Phiên 1/11, thị trường chứng khoán (TTCK) ghi nhận phiên hồi phục sau chuỗi dài giảm mạnh, nhưng thanh khoản khớp lệnh ở mức khá thấp, chỉ đạt 11.111 tỷ đồng.
Một tháng tồi tệ, "bốc hơi" gần 11%
Chỉ trong một tháng qua, VN-Index đã “bốc hơi” 10,91%, đánh dấu tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 9/2022.
Chỉ trong một tháng, VN-Index “bốc hơi” 10,91%. |
Mức giảm nhanh chóng gần như đã xóa sạch mọi thành quả tăng giá của thị trường kể từ đầu năm. Chuỗi lao dốc mạnh khiến vốn hóa HoSE hiện chỉ còn xấp xỉ 4,1 triệu tỷ đồng - mức thấp nhất kể từ cuối tháng 4/2023.
Đáng nói, những phiên giao dịch sôi động lên đến tỷ USD không còn, thanh khoản thị trường liên tục “mất hút” với giá trị giao dịch bình quân chỉ đạt quanh ngưỡng 12.000-13.000 tỷ đồng. Hơn nữa, thanh khoản vẫn ở mức thấp trong những phiên hồi phục cho thấy dòng tiền vẫn kiên quyết đứng ngoài, không chịu nhập cuộc khi chưa có tín hiệu tạo đáy rõ ràng.
Có thể thấy, TTCK đang trải qua giai đoạn đầy sóng gió khi liên tục sụt giảm mạnh, VN-Index gần như rơi vào trạng thái “rơi tự do” khi không có bất cứ lực đỡ nào ghìm đà giảm. Đặc biệt, những cú “đánh úp” về cuối phiên liên tục xuất hiện, khiến xu hướng thị trường càng trở nên khó đoán định.
“Thị trường liên tục bị bán mạnh vào cuối phiên. Đến thời điểm hiện tại đã xuất hiện force sell và call margin”, chuyên viên kỹ thuật của Mirae Asset nói với VnBusiness.
Lý giải về hiện tượng thị trường giảm mạnh về cuối phiên trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT FinPeace chỉ ra 3 yếu tố chính. Thứ nhất là các tài khoản có vị thế sẵn trade T0 trung bình giá xuống, chờ đến thời điểm cuối phiên thấy thị trường không đảo chiều, những nhà đầu tư này sẽ lập tức “thoát hàng”. Thứ hai là, do lo ngại rủi ro biến động bất thường sau giờ giao dịch Việt Nam, ví dụ biến động mạnh tại phiên giao dịch Mỹ, nhà đầu tư có xu hướng đóng bớt trạng thái về cuối phiên. Thứ ba là là do vay margin cao, nhà đầu tư không đủ sức chịu rủi ro qua đêm.
Trên thực tế, những phiên lao dốc liên tiếp của thị trường đã có dấu hiệu báo trước về mặt kỹ thuật. Trước đó, một số nhóm cổ phiếu trụ cột của thị trường đã quay trở về vùng đáy dài hạn và nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có lực cầu bắt đáy gia tăng mạnh ở những cổ phiếu này giúp thị trường đảo chiều. Tuy nhiên, lực cầu không xuất hiện khiến những cổ phiếu trụ đồng loạt “phá đáy” và điều này tạo áp lực tâm lý cho những nhóm cổ phiếu còn lại.
Xu hướng thị trường khá tiêu cực
Xét trên góc độ cơ bản, TTCK đang đối diện khá nhiều yếu tố bất lợi. Bất chấp quyết tâm phục hồi nền kinh tế của Chính phủ, chính sách vẫn chưa “ngấm” vào nền kinh tế như kỳ vọng. Điều này thể hiện ở kết quả kinh doanh quý III của doanh nghiệp ảm đạm và kỳ vọng kết quả kinh doanh quý IV vẫn kém khả quan, và đặc biệt là khả năng hấp thụ vốn ưu đãi lãi suất thấp không đem được nhiều kết quả. Do đó, kỳ vọng của nhà đầu tư về triển vọng TTCK vào cuối năm đang có phần lung lay.
Mặt khác, bối cảnh vĩ mô thế giới vẫn còn nhiều ẩn số khó lường trước những lo ngại Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ tiếp tục chính sách “diều hâu” hoặc duy trì mức lãi suất cao hiện tại trong thời gian tới.
Chưa kể, đà tăng của đồng USD cũng được cho là ảnh hưởng rất lớn đến tỷ giá và chính sách tiền tệ của Việt Nam. Tỷ giá USD/VND có dấu hiệu tăng trong thời gian gần đây làm dấy lên lo ngại Ngân hàng Nhà nước có thể "mạnh tay" hơn về chính sách tiền tệ để giảm bớt căng thẳng tỷ giá.
Hơn nữa, nhà đầu tư cũng lo ngại căng thẳng địa chính trị trên thế giới leo thang có thể dẫn giá dầu tăng mạnh trở lại do đứt gãy nguồn cung. Điều này có thể dẫn tới nguy cơ lạm phát bùng tăng trở lại và từ đó tác động đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Hiện tại, việc TTCK giảm sâu đưa định giá P/E của VN-Index chỉ còn xấp xỉ 11,6 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm. Đây có thể nói là mức định giá hấp dẫn, cùng với đó nhiều cổ phiếu sụt giảm mạnh 30-40% so với đỉnh ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu so với mức tăng 60% - 80% kể từ đầu năm của nhiều nhóm ngành, mức điều chỉnh trong thời gian qua có thể vẫn chưa đủ hấp dẫn để kích thích dòng tiền quay trở lại. Tại phần lớn các nhóm ngành, cổ phiếu đang trong trạng thái downtrend. Dòng tiền chờ bắt đáy dường như vẫn đang chững lại chờ đợi nhiều cổ phiếu rẻ và hợp lý hơn nữa.
Nhận định về thị trường ở thời điểm hiện tại, giới phân tích đều bày tỏ sự thận trọng, dè dặt khi xu hướng ngắn hạn khá tiêu cực, còn xu hướng dài hạn cũng không quá sáng.
Ông Võ Kim Phụng, Phó Phòng Phân tích Chứng khoán BETA cho rằng theo quan điểm phân tích kỹ thuật, VN-Index đang nằm trong xu hướng giảm ngắn hạn sau khi xuyên thủng đường MA200 (đường trung bình động 200 ngày).
"Chỉ số hiện nằm ở vùng tích lũy 1.020 - 1.100 điểm thiết lập hồi nửa đầu năm 2023. Bước sang tháng 11, thị trường kỳ vọng sẽ dao động tích lũy tạo nền trong vùng 1.020 - 1.100 điểm trước khi có những tín hiệu tác động đến việc hình thành xu hướng tiếp theo. Nếu giảm dưới ngưỡng này, thị trường sẽ khá rủi ro", ông Phụng nhận định.
Tương tự, các chuyên gia của Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhấn mạnh, chỉ số VN-Index có thể sẽ biến động gần vùng 1.020 điểm. Rủi ro ngắn hạn của thị trường vẫn ở mức cao, cho nên đà giảm ngắn hạn có thể sẽ còn tiếp diễn. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tiếp tục giảm nhẹ cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn bi quan thái quá với diễn biến thị trường hiện tại.
Do đó, nhà đầu tư cần thận trọng quan sát thị trường, hạn chế giải ngân cũng như duy trì tỷ trọng tiền mặt ở mức cao hơn cho đến khi hình thành đáy rõ ràng hoặc khi thị trường xác lập mặt bằng giá ổn định.
“Trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư không dùng vốn vay (margin), cũng không nên bán tháo cổ phiếu mà chờ thị trường phục hồi để cơ cấu danh mục”, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Chứng khoán Yuanta Việt Nam khuyến nghị.
Hải Giang