thế giới về tổng tài sản, sau những biến động từ vụ việc SVB phá sản.
Mặt khác, nghị định 08 mặc dù đã giảm bớt áp lực trái phiếu đáo hạn nhưng động thái của NHNN về việc giãn nợ và hoãn nợ vẫn trong chế độ chờ. Cho nên, một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp chuẩn bị đáo hạn vẫn tiềm ẩn rủi ro với thị trường. Và khi nào giải pháp trên được thông suốt các doanh nghiệp bất động sản mới được “cởi trói” và theo đó TTCK mới có thể khởi sắc hơn.
“Một số vấn đề thị trường đang quan tâm vẫn còn đó, như khả năng thanh toán các nghĩa vụ liên quan đến trái phiếu của các doanh nghiệp hay việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý của các dự án bất động sản hiện nay ra sao? Do đó, thị trường đang chờ đợi những giải pháp mang tính chất là quyết liệt, mạnh mẽ hơn và đồng bộ hơn từ cơ quan quản lý, cũng như từ chính các doanh nghiệp”, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích VNDIRECT chỉ rõ.
Nhìn chung, thông tin NHNN giảm lãi suất mang tính tích cực cho TTCK nhưng vẫn chưa phải “cú hích” thực sự lớn để giải quyết những vấn đề tồn đọng trong nền kinh tế hiện tại.
“Triển vọng lợi nhuận rất yếu đặc biệt quý 1, khu vực sản xuất đang suy giảm rất nhanh, xuất khẩu gặp khó và rủi ro hệ thống tài chính toàn cầu nhen nhóm. Mặt khác, việc giảm lãi suất điều hành của Việt Nam còn khá ít và bối cảnh hiện tại cũng không thể bơm tiền mạnh mẽ như năm 2019-2021 được. Kỳ vọng một con sóng lớn bứt tốc vào thời điểm này là khó khăn”, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup nhìn nhận.
Giới phân tích cho rằng, điểm sáng hiếm hoi của thị trường được nâng đỡ bởi chính sách. Do đó, với những nhà đầu tư mạo hiểm, nếu có niềm tin vào sự đảo chiều của chính sách thì có thể giải ngân "bắt đáy". Còn những nhà đầu tư có chiến lược thận trọng hơn thì nên kiên nhẫn chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn.
Chuyên gia đến từ Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhấn mạnh, VN-Index hoàn toàn có thể giảm về vùng hỗ trợ quanh khu vực 1.000 -1.020 điểm trong các phiên tới trước những rủi ro tiềm ẩn.
“Nhà đầu tư chủ động nâng cao tỷ trọng tiền mặt để quản trị tối đa rủi ro trong ngắn hạn, đồng thời kiên nhẫn đợi chờ những tín hiệu tạo điểm cân bằng rõ ràng hơn thay vì giải ngân bắt đáy sớm”, VCBS khuyến nghị.
Hải Giang