![]() |
Sự phát triển của thị trường chứng khoán trong bối cảnh đại dịch là bất thường nhưng nếu đặt trong bối cảnh của thế giới thì lại không hề bất thường. |
Cụ thể, diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam là đồng pha với thế giới. Tính tới 15/6, thị trường Mỹ cũng tăng 12,4% so với cuối năm 2020; thị trường Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản tăng khoảng 12%...
"Thị trường Việt Nam có thể tăng cao hơn so với khu vực và quốc tế, vốn hoá cũng tăng hơn 21% nhưng điều đó là bình thường, không thể nói là bất thường", bà Bình đánh giá.
Bà Bình cũng cho rằng, nội lực của thị trường trong nước đang rất tốt khi các chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực. Riêng năm 2020, Việt Nam là nền kinh tế hiếm hoi tăng trưởng dương. Sang năm 2021 các chỉ số tăng trưởng rất ổn định, có tiềm năng, lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp; dòng tiền vào các kênh đầu tư như bất động sản, tiền ảo chững lại trước sự kiểm soát mạnh mẽ hơn từ phía cơ quan quản lý.
"Tất cả những lý do trên cho thấy dòng tiền chảy vào chứng khoán liên tục là dễ hiểu", bà Bình khẳng định.
Ngoài ra, một lý do rất quan trọng góp phần vào sự tăng trưởng mạnh của thị trường chứng khoán thời gian qua là kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp niêm yết trong quý I/2021.
Bởi lẽ diễn biến của thị trường chứng khoán thường đi trước nền kinh tế. Đà tăng mạnh của thị trường gần đây đã thể hiện được kỳ vọng của nhà đầu tư vào sự hồi phục của nền kinh tế trong năm 2021 trước những tác động của dịch bệnh.
Cũng đưa ra quan điểm tương tự, ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, có nhiều lý do để lý giải cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán nên khó có thể nói sự tăng trưởng của chứng khoán thời gian qua là bất thường.
Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong nửa đầu năm 2021 đến từ niềm tin của các nhà đầu tư vào bức tranh kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp niêm yết trong giai đoạn tới, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới ngày càng ổn định, mở cửa theo cách “bền vững hơn” khi dịch bệnh dần được kiểm soát.
“Trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp gần đây có thể thấy một bức tranh rất khả quan. Nếu như khó khăn của doanh nghiệp khi đối diện với 3 đợt dịch trước đây là đứt gãy quan hệ cung cầu thì trong lần này, các doanh nghiệp lại cho biết họ nhận quá nhiều đơn hàng, thiếu lao động và không mở rộng được sản xuất để đáp ứng hết các đơn hàng mới là khó khăn lần này. Đây có lẽ cũng là nguyên nhân để nhà đầu tư tin tưởng hơn vào sự phát triển của kinh tế trong năm 2021", ông Hiếu nói.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này lưu ý, sự phát triển của thị trường chứng khoán gần đây có sự đóng góp rất lớn của các nhà đầu tư cá nhân hay người dân. Dòng tiền này là khó đoán định nên rất đáng lưu tâm khi nền kinh tế hồi phục.
M.Khuê