Trong nửa đầu năm 2019, thanh khoản toàn thị trường chứng khoán (TTCK) cơ sở ghi nhận sự sụt giảm mạnh, khối lượng giao dịch bình quân đạt 220 triệu đơn vị/phiên, tương ứng với giá trị bình quân đạt 4.500 tỷ đồng, giảm khoảng 27% về khối lượng và 44% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Chứng khoán cơ sở hết “nóng”
Theo công ty chứng khoán (CTCK) SSI, các bất ổn về thương mại quốc tế, lo ngại tăng trưởng chậm dẫn đến việc rút vốn khỏi các tài sản rủi ro như cổ phiếu đã chi phối hầu hết các thị trường toàn cầu. Không chỉ Việt Nam mà ngay cả TTCK Mỹ – nơi các chỉ số chính vừa xác lập những kỷ lục mới cũng ghi nhận mức thanh khoản giảm so với cùng kỳ.
Về tình hình trong nước, việc Ngân hàng Nhà nước siết tăng trưởng tín dụng và giám sát chặt dòng tiền vào các lĩnh vực có rủi ro cao là bất động sản, chứng khoán khiến cho nhiều người lo ngại rủi ro với thị trường này. Có lẽ bài học về ảnh hưởng của chính sách thắt chặt tiền tệ tới TTCK những năm 2008 – 2010 đã khiến nhiều nhà đầu tư thận trọng hơn.
Bên cạnh đó cũng đã có nhiều lý do được đem ra giải thích như “nhà đầu tư rút tiền để mua vàng, gửi tiết kiệm do lãi suất ngân hàng đang cao…”. Tuy nhiên, chuyện nhà đầu tư rút tiền mua vàng, gửi tiết kiệm có thể là có nhưng tới mức tác động đến dòng tiền hàng ngàn tỷ đồng của TTCK có lẽ là hơi bất hợp lý, bởi có quá nhiều khác biệt.
Trong khi đó, nhìn vào bức tranh phái sinh nửa đầu năm vừa qua lại có sắc màu trái ngược. Bình quân mỗi phiên trên thị trường này đạt khoảng hơn 100.000 hợp đồng được khớp lệnh và khối lượng hợp đồng mở qua đêm (OI) đạt khoảng hơn 20.000 hợp đồng.
Chỉ số VN30F1M vẫn là hợp đồng được ưa chuộng nhất với mức thanh khoản cao và diễn biến bám sát với thị trường cơ sở, qua đó mang lại nhiều cơ hội cho nhà đầu tư.
Thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) tính đến ngày 21/6/2019 đã huy động được 102.373 tỷ đồng, bằng 33,4% kế hoạch năm. Về kỳ hạn phát hành, 100% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên, trong đó 92% khối lượng phát hành có kỳ hạn 10 năm trở lên. Kỳ hạn phát hành bình quân duy trì ở mức cao.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường TPCP có sự cải thiện khi tỷ lệ nắm giữ TPCP của các nhà đầu tư là tổ chức tài chính phi ngân hàng tiếp tục tăng, đạt khoảng 53%, tăng 0,8% so với thời điểm cuối năm 2018.
Dòng tiền lớn chủ động đứng ngoài thị trường khiến thanh khoản sụt giảm |
Hay đang chờ thời cơ?
Kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cũng sôi động đặc biệt. Khối lượng TPDN phát hành trong 6 tháng đạt 89.483 tỷ đồng, bằng 134% so với cùng kỳ năm 2018. Tính đến thời điểm 24/6/2019, dư nợ thị trường TPDN đạt 10,22% GDP năm 2018, tăng 19,2% so với cuối năm 2018 (8,6% GDP).
Điều kiện thị trường không khả quan và quy mô giao dịch toàn thị trường giảm đã tác động tiêu cực tới nguồn thu của các CTCK, ảnh hưởng trực tiếp lên mảng môi giới. Ghi nhận kết quả kinh doanh tại một số CTCK thuộc nhóm đầu thị trường cho thấy hầu hết đều giảm sâu về lợi nhuận.
Có một thực tế rất hay gặp trên TTCK là ở vùng đỉnh thì thanh khoản thường lớn nhất và ở vùng đáy thi thanh khoản là nhỏ nhất. Theo đó, tại vùng đỉnh, sự lạc quan lan tràn và được cổ vũ bằng những tin tốt xuất hiện càng khiến sức mua càng ngày càng lớn, nên thanh khoản lớn.
Ngược lại ở vùng đáy, sau những phiên thăng hoa với thanh khoản cao, thị trường thường xuất hiện những phiên lao dốc hoặc tăng với thanh khoản cạn kiệt. Điều này xuất phát từ việc các nhà đầu tư đã nhận thức rõ ràng được một xu thế giảm và những hy vọng liên tiếp thất bại dẫn đến áp lực bán gia tăng.
Tuy nhiên, thực tế này không còn đúng với thị trường trong nửa đầu năm 2019, khi dòng tiền lớn chủ động đứng ngoài thị trường ngay cả trong những phiên các chỉ số khởi sắc.
Trước sự ảm đạm của thị trường cổ phiếu cùng với sự sôi động của các thị trường tài chính khác, đã có ý kiến cho rằng thị trường cổ phiếu đã hết hấp dẫn; thay vì mạo hiểm, các nhà đầu tư hướng đến những kênh có khả năng sinh lời tốt hơn như phái sinh, trái phiếu… và mới đây là các sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (CW).
Cũng có ý kiến cho rằng dòng tiền hiện tại không thiếu nhưng đang “bí” mã để đầu tư, bởi những cổ phiếu tiềm năng đã và đang ở vùng đỉnh, trong khi nhiều nhóm cổ phiếu đang được gọi là có tiềm năng tăng trưởng như dệt may, thủy sản, xuất khẩu… lại đang tiềm ẩn quá nhiều rủi ro.
Sự lựa chọn kênh đầu tư khác chỉ mang tính chất thời điểm, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư có sức hút nhất, các nhà đầu tư đang chờ đợi cơ hội phù hợp để tiếp tục gia tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu.
Nhiều nhà đầu tư cũng cho biết đang chủ động thoái ra khỏi thị trường để chờ đợi những thông tin của kinh tế thế giới từ Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào cuối tháng 7, đặc biệt là kết quả cuộc đàm phán của hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung Quốc.
Linh Đan