Điển hình, trong nhóm VN30, cổ phiếu NVL (Novaland) tăng trần lên 11.050 đồng/cp và cổ phiếu PDR (Bất động sản Phát Đạt) cũng tăng trần lên 11.200 đồng/cp. Trong khi đó, họ nhà “Vin” như cổ phiếu VHM (Vinhomes) tăng 1.900 đồng/cp lên 42.850 đồng/cp, cổ phiếu VRE (Vincom Retail) tăng 1.000 đồng/cp lên 27.000 đồng/cp.
Không chỉ vậy, nhiều “cổ đất” quy mô vừa và nhỏ như: DXG (Đất Xanh), NHA (Phát triển nhà và đô thị nam Hà Nội), DIG (DIC Corp), LDG (Đầu tư DLG), HQC (Địa ốc Hoàng Quân), SCR (Địc ốc Sài Gòn Thương Tín)… đồng loạt tăng trần. Sắc xanh cũng tìm đến những cổ phiếu khác như HPX (Hải Phát), DLG (Đức Long), CEO (Tập đoàn CEO), NRC (Danh Khôi)…
Trước đó, ngay từ đầu phiên giao dịch, nhóm cổ phiếu bất động sản (BĐS) đã có diễn biến tích cực khi nhà đầu tư mạnh tay giao dịch cổ phiếu với giá cao.
Theo đánh giá, nhóm cổ phiếu BĐS đồng loạt tăng trần sau khi giới đầu tư đón thông tin Nghị định số 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực hôm 5/3 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Cụ thể, Nghị định 08 của Chính phủ cho phép doanh nghiệp thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác, kéo dài kỳ hạn thêm 2 năm, hủy bỏ quy định xếp hạng tín nhiệm đơn vị phát hành và người mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp… được kỳ vọng sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp ấm trở lại, doanh nghiệp BĐS giảm áp lực trả nợ đến hạn... Từ đó, tác động tích cực đến thị trường chứng khoán (TTCK) nói chung và nhóm cổ phiếu BĐS nói riêng.
Trước đó, ông Ma Kha - Trưởng phòng tư vấn đầu tư Mirae Aseet cho rằng, Nghị định 08 sẽ có sự hưởng ứng rất lớn đến nhóm BĐS, vì đây là nghị định của Chính phủ tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp. Khả năng sẽ có “sóng T+” cho nhóm cổ phiếu BĐS trong vài phiên tới. Tuy nhiên, trong dài hạn vẫn cần chờ tác động của những quy định này đến từng doanh nghiệp.
Tương tự, ông Huỳnh Minh Tuấn - Nhà sáng lập FIDT, cũng đánh giá thông tin này sẽ tác động tích cực đến TTCK nói chung và nhóm cổ phiếu BĐS nói riêng. Trong ngắn hạn, ông Tuấn dự đoán nhóm cổ phiếu BĐS sẽ phản ứng rất tích cực vì đang “nắng hạn” lại gặp “mưa rào”.
Tuy nhiên, trong dài hạn vẫn còn nhiều khó khăn chưa được tháo gỡ. Trong thời gian tới, chuyên gia này cho rằng nhiều doanh nghiệp BĐS cũng có khả năng bị thải loại rất lớn và Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cũng đã nêu rõ điều đó. Trong tương lai, BĐS sẽ không phát triển ồ ạt mà sẽ đi vào chiều sâu, đi vào nhu cầu thực.
Đặc biệt, ông Tuấn nhấn mạnh câu chuyện pháp lý cũng là vấn đề chủ chốt của các doanh nghiệp BĐS. Vướng mắc mà các dự án BĐS đang gặp phải đó là phải đấu giá lại toàn bộ; cơ cấu tính quyền sử dụng đất và tái định cư. Tuy vậy, thời gian được giãn ra thêm 2 năm cũng phần nào đủ để giải quyết vấn đề pháp lý cho các doanh nghiệp BĐS. Chuyên gia này cho rằng đây cũng cũng xem như một đợt thanh lọc có chủ đích để chọn lọc những doanh nghiệp BĐS thực sự chất lượng.
Giới phân tích nhận định, hiện tại nhóm cổ phiếu BĐS đang trong quá trình tạo đáy và quá trình này có thể kéo dài vài quý. Đây cũng là cơ hội tốt để nhà đầu tư tạo bộ lọc lựa chọn những doanh nghiệp chất lượng.
Về tiêu chí lựa chọn cổ phiếu BĐS trong thời điểm này, các chuyên gia đưa ra 3 gợi ý. Đó là sản phẩm và năng lực bán hàng; những doanh nghiệp có sức khoẻ tài chính lành mạnh, giảm đòn bẩy về mức an toàn sẽ là sự lựa chọn tốt; quỹ đất sạch để có thể triển khai các dự án mới trong tương lai và chiến lược bán hàng.
“Với hơn 6 triệu nhà đầu tư cá nhân, trong đó gần 80% là đầu cơ thì nhóm BĐS vẫn có sức hấp dẫn đặc biệt dù sự biến động rất lớn. Dù vậy, nhà đầu tư cần nhớ tham gia cổ phiếu BĐS trong thời điểm này phải am hiểu rất sâu trong lĩnh vực này và cũng không phải doanh nghiệp nào cũng đầu tư được”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Châu Giang