Thị trường chứng khoán (TTCK) vừa trải qua một phiên giao dịch 17/10 “đầy nước mắt”. Trong phần lớn thời gian giao dịch, màu xanh tích cực phủ khắp bảng điện. Thậm chí, đóng cửa phiên sáng, VN-Index tăng 6,22 điểm lên mức 1.147 điểm với sự trợ lực từ một vài nhóm cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng.
“Tội đồ” của VN-Index?
Tuy nhiên, chỉ trong những phút cuối của phiên giao dịch ATC (lệnh mua hoặc bán chứng khoán tại mức giá đóng cửa), thị trường bị bán tháo với 36 mã cổ phiếu giảm sàn từ 7-15% trong số gần 640 mã giảm, chưa kể rất nhiều mã giảm gần mức giá sàn.
Chỉ trong vòng 15 phút ngắn ngủi cuối phiên ATC, áp lực bán không hiểu từ đâu tới có thể nhấn chìm VN-Index trong “biển lửa đỏ”. (Hình minh họa) |
Trên khắp các hội nhóm, diễn đàn chứng khoán, nhà đầu tư đưa ra nhiều bình luận tiêu cực, phần lớn đều tỏ thái độ thất vọng về diễn biến giá cổ phiếu trong phiên ATC. Đa số đều tỏ ra băn khoăn trước diễn biến của phiên này.
“Chỉ sau 5 phút diễn ra phiên ATC, VN-Index đã mất khoảng 7 điểm so với giá tham chiếu và kết phiên mất tới gần 20 điểm. Tôi cảm thấy có sự bất thường”, một cá nhân chia sẻ trên nhóm diễn đàn chứng khoán.
Nhận định về diễn biến “lạ” của phiên ATC ngày 17/10, theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư, Chứng khoán Maybank Investment Bank, thị trường giảm mạnh trong phiên ATC là không hiếm, nhất là 1-2 năm gần đây. Do đó, phiên giao dịch này là bình thường, không có gì là bất thường.
Đồng thời, chuyên gia Maybank Investment Bank cũng chỉ ra một số nguyên nhân khiến thị trường giảm mạnh. Đó là VN-Index đã chạm vùng kháng cự mạnh 1.150 - 1.550 điểm và chưa vượt qua được trong những phiên gần đây. Lực mua vào chủ yếu đến từ nhóm nhà đầu tư cá nhân, trong khi nhóm nhà đầu tư tổ chức hay khối ngoại nghiêng về chiều bán nhiều hơn.
Bên cạnh đó, chỉ số chung tăng liên tục trong tuần qua nên xuất hiện lực bán chốt lời ở vùng kháng cự mạnh. Trên bình diện quốc tế, đồng USD tăng trở lại đã tác động tới những thị trường được định giá bằng USD khiến chứng khoán Mỹ và thế giới giảm điểm. Cộng thêm giá vàng thế giới tăng mạnh, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cũng tăng…, nhà đầu tư trú ẩn vào vàng và rút ra khỏi những kênh đầu tư rủi ro hơn như chứng khoán, từ đó tác động khiến chứng khoán quốc tế giảm, lan tỏa tới tâm lý của nhà đầu tư trong nước.
Còn ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng thanh khoản thị trường đang thấp, ngay cả khi thị trường có nhịp hồi. Điều này cho thấy nhà đầu tư chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường.
“Thanh khoản thấp sẽ khiến tâm lý nhà đầu tư bất an, chưa kỳ vọng thị trường tăng điểm, họ sẽ bán ra vì lo sợ áp lực bán sẽ quay trở lại. Vì vậy, thị trường giảm trong phiên 17/10 là bởi nhà đầu tư mất kiên nhẫn khi thanh khoản thị trường liên tục ở mức thấp trong thời gian qua”, ông Minh nêu quan điểm.
Vẫn cần những câu trả lời thỏa đáng
Chia sẻ với VnBusiness, chuyên viên tư vấn của một công ty chứng khoán lớn đưa ra ý kiến về đà giảm mạnh trong phiên ATC ngày 17/10. Đầu tiên là liệu có phải việc bán do giải chấp tài khoản margin cao hay không: TTCK 2 tuần gần đây chủ yếu tăng và chỉ đúng phiên 16/10 là giảm nhẹ, nên việc force sell (bán giải chấp) những phút cuối trong phiên 17/10 nhóm tài khoản margin cao là phi lý. Theo thông tin nhận được, chuyên viên này cho biết không thấy bên cho vay margin cao nào bán giải chấp.
Tiếp đó là sau 14h45, hàng loạt thông tin liên quan khả năng phá sản của một số doanh nghiệp được tung ra, đồng thời là những đồn đoán cá nhân xảy ra vấn đề. Từ đó đưa ra 2 giả định: Một là có tin gì đó thật và một vài “cá mập” biết cụ thể nên bán ra ngay phiên ATC. Hai là không có tin gì, đơn giản chỉ là nhóm “cá mập” lợi dụng thị trường thanh khoản thấp đã “short” (bán khống) trước và bán dần từ sau 14h kéo đến ATC.
“Lượng bán lớn ở phiên ATC, một phần sẽ kê lệnh mua ở vùng giá thấp để khớp sẵn phiên sau đó, phần còn lại có thể mua bù ở 1-2 phiên sau đó. Với nhiều tin đồn cùng tâm lý thận trọng như hiện tại thì “cá mập” này có thể gom lại cổ phiếu giá thấp, cũng như có một phần lợi nhuận từ việc “short” phiên 17/10”, chuyên viên này phân tích.
Tất nhiên, đó chỉ là giả định của một người theo dõi TTCK lâu năm và nhiều nhà đầu tư thâm niên khác cũng có góc nhìn tương tự.
Thực tế, diễn biến trong phiên ATC vẫn là chủ đề “nóng” trong những năm qua của giới đầu tư. Không thể phủ nhận có những thời điểm VN-Index giảm mạnh trong gần như cả phiên, nhưng đến phiên ATC lại bất ngờ phục hồi mạnh, kéo xanh thị trường lúc đóng cửa. Do đó, phiên ATC tác động đến TTCK cả theo hướng tích cực và tiêu cực.
Tuy vậy, những lần giảm điểm vì phiên ATC vẫn luôn gây bức xúc, hoang mang cho nhà đầu tư. Bởi lẽ chỉ trong 15 phút ngắn ngủi, họ chỉ có thể ngồi nhìn bảng điện và giá cổ phiếu của mình giảm mạnh trong sự “bất lực” mà không rõ lực bán từ đâu ra.
Trên các diễn đàn, hội nhóm về đầu tư chứng khoán, những phiên tăng giảm mạnh về cuối phiên luôn được bàn luận sôi nổi. Và trong những “cú sập” của TTCK, phiên ATC luôn được xem là “tội đồ”, trở thành sự giải thích cho nhịp giảm. Không ít nhà đầu tư cho rằng việc bị “đạp” trong phiên ATC làm méo mó mức giá và kiến nghị loại bỏ phiên ATC.
Nhìn lại quá khứ, không thiếu những phiên "sập ATC", dù mức độ giảm hiếm khi lớn như phiên 17/10 vừa qua.
Chẳng hạn, phiên 14/6/2023, hàng loạt cổ phiếu vốn hoá lớn bị ép xuống khiến VN-Index đang tăng 3,13 điểm thành giảm 5,04 điểm. Ở phiên này, khối ngoại cũng đẩy mạnh việc mua vào giống như phiên 17/10/2023.
Hoặc như phiên 29/12/2022, bối cảnh thanh khoản thấp trở thành điều kiện thuận lợi cho sự biến động có tính bất thường của VN-Index. Chỉ trong phiên ATC và hơn 10 phút trước đó, VN-Index đã mất tới 1,24% giá trị.
Hay trong phiên 17/6/2021, thị trường chứng kiến sự sụt giảm đầy bất ngờ cuối phiên khi nhiều cổ phiếu trong nhóm VN30 đảo chiều từ tăng thành giảm so với giá tham chiếu. Đáng chú ý, đây là một phiên đáo hạn phái sinh. Và trước đó, không ít ngày đáo hạn phái sinh ghi nhận biến động bất thường trong phiên ATC, điển hình như ngày 21/11/2019 hay ngày 19/4/2018 đều giảm rất mạnh.
Có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho các cú "sập ATC". Phổ biến nhất là thị trường bị chi phối để phục vụ cho hoạt động đáo hạn phái sinh. Nguyên nhân này phần lớn được giới đầu tư đồng thuận nếu phiên "sập ATC" diễn ra ngay trong ngày đáo hạn phái sinh.
Bên cạnh đó, cổ phiếu có thể bị "xả" trong phiên ATC bởi áp lực bán từ các tổ chức lớn. Chẳng hạn như hoạt động bán giải chấp cổ phiếu hoặc như trường hợp ngày 17/10/2023 lan truyền thông tin chưa kiểm chứng rằng các "kho" bán tháo cổ phiếu để tránh bị thanh tra.
Ngoài ra, giá cổ phiếu cũng dễ bị chi phối hơn trong các giai đoạn thị trường có thanh khoản thấp.
Theo các chuyên gia, nhìn chung, trên TTCK, những biến động ngắn hạn không phải là một điều quá quan trọng nếu đó không phải thuộc một xu hướng lớn. Song, những biến động mang tính đột biến, ngắn hạn trên thị trường cho dù đã có nhiều lý do viện dẫn vẫn cần được chú ý xem xét, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, từ đó góp phần nâng cao tính minh bạch, tạo nên sự phát triển bền vững của TTCK.
Hải Giang