Thị trường chứng khoán tiếp tục một tuần giao dịch ảm đạm (28/10 – 1/11) với thanh khoản thấp. Tổng giá trị giao dịch khớp lệnh của VN-Index chỉ đạt hơn 56.500 tỷ đồng, giảm 19,62% so với tuần trước đó.
Chưa thấy tín hiệu "sáng"
Trong tuần, khối ngoại bán ròng lên tới hơn 7.800 tỷ đồng trên sàn HoSE, tiêu điểm là cổ phiếu VIB được sang tay hơn 5.400 tỷ đồng.
Thị trường thiếu lực đỡ và bước vào giai đoạn trống thông tin. |
Không chỉ vậy, nhiều cổ phiếu bluechip điều chỉnh khá mạnh gây ảnh hưởng tới thị trường chung.
Tuần qua, với tin nhóm cổ đông nước ngoài thoái vốn, cổ phiếu MSN của Masan giảm tiếp 3,5%. Đây đã là tuần giảm liên tiếp thứ ba của cổ phiếu bán lẻ có ảnh hưởng lớn đến chỉ số, cho dù kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của doanh nghiệp này khá “sáng”.
“Đồng pha", cổ phiếu VNM giảm 3,24% sau một tuần giao dịch. Mặc dù tuần trước đó, cổ phiếu này có nhịp hồi kỹ thuật chưa đầy 1%, nhưng VNM đã điều chỉnh hơn 10% so với đỉnh ngắn hạn được thiết lập vào tháng 8/2024.
Thêm một “tội đồ" ghì chỉ số sát MA200 là cổ phiếu VHM. Sau khi bật tăng mạnh khi có tin được mua lại 370 triệu cổ phiếu quỹ, VHM đã có 2 tuần giảm liên tiếp, lần lượt là 3% và 5%.
Các cổ phiếu trong nhóm VN30 tiếp đà giảm còn có PLX, VRE, HDB, SSI.
Đáng chú ý, áp lực bán gia tăng trong phiên cuối tuần qua (1/11) cho thấy tâm lý nhà đầu tư còn dè dặt. Dòng tiền vào thị trường chưa ổn định, chưa có động lực mạnh mẽ thu hút vốn lớn quay lại.
“Sẽ khó có những bất ngờ đối với dòng tiền ra vào thị trường chứng khoán trong giai đoạn này”, ông Phạm Trần Đức Thắng, chuyên gia phân tích tại Học viện New World Education nhìn nhận.
Hầu hết các chuyên gia đồng thuận cho rằng thị trường đang thiếu đi lực đỡ và bước vào giai đoạn trống thông tin. Do đó, đà tăng chưa thể sớm xác nhận và thị trường sẽ đi ngang thậm chí có những nhịp rung lắc.
Theo quan điểm của ông Bùi Văn Huy, Giám đốc điều hành chi nhánh TP. HCM, Chứng khoán DSC, bối cảnh thế giới có những biến động mạnh tương đối tiêu cực. Đối với thị trường Mỹ, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục tăng mạnh và chỉ số đồng Dollar (DXY) cũng tương tự. Đặc biệt là những tiềm ẩn xung quanh cuộc bầu cử ở Mỹ vào ngày 5/11 và cuộc họp của Fed vào ngày 6-7/11 với khả năng sẽ có thêm một đợt hạ lãi suất. Theo đó, thị trường tài chính thế giới sẽ có những biến động mạnh (theo cả chiều tích cực và tiêu cực).
Trong nước, thị trường tháng 11 đang trong trạng thái thiếu thông tin hỗ trợ sau mùa công bố kết quả kinh doanh quý III, những câu chuyện kỳ vọng như nâng hạng thị trường cũng dần dịch chuyển kỳ vọng trong năm sau, trong khi khối ngoại tiếp tục bán ròng. Trong bối cảnh đó, việc số lượng lớn trái phiếu đáo hạn trong tháng 11 và tháng 12 có thể gây những lo ngại. Khả năng cao sẽ không có những hiệu ứng dây chuyền như hồi năm 2022 nhưng tác động đến thanh khoản thị trường là ít nhiều không thể phủ nhận. Thông tư 02 cũng sẽ đáo hạn vào cuối năm 2024, khi đó ngân hàng sẽ phải đối mặt với việc hạch toán những khoản nợ xấu trong năm 2025.
"Có nhiều thời điểm, chúng ta cần thừa nhận thị trường thiếu cơ hội ngắn hạn và giao dịch chán nản, khó dự đoán. Thị trường có thể dễ hồi phục trong trạng thái chán nản và thanh khoản thấp hiện tại, nhưng cũng vẫn còn dư địa để rơi", ông Huy nhấn mạnh.
“Rũ hàng” để mua vào
Dù vậy, trong môi trường lãi suất thấp, chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, để đạt được hiệu suất sinh lời tốt, nhà đầu tư cần có phương pháp hiệu quả.
Hiện tại, giới phân tích cho rằng nhà đầu tư cần giao dịch thận trọng. Nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế giải ngân; nhà đầu tư dài hạn có thể tận dụng các phiên rũ hàng để tìm kiếm cơ hội.
Bà Nguyễn Thị Thảo Như, Giám đốc cao cấp Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt nhận xét thị trường đang giao dịch quanh ngưỡng hỗ trợ mạnh nên việc giải ngân ở vùng giá này cũng là điều hợp lý.
“Sau khi đặt lên bàn cân về rủi ro và lợi nhuận ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư có thể giao dịch với tỷ trọng thấp ở mức 10-30% giá trị danh mục. Như vậy, nhà đầu tư vẫn có một mức lợi nhuận nhất định nếu thị trường bật tăng trở lại nhưng danh mục vẫn an toàn cho dù một cơn sóng lớn ập đến và nhà đầu tư vẫn còn nguồn lực để mua vào các cổ phiếu với những mức giá hấp dẫn”, bà Như khuyến nghị.
Theo chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt, đây không phải là một chiến lược hoàn hảo mà đây là một chiến lược phù hợp cho những nhà đầu tư không muốn chịu nhiều rủi ro. Tuy nhiên, “nước trong quá thì không có cá”, những nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm, chịu được rủi ro cao vẫn có thể đưa ra những quyết định lớn trên danh mục để đón đầu một xu hướng khi mọi thứ chưa thực sự rõ ràng ở thời điểm hiện tại và có quá nhiều biến số.
Ông Bùi Văn Huy cho rằng, nhà đầu tư không bi quan nhưng cũng cần tỉnh táo và kiên nhẫn trong ngắn hạn. Nếu giao dịch ngắn hạn, nhà đầu tư vẫn có thể nắm giữ danh mục cổ phiếu, tuy nhiên ở mức độ vừa phải và tận dụng giai đoạn hiện tại để cơ cấu danh mục hiện tại hơn là kỳ vọng quá nhiều. Đối với kịch bản thị trường điều chỉnh sâu, các nhóm ngành ưu tiên có thể kể tới như Đầu tư công (Thép, Vật liệu xây dựng,…) hay Bất động sản khu công nghiệp.
Về dài hạn, nền kinh tế vẫn được kỳ vọng phục hồi lạc quan, do đó có thể xem xét đầu tư dài hạn các ngành hưởng lợi như Tài chính, Tiêu dùng, Bán lẻ, các doanh nghiệp sản xuất...
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường VNDirect cũng khuyến nghị nhà đầu tư dài hạn có thể xem xét gia tăng tỷ trọng cổ phiếu nếu chỉ số điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.240-1.250 điểm, ưu tiên những nhóm cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tích cực trong 2 quý cuối năm bao gồm ngân hàng, bất động sản nhà ở và nhóm xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ).
“Thực tế, trong những tháng gần đây, chiến lược mua vào cổ phiếu ở vùng cận dưới kênh tích lũy quanh 1.240-1.250 điểm và chốt lời khi VN-Index chạm cận trên của kênh tích lũy tại vùng 1.290-1.300 điểm vẫn đang phát huy hiệu quả”, chuyên gia VNDirect cho biết.
Hải Giang