![]() |
TS.Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính. |
Đánh giá về các con số chính, nền kinh tế ghi nhận được trong 6 tháng đầu năm, TS. Cấn Văn Lực cho biết: “Con số Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/6 với tăng trưởng GDP quý II là 6,61%, 6 tháng đầu năm 5,64% có thấp hơn so với dự báo đầu quý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 5,8%, nhưng khớp với dự báo của chúng tôi là 5,6% cho 6 tháng đầu năm”.
Với kết quả trên, rõ ràng mục tiêu tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch như Nghị quyết số 01 của Chính phủ đã đề ra, đó là mong muốn quý I/2021, GDP tăng trưởng 5,12%; quý II tăng trưởng trên 6%.
Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm của nước ta rất đáng khích lệ, trong bối cảnh 6 tháng qua xảy ra 2 đợt dịch tương đối nặng so với năm 2020, mặc dù chúng ta đã điều chỉnh chiến lược về kiểm soát dịch bệnh được tốt hơn.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nền kinh tế cuối năm sẽ đạt mức tăng trưởng theo kịch bản cơ sở, GDP tăng từ 6,1 - 6,3%. Đây sẽ là kết quả tương đồng so với dự báo của một số tổ chức quốc tế, dù có thấp hơn dự báo của Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dành cho Việt Nam.
Từ những con số về GDP, ông Lực nhận định, thị trường chứng khoán còn rất nhiều triển vọng bởi sự phát triển của thị trường thường đi trước sự phát triển của nền kinh tế thực từ 3-6 tháng - nó thể hiện sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào kênh đầu tư này.
“GDP tăng trưởng trên 6% cùng với đó là lạm phát trong tầm kiểm soát, cân đối lớn vẫn kiểm soát được. Trong khi đó, lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết có thể tăng 20% là những yếu tố có thể hỗ trợ thị trường chứng khoán trong giai đoạn tới”, ông Lực cho biết.
Ngoài ra, một trong những điểm tích cực của thị trường chứng khoán thời gian gần đây là vai trò của nhà đầu tư nước ngoài đã không còn quá lớn trong việc điều tiết thị trường, mà thay vào đó là nhà đầu tư nội. Hiện nay, giao dịch của nhà đầu tư ngoại chỉ chiếm 10%.
Tuy nhiên, theo ông Lực, những rủi ro mà nhà đầu tư thế giới đang rất lo ngại và nhà đầu tư Việt Nam cũng cần quan tâm là việc thắt chặt chính sách tiền tệ của các nước, lạm phát đang tăng nhanh, và biên lợi nhuận của các doanh nghiệp dần thu hẹp khi giá vật liệu đầu vào tăng mạnh.
Riêng Việt Nam, nhà đầu tư còn cần chú ý thêm rằng động lực tăng trưởng hiện nay đến một phần đáng kể từ nhà đầu tư nhỏ lẻ, dễ có tâm lý đám đông khi thị trường điều chỉnh. Cùng với đó, không loại trừ một số doanh nghiệp "tát nước theo mưa", đánh bóng kết quả kinh doanh để phát hành cổ phiếu, trái phiếu trong đợt này.
“Như vậy, chúng tôi cho rằng sau một thời gian phấn khích, thị trường sẽ có cú điều chỉnh giảm khoảng 7-10%, lúc đó nhà đầu tư phải hết sức bình tĩnh, phải thấy rằng đây là cú điều chỉnh cần thiết để cho thị trường lành mạnh”, ông Lực khuyến nghị.
N.L