Tính đến phiên giao dịch ngày 25/5, chỉ số Vn-Index đã giảm gần 20% so với mức đỉnh 1.204,3 điểm đạt được hồi đầu tháng 4, mất toàn bộ thành quả đạt được trong quý I. Thậm chí, mọi nỗ lực hồi phục của thị trường bao gồm cả phục hồi kỹ thuật đều bị “bẻ gẫy” nhanh chóng.
“Vỡ trận” dự báo
Những ngày cuối cùng của năm 2017, chỉ số Vn-Index “hân hoan” đón sự tăng trưởng đạt 40%, thanh khoản thị trường luôn giữ ở mức 5000 tỷ dưới sự trợ giúp của nền kinh tế vĩ mô, chứng khoán đã trở thành một điểm đến được giới đầu tư trong và ngoài nước ưu tiên chọn lựa.
Tại thời điểm đó, các chuyên gia đã đưa ra nhiều kịch bản tươi đẹp cho thị trường chứng khoán năm 2018.
Hầu hết các nhận định đều cho rằng sau giai đoạn tạo đáy dài hạn của những năm về trước, Vn-Index đang từng bước đi lên. Dù điểm số có tăng 40% nhưng thực sự đây mới chỉ là khởi đầu cho giai đoạn mới của TTCK Việt Nam.
Trong quý I/2018, sau khi vượt qua mốc 1.000 điểm, thị trường đã cởi bỏ tâm lý, Vn-Index chinh phục mốc lịch sử 1.170 điểm và xác lập đỉnh mới 1.204,3 điểm trong những ngày đầu tháng 4.
Với sự thăng hoa của thị trường, đã có nhận định cho rằng TTCK Việt Nam sẽ tạo đỉnh 1.350 điểm, tăng 35% trong khoảng tháng 6, tháng 7 năm 2018.
Tuy nhiên, vẫn có nhận định cho rằng thị trường vượt đỉnh 1.170 điểm nhưng dòng tiền không bao phủ trên diện rộng. Sau khi chạm mốc 1.200 điểm, Vn-Index sẽ có sự điều chỉnh mạnh.
Tại thời điểm đầu năm 2018, giới phân tích cho rằng xác suất của kịch bản này là rất thấp, chỉ 20% có thể xảy ra. Có vẻ như kịch bản này đã và đang diễn ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong những ngày qua.
Sau khi xác lập đỉnh mới 1.204,3 điểm vào những ngày đầu tháng 4, thị trường đã ngay lập tức lao dốc, liên tiếp những phiên giảm điểm kỷ lục của Vn-Index.
Lực bán mạnh từ các cổ phiếu lớn trong nhóm VN30, chiếm tỷ trọng vốn hóa cao của thị trường “ép” Vn-Index đi ra ngoài mọi phân tích kỹ thuật, cũng như phân tích cơ bản.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/5, chỉ số Vn-Index giảm 22,02 điểm (2,23%) xuống 963,9 điểm, mức thấp nhất kể từ đầu năm tới nay.
Tương tự, Hnx-Index cũng giảm 1,96% xuống 114,78 điểm; Upcom-Index giảm 1,47% xuống 53,09 điểm. Số mã giảm điểm trên ba sàn áp đảo hoàn toàn với 370 mã (trong đó có 66 mã giảm sàn), trong khi số mã tăng chỉ là 157.
Giới chuyên gia cho rằng thị trường đang trong giai đoạn phản ứng quá đà, với quy luật “lên nhanh, xuống nhanh”, việc Vn-Index được kéo mạnh cuối năm 2017 và đầu năm 2018 giảm cũng là điều phải diễn ra.
Khi thị trường giảm quá đà thì cơ hội mua vào đang mở ra rõ nét |
Nhà đầu tư dè dặt
Phiên giao dịch ngày 25/5 kết thúc, áp lực bán dồn dập ghi nhận một loạt “ông lớn” giảm sàn như : GAS, VJC, PVD, PVS, PVB, SBT, FCN.
Bên cạnh đó, các Bluechips như MSN, HPG, PNJ, MWG, VRE, PLX…cũng như các cổ phiếu ngân hàng VPB, ACB, BID, VCB, CTG, HDB, MBB…đồng loạt giảm sâu, khiến thị trường thêm phần tiêu cực.
Mặc dù giảm sâu nhưng thanh khoản thị trường không được cải thiện nhiều. Giá trị khớp lệnh trên toàn thị trường chỉ đạt chưa tới 5.000 tỷ đồng, cùng với việc khối ngoại bán ròng hơn 500 tỷ đồng, đã tạo ra tín hiệu không mấy tích cực, ảnh hưởng không nhỏ tới xu hướng thị trường.
Tuần qua, thị trường đón nhận “tân binh nặng ký” là VHM của CTCP Vinhomes, thuộc “hệ sinh thái” Vingroup, được kỳ vọng sẽ là lực đỡ giúp thị trường hồi phục.
Tuy nhiên, phản ứng của thị trường lại không được như kỳ vọng, Vn-Index vẫn chìm trong sắc đỏ. Một chuyên gia chứng khoán cho rằng VHM khó có tác động lên thị trường, bởi tâm lý chung đang có chiều hướng xấu.
Sự xuất hiện của “bom tấn” này có thể sẽ làm chỉ số thị trường bớt giảm điểm chứ chưa thể thay đổi xu hướng chung của thị trường.
Tại các diễn đàn chứng khoán, các nhà đầu tư “kêu trời”, câu hỏi luôn hiện hữu trong gần hai tháng qua là “khi nào thị trường hết điều chỉnh”.
Thậm chí, có nhà đầu tư còn quyết định “đóng tài khoản, nghỉ chơi” vì không tìm thấy tương lai nào cho danh mục đầu tư của mình.
Trước đà lao dốc của thị tường trong hai tháng vừa qua, nhận định về tháng 6 sắp tới, một chuyên gia chứng khoán cho rằng trong nửa cuối tháng 5 và nửa đầu tháng 6, thị trường sẽ vẫn tiếp tục điều chỉnh giảm, xác lập vùng đáy trung hạn.
Theo vị chuyên gia này, có một quy luật mà các nhà đầu tư cần nhớ, đó là khi thị trường giảm quá đà thì cơ hội mua vào đang mở ra rõ nét.
Trước đây, thị trường với một nền giá cao với định mức giá P/E hơn 20 lần sẽ là rủi ro, nhưng khi P/E giảm về mức 15-16 lần, đây là cơ hội cho nhà đầu tư.
Các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên quan sát và chờ đợi các tín hiệu tạo đáy, cải thiện dần lên của thị trường, vào đầu tháng 6, có thể mua vào nhiều cổ phiếu tốt với vùng giá hấp dẫn hơn.
Linh Đan