Chỉ số chính vẫn đang gặp phải ngưỡng cản mạnh ở mốc 1.300 điểm, khiến thị trường chứng khoán (TTCK) rơi vào trạng thái đi ngang ngắn hạn.
Chưa đủ sức kích hoạt dòng tiền lớn
“Thị trường chưa có động lực đủ mạnh để vượt qua ngưỡng này. Nguyên nhân chính là thiếu “một câu chuyện mới” đủ sức kích hoạt dòng tiền lớn”, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận xét.
Theo quan sát, ngay từ phiên giao dịch đầu tháng 10/2024, chỉ số VN-Index đã chinh phục mốc 1.300 điểm và có lúc chạm mức cao nhất ở 1.302 điểm, nhưng sau đó điều chỉnh trở lại và đóng cửa chỉ còn tăng 4 điểm, đứng ở mức 1.292 điểm, trước áp lực chốt lời gia tăng.
Trong phiên giao dịch đầu tuần này (7/10), VN-Index có lúc rớt về mức thấp dưới 1.265 điểm, tức giảm 27 điểm chỉ sau 4 phiên, trong đó riêng hai phiên ngày 3 và 4/10 đã ghi nhận mức giảm đến 19 điểm.
TTCK vẫn thiếu “một câu chuyện mới” đủ sức kích hoạt dòng tiền. |
Nguyên nhân chính là nỗi lo chiến tranh trên thế giới ngày càng lan rộng hơn. TTCK toàn cầu phản ứng tiêu cực trước nỗi lo sợ này với chỉ số Dow Jones (Mỹ) giảm 398 điểm phiên đầu tuần càng ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư trong nước.
TTCK có thể là một trong những kênh đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, không chỉ vì nỗi lo sợ về thiệt hại chiến tranh có thể gây ra, mà kỳ vọng nới lỏng chính sách tiền tệ cũng sẽ bị ngưng lại. Dòng tiền khi đó sẽ có xu hướng đổ vào các kênh đầu tư mang tính trú ẩn an toàn như vàng hay trái phiếu.
Trong báo cáo mới đây, SGI Capital lưu ý nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục hồi phục tốt với các chỉ tiêu như GDP quý III tăng mạnh 7,4%, FDI và xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trưởng tích cực.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất 0,5% đã giảm bớt sức ép cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), giúp VND lên giá và lãi suất huy động ngân hàng bớt áp lực tăng. Tuy vậy, tỷ giá USD/VND vẫn còn cách rất xa mức NHNN có thể mua ròng USD. Lãi suất liên ngân hàng vẫn neo cao ở vùng 4% cũng cho thấy thanh khoản hệ thống chưa có nhiều cải thiện.
Dưới tác động của đợt cắt giảm lãi suất mạnh từ Fed và gói kích thích kinh tế lớn của Trung Quốc, TTCK Việt Nam tháng 9 đã có những chuyển biến tích cực khi nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua ròng, đồng thời kích hoạt dòng tiền nội hứng khởi tham gia khiến thanh khoản tăng mạnh vào cuối tháng. Tuy vậy, diễn biến này đang chững lại bởi những yếu tố chưa thuận lợi vẫn hiện hữu.
“TTCK không kéo dài sự tích cực với thông tin vĩ mô tốt trong tháng 9 phần nào thể hiện sự khó khăn trong việc thu hút dòng tiền mới trong bối cảnh khan hiếm các cơ hội hấp dẫn”, theo SGI Capital.
Cần sự mua ròng mạnh của khối ngoại
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu thị trường vượt qua mốc 1.300 điểm, VN-Index có khả năng tiếp tục leo lên các ngưỡng cao hơn trong năm nay, từ 1.350 - 1.400 điểm. Tuy nhiên, để điều này thành hiện thực cần có sự đồng thuận của dòng tiền và sự xuất hiện của các yếu tố tích cực mới từ cả trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Thế Minh nhấn mạnh, thị trường sẽ có sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm cổ phiếu và dòng tiền chỉ đồng thuận khi có các câu chuyện lớn hơn như nâng hạng thị trường hoặc thông tin mới liên quan đến các doanh nghiệp lớn IPO.
Còn theo quan sát của SGI Capital, việc bất động sản thực nóng lên đang là tâm điểm hút dòng tiền nội. Thanh khoản của TTCK bởi vậy khó cải thiện nếu thiếu dòng tiền ngoại mua ròng mạnh.
“Trong chu kỳ 2010 – 2011, thị trường bất động sản phía Bắc xảy ra sốt nóng cũng đồng thời với giai đoạn thanh khoản của TTCK cạn kiệt và lãi suất ngân hàng nhích tăng. USD Index tăng trở lại gần đây cũng đang khiến dòng tiền nóng đảo chiều quay lại bán ròng tại các thị trường trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc”, SGI Capital phân tích.
Thực tế, diễn biến khối ngoại bán ròng trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần trước và đầu tuần này là tín hiệu đáng chú ý, khi tỷ giá USD/VND lẫn giá vàng trong nước đều nóng trở lại.Trong phiên ngày 4/10, khối ngoại đã bán ròng hơn 707 tỷ đồng trên cả ba sàn; tiếp đến phiên ngày 7/10 bán ròng hơn 394 tỷ đồng.
Các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư cần chú ý những yếu tố rủi ro như biến động địa chính trị, sự phục hồi không đồng đều của nền kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường trong ngắn hạn, dẫn tới thanh khoản khó có thể cải thiện.
“Nhà đầu tư duy trì một tỷ trọng tiền mặt nhất định và tập trung vào các mã cổ phiếu có nền tảng vững chắc để phòng ngừa rủi ro”, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, Chứng khoán DSC khuyến nghị.
Ngoài ra, giới phân tích cũng đưa ra một số nhóm ngành vẫn có thể thu hút dòng tiền của nhà đầu tư. Đây sẽ là cơ hội cho những nhà đầu tư biết kiên nhẫn và linh hoạt với chiến lược đầu tư của mình.
Đầu tiên phải kể nhóm cổ phiếu dầu khí có thể hưởng lợi khi giá dầu tăng mạnh trở lại trước sức ép nguồn cung thế giới bị thu hẹp. Thực tế, nhóm cổ phiếu sản xuất dầu khí và thiết bị, và phân phối dầu khí đã có dấu hiệu hút tiền trong 3 phiên gần đây.
Nhóm thứ hai là các cổ phiếu lương thực, thực phẩm, trước lo ngại giá cả các mặt hàng này có thể tăng mạnh khi chiến tranh lan rộng sẽ kéo theo nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu, điều đã từng diễn ra do xung đột Nga - Ukraine.
Với triển vọng kinh tế suy giảm vì ảnh hưởng bởi chiến tranh, các cổ phiếu thuộc nhóm phòng thủ như y tế, tiện ích, hay các cổ phiếu có truyền thống trả cổ tức cao cũng cần được quan tâm.
Hải Giang