Kết thúc tuần giao dịch 27/2-3/3, VN-Index giảm 14,79 điểm xuống 1.024,77 điểm, giảm 1,4% so với tuần trước đó. Giá trị giao dịch bình quân cả tuần trên cả 3 sàn giảm 32,4% chỉ còn 8.739 tỷ đồng/phiên. Như vậy, VN- Index đã có tuần giảm thứ 2 liên tiếp với mức thanh khoản thấp nhất kể từ giữa tháng 11/2020, khiến thành quả phục hồi từ đầu năm đã bị “cuốn trôi”.
Tia sáng cuối đường hầm
Đáng chú ý, trong hai phiên cuối tuần (2-3/3), thị trường điều chỉnh mạnh sau thông tin Bộ Xây dựng sẽ tạm ngừng đề xuất gói hỗ trợ 110.000 tỷ đồng và những tin tức kém tích cực liên quan nhóm bất động sản - ngân hàng.
Chuyên gia cho rằng, những quy định mới từ Nghị định 08 chỉ là một điểm sáng để giải toả bớt những điểm nóng của thị trường bất động sản chứ khó kỳ vọng thị trường có thể hồi phục ngay. |
Tuy nhiên, ngay sau đó, thông tin Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế mang tới kỳ vọng phần nào tháo gỡ một số áp lực cho TPDN. Từ đó, tác động tích cực đến thị trường chứng khoán (TTCK).
“Thông tin trên sẽ tác động tích cực đến TTCK nói chung và nhóm cổ phiếu bất động sản nói riêng. Trong ngắn hạn, nhóm cổ phiếu bất động sản sẽ phản ứng rất tích cực”, ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập FIDT cho hay.
Đúng như dự đoán, TTCK đã bùng nổ ngay từ đầu phiên sáng 6/3, nhất là nhóm cổ phiếu bất động sản khi nhà đầu tư mạnh tay giao dịch cổ phiếu với giá cao.
Mặt khác, việc lãi suất huy động đang có dấu hiệu “hạ nhiệt” cũng như kỳ vọng về chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu được nới lỏng từ quý III/2023… cũng là những tín hiệu tích cực cho TTCK.
Thực tế, ngay trong sáng 6/3, hàng loạt ngân hàng thương mại trong nước đã bắt đầu giảm lãi suất tiền gửi. Và việc đồng thuận giảm lãi suất huy động sẽ giúp các ngân hàng thương mại giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
“Lãi suất giảm sẽ thúc đẩy dòng tiền chuyển sang cổ phiếu”, ông Michael Kokalari, CFA Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường Vincapital cho hay.
Một điểm sáng nữa đó là liên quan đến giao dịch của khối ngoại. Hiện tại, nhà đầu tư ngoại đã có 3 tuần liên tiếp bán ròng trên TTCK Việt Nam, trong khi từ cuối năm 2022 đến nay, khối này được thị trường kỳ vọng là lực đỡ cho VN-Index. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư nội hoang mang trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, thông tin mới đây cho thấy, TTCK Việt Nam sắp có thêm một ETF mô phỏng theo rổ chỉ số hút khối ngoại bậc nhất thị trường. Theo đó, sự xuất hiện của ETF MAFM VNDIAMOND được kỳ vọng sẽ mang đến thêm sự lựa chọn cho nhà đầu tư, đồng thời sẽ tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường chứng chỉ quỹ ETF. Điều này được kỳ vọng sẽ góp phần giúp làn sóng ETF trở nên bùng nổ hơn trong thời gian tới.
Khó kỳ vọng hồi phục ngay
Dù vậy, ông Bùi Tiến Đức, Trưởng phòng tư vấn đầu tư Mirae Asset vẫn đưa ra lưu ý với nhà đầu tư. Đó là những quy định mới từ Nghị định 08 chỉ là một điểm sáng để giải toả bớt những điểm nóng của thị trường bất động sản chứ khó kỳ vọng thị trường có thể hồi phục ngay.
Theo phân tích của ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings, nhìn chung, Nghị định 08 sẽ mang tới tích cực nếu trái phiếu phát hành có chất lượng hơn và minh bạch hơn để giúp nhà đầu tư cá nhân quay lại. Đồng thời, giảm bớt phần nào áp lực cho thị trường trái phiếu thời gian tới. Song, để gỡ bỏ hoàn toàn nút thắt thì vẫn cần thêm nhiều giải pháp.
Cụ thể, Giám đốc FiinRatings kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai không hạ nhóm nợ đối với TPDN do ngân hàng cấp tín dụng nữa thì cũng sẽ là điều tích cực cho vấn đề TPDN và tín dụng bất động sản.
Bên cạnh đó, ông Thuân cũng kỳ vọng pháp lý dự án được tháo gỡ để thuận lợi cho ngân hàng tái tài trợ, tái cơ cấu/kéo dài 2 năm, huy động mới/phát hành TPDN trở lại, chuyển nhượng, M&A ... để khối lượng 400 nghìn tỷ TPDN bất động sản được "hạ cánh mềm".
Điều này hạn chế tác động chéo thêm đến ngành ngân hàng và thị trường tài chính - chứng khoán và có thể đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 và 2024.
“Đây là một trong những thông tin tích cực cho TTCK trong thời gian tới. Tuy nhiên, để giải quyết được triệt để vấn đề trái phiếu cần thêm những giải pháp như trên, đặc biệt là sự đồng điệu từ phía Ngân hàng Nhà nước”, ông Thuân nhấn mạnh.
Về phương diện lãi suất huy động có dấu hiệu đảo chiều, VNDirect cho rằng mức giảm sẽ không lớn bởi khả năng cao Ngân hàng Nhà nước sẽ phải giữ nguyên lãi suất điều hành do áp lực tỷ giá và lạm phát vẫn hiện hữu, tăng trưởng tín dụng được định hướng ở mức cao 14% đòi hỏi các ngân hàng sẽ phải cân đối nguồn vốn.
Và nếu so với tỷ suất thu nhập trên giá (E/P) của VN-Index hiện là 8,4% (chưa bao gồm tỷ suất cổ tức là 1,7%) thì lãi suất tiền gửi của một số ngân hàng nhỏ ở khoảng 9,5% là tương đối hấp dẫn cùng với rủi ro rất thấp.
“Trong bối cảnh thị trường cổ phiếu, trái phiếu, và bất động sản vẫn tồn tại những rủi ro nhất định thì tiền gửi ngân hàng vẫn sẽ là lựa chọn ưu tiên cho những nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp và có nhu cầu thường xuyên/ngắn hạn về dòng tiền. So với lãi suất huy động hiện tại, TTCK vẫn chưa phải là kênh đầu tư hấp dẫn”, VNDirect đánh giá.
Tương tự, dù cho rằng lãi suất giảm sẽ thúc đẩy dòng tiền chuyển sang cổ phiếu nhưng ông Michael Kokalari nhìn nhận, lượng tiền gửi có thể khó giảm nhiều vào năm 2023. Cho nên, khó có thể kỳ vọng sẽ có dòng tiền lớn chảy vào TTCK.
Hải Giang