Theo thống kê, khối ngoại đã bán ròng xuyên suốt 8 tháng gần nhất. Riêng trong tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 3.500 tỷ đồng trên toàn thị trường. Luỹ kế 11 tháng đầu năm 2023, giá trị bán ròng đạt hơn 15.000 tỷ đồng, trong đó giá trị bán ròng trên sàn HoSE ghi nhận hơn 17.000 tỷ đồng.
Giá trị bán ròng hơn 15.000 tỷ đồng trong 11 tháng
Ngược thời gian, trong năm 2022, khối ngoại đã trở lại mua ròng gần 26.700 tỷ trên HoSE, trở thành một trong những động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy VN-Index đi lên. Tuy nhiên, bước sang 2023, đà bán miệt mài của nhà đầu tư ngoại khiến thị trường mất đi lực đỡ quan trọng. Ngay cả trong những nhịp điều chỉnh mạnh, sức mua của nhà đầu tư ngoại cũng tương đối yếu ớt và nhanh chóng quay trở lại bán ròng ngay khi thị trường có dấu hiệu hồi phục.
Luỹ kế 11 tháng đầu năm 2023, giá trị bán ròng của khối ngoại đạt hơn 15.000 tỷ đồng, trong đó giá trị bán ròng trên sàn HoSE ghi nhận hơn 17.000 tỷ đồng. |
Có thể thấy, áp lực bán ròng này một phần đến từ xu hướng rút vốn đang diễn ra trên một số quỹ ETF lớn. Điển hình là bộ đôi DCVFM VNDiamond ETF (FUEVFVND) và DCVFM VN30 ETF (E1VFVN30) của Dragon Capital đều bị nhà đầu tư Thái Lan xả hàng mạnh qua chứng chỉ lưu ký (DR). Tính đến cuối tháng 11, lượng chứng chỉ quỹ FUEVFVND trong tay người Thái đã giảm khoảng 21,4 triệu đơn vị so với đỉnh điểm hồi giữa tháng 2. Tương tự, nhà đầu tư Thái Lan đã bán ròng hơn 56 triệu chứng chỉ quỹ E1VFVN30 từ đầu năm 2023.
Bên cạnh đó, hoạt động thoái vốn của những tổ chức nước ngoài là cổ đông lớn/cổ đông chiến lược tại doanh nghiệp cũng là yếu tố khiến đà bán ròng của khối ngoại tăng cao. Một số cổ phiếu bị bán ròng mạnh gắn với hoạt động này có thể kể đến như EIB với hoạt động thoái vốn từ Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - cổ đông chiến lược từ năm 2007; cổ phiếu MWG với một phần áp lực bán ra từ các nhóm quỹ như Dragon Capital, Arisaig Partners, hay VNZ với việc VNG Limited - tổ chức có liên quan tới người sáng lập VNG Lê Hồng Minh thoái vốn…
Ngoài ra, do định giá chưa thực sự hấp dẫn là một trong những nguyên nhân khiến khối ngoại đắn đo trong việc “gom hàng”.
Chưa kể, những lo ngại về sự ảnh hưởng của các sự kiện quốc tế như chính sách của Fed, biến động của lãi suất, tỷ giá leo thang, giá dầu… hay như việc Việt Nam đi ngược thế giới trong điều hành lãi suất có thể khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài trở nên thận trọng hơn.
Nhìn chung, giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm chưa tới 10% giá trị giao dịch toàn thị trường nhưng động thái bán ròng liên tục của khối ngoại phần nào vẫn có những tác động tương đối tới tâm lý chung của nhà đầu tư nội nhỏ lẻ. Dù vậy, tâm lý của nhà đầu tư nội dường như đang ngày càng vững vàng hơn trước sóng gió này.
VN-Index vẫn vững vàng trước đà bán ròng đột biến
Quan sát 3 phiên thị trường gần nhất (4, 5 và 6/12), VN-Index ghi nhận đà hồi phục mạnh mẽ, thậm chí giao dịch tỷ USD đã xuất hiện trở lại, điểm trừ là khối ngoại vẫn tiếp đà bán ròng.
Đáng chú ý, trong phiên 5/12, khối ngoại đã bất ngờ bán ròng hơn 1.600 tỷ đồng, mạnh nhất trong gần 11 tháng (kể từ ngày 13/1). Tính từ đầu năm 2023, đây là phiên thứ 4, khối ngoại ghi nhận mức bán ròng trên 1.000 tỷ đồng. Đây cũng là phiên bán ròng thứ 5 liên tiếp của khối ngoại. Tuy nhiên, dòng tiền mạnh mẽ từ khối nội đã “cân” được hết lượng bán ròng mạnh mẽ này, đưa VN-Index kết phiên trong sắc xanh tích cực.
Còn nhớ, giai đoạn năm 2020-2021, khối ngoại liên tục bán ròng nhưng thị trường vẫn đi lên mạnh mẽ nhờ sự trỗi dậy của dòng vốn nội, VN-Index liên tục chinh phục những đỉnh cao mới.
Trở lại hiện tại, nhiều ý kiến cho rằng đà bán ròng của khối ngoại là không đáng lo, song cũng không phủ nhận động thái kém phần tích cực của khối ngoại vẫn có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường trong ngắn hạn.
“Dự báo khối ngoại sẽ khó bán ròng hơn 1.000 tỷ khớp lệnh trong những phiên tới. Tuy nhiên, khả năng bị bán vài trăm tỷ mỗi phiên vẫn khá hiện hữu. điều này có thể tạo áp lực nhất định lên thị trường”, Chứng khoán Mirae Asset nhận định.
Xét về dài hạn, tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết trên nền tảng vĩ mô ổn định được kỳ vọng sẽ dần cải thiện sức hấp dẫn của chứng khoán Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Thêm nữa, triển vọng nâng hạng ngày càng rõ ràng với nỗ lực của cơ quan quản lý và các thành viên thị trường được kỳ vọng sẽ góp phần thu hút khối ngoại trong tương lai.
Một thông tin đáng chú ý, mới đây, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương vừa chủ trì cuộc họp trao đổi giải pháp liên quan đến nội dung ký quỹ trước giao dịch với nhà đầu tư nước ngoài.
Đây là một biện pháp quan trọng để thuyết phục các tổ chức xếp hạng trong tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi.
Hiện nay, Thông tư 120 của Bộ Tài chính quy định giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài vận hành theo mô hình "pre-funded market", đồng nghĩa nhà đầu tư chỉ được giao dịch khi đã ký quỹ đủ 100% tiền/chứng khoán trên tài khoản giao dịch.
Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này đã trở thành rào cản với nhà đầu tư nước ngoài bởi chứng khoán/tiền sau khi khớp lệnh đã trở thành tài sản đảm bảo giao dịch. Hầu hết các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới hiện không yêu cầu nhà đầu tư phải ký quỹ đủ 100% trước khi giao dịch. Do đó, việc sửa đổi nội dung liên quan đến ký quỹ với nhà đầu tư nước ngoài là điều rất cần thiết nhằm thu hút dòng vốn ngoại vào thị trường.
Trước đó vào cuối tháng 10/2023, Reuters cho biết, Việt Nam đang có kế hoạch nới lỏng các thủ tục thanh toán trên thị trường chứng khoán cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đây được xem là một biện pháp quan trọng để thuyết phục các tổ chức xếp hạng trong tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên mới nổi, từ đó có thể thu hút hàng tỷ USD vốn đầu tư mới chảy vào.
Hải Giang