Cuối tháng 6 được cho là thời điểm "vàng" bởi hầu hết các sự kiện hỗ trợ đều tập trung diễn ra vào khoảng thời gian này, đáng chú ý nhất là sự ra mắt của sản phẩm chứng quyền có đảm bảo (Covered Warrants – CW).
Các chuyên gia khá thống nhất cho rằng thị trường có thể hưởng lợi từ sản phẩm này khi các công ty chứng khoán phải "xây kho" với nhóm cổ phiếu cơ sở; do đó sẽ có một số tác động tích cực đến các cổ phiếu được chọn.
Sự trở lại của khối ngoại
Tiếp nối những diễn biến tiêu cực trong tháng 5, thị trường chứng khoán kết thúc những phiên đầu tiên của tháng 6 với những diễn biến khó lường, nhiều phiên rung lắc mạnh, nền thanh khoản luôn duy trì ở mức thấp.
Điểm sáng của thị trường là giao dịch của khối ngoại không còn tiêu cực như ở tuần cuối tháng 5 mà đã trở lại mua ròng liên tiếp. Chỉ tính riêng tuần giao dịch đầu tháng 6 (3-7/6), khối ngoại mua vào 90,8 triệu cổ phiếu, trong khi bán ra 68 triệu cổ phiếu, trị giá 2.709 tỷ đồng.
Tổng khối lượng mua ròng đạt 22,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 242,6 tỷ đồng trong khi đó cả tháng 5, quỹ này chỉ mua ròng 81,8 tỷ đồng. Đặc biệt, quỹ VNM ETF đã nhận được thêm 7,99 triệu USD chỉ trong tuần giao dịch đầu tháng 6.
Đà tích cực này tiếp tục được duy trì đến hai phiên giao dịch tiếp theo (10-11/6) khi đà mua ròng được diễn ra trên cả ba sàn giao dịch với tổng trị giá lần lượt là 180 tỷ đồng và 275 tỷ đồng.
Như vậy, tính chung trong 7 phiên giao dịch đầu tiên của tháng 6, khối ngoại đã mua vào tổng giá trị là gần 700 tỷ đồng và có xu hướng ngày càng tăng lên. Có thể ví dụ, chỉ với một phiên giao dịch ngày 11/6, khối lượng giao dịch của khối ngoại đã vượt cả tuần giao dịch trước.
Đặc biệt, lực mua chủ yếu tập trung tại chứng chỉ quỹ E1VFVN30 với 570 tỷ đồng, đa phần lượng mua được thực hiện qua phương thức thỏa thuận. Tiếp đó là đến VIC của Vingroup với 131 tỷ đồng; BVH (Tập đoàn Bảo Việt) 63,8 tỷ đồng…
Động thái mua ròng này đã thể hiện được góc nhìn tích cực về thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn luôn được duy trì bởi thị trường càng giảm, khối này càng mua ròng mạnh.
Theo thống kê của CTCK Rồng Việt (VDSC), khối ngoại thường bán ròng khi Vn-Index tăng lên vùng +/-980 và mua ròng khi chỉ số giảm về ngưỡng 930 – 940. Do vậy, việc nhà đầu tư nước ngoài chưa chuyển sang vị thế bán ròng đang được xem là yếu tố nâng đỡ thị trường tạm thời.
Bên cạnh đà mua ròng của khối ngoại là diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán thế giới trước dự báo giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào cuộc họp ngày 19/6 tới. Theo nhiều nhận định, xác suất giảm lãi suất là 24,2%, xác suất giữ nguyên là 75,8%, xác suất tăng là 0%.
Theo báo cáo chiến lược tháng 6 của CTCK Rồng Việt (VDSC), mặc dù mức độ rủi ro ở thời điểm hiện đã không còn quá lớn nhưng với sự bất định do những yếu tố bên ngoài và thị trường trong nước đi vào vùng trống thông tin thì Vn-Index có khả năng sẽ chưa thoát khỏi vùng biến động 920- 965 điểm.
Khối ngoại quay trở lại mua ròng trong những phiên giao dịch đầu tháng 6 |
Vẫn còn những "hạt sạn"
Hiện, dòng tiền tiếp tục hoạt động kém ở các cổ phiếu nhóm ngành dẫn dắt, số lượng cổ phiếu đang trong xu hướng giảm vẫn chiếm áp đảo tới 66%.
Bất động sản là nhóm có diễn biến giá tích cực nhất trong các nhóm ngành trụ, nhưng thanh khoản lại là vấn đề lớn của nhóm này. Thông thường, giá tăng mà dòng tiền không tăng theo thì đà tăng sẽ không bền vững.
Ngược lại, nhóm thực phẩm – đồ uống và ngân hàng có diễn biến thiếu tích cực, giá giảm và dòng tiền có dấu hiệu rút ra. Đặc biệt, dòng tiền tỏ ra rất thờ ơ với nhóm ngân hàng. Trong bối cảnh các nhóm trụ chưa có triển vọng tích cực, động lực để thị trường chung bứt phá là chưa cao.
Cũng đưa ra cái nhìn thận trọng về diễn biến thị trường trong ngắn hạn, một chuyên gia của CTCK VCBS cho rằng các chỉ số thị trường vẫn có thể dao động trong biên độ lớn bởi sự ảnh hưởng từ quyết định về chính sách tiền tệ của FED hay những diễn biến liên quan đến chiến tranh thương mại Mỹ- Trung vẫn luôn hiện hữu.
Chưa kể, sự khó lường giá cả các nguồn cung nguyên nhiên liệu quan trọng như dầu, khí đốt, than đá, cao su cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến xu hướng giao dịch cổ phiếu của các nhóm ngành liên quan.
Nhà đầu tư gần như rất khó dự đoán xu hướng giá của các nguyên nhiên liệu trong bối cảnh hiện tại, khi giá lên xuống liên tục theo những diễn biến chính trị trên thế giới.
Đồng quan điểm, CTCK VnDirect cho rằng thị trường hiện vẫn trong xu hướng đi ngang với các phiên tăng giảm trong biên độ hẹp và khó có thể nhận định lạc quan vào lúc này.
Ngoài ra, "sóng" kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết luôn được cho là một yếu tố hỗ trợ thị trường nhưng cũng có thể là con dao hai lưỡi nếu câu chuyện tăng trưởng kém trong quý I tiếp tục diễn ra.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, luôn tồn tại cơ hội đầu tư tốt cho nhà đầu tư trong bối cảnh Việt Nam có nền tảng ổn định vĩ mô và điều này sẽ hỗ trợ rất tốt cho những ai có tư duy đầu tư dài hạn.
Linh Đan