Thanh khoản trên thị trường chứng khoán (TTCK) sôi động lại kể từ tháng 7, dòng tiền đã luân chuyển tìm kiếm cơ hội ở các nhóm ngành như xây dựng, dầu khí, bất động sản khu công nghiệp,…
Nhiều dư địa tăng trưởng
“TTCK đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, điều này có nghĩa định giá thị trường đang hấp dẫn và có nhiều dư địa tăng trưởng”, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS nhận định.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường đang có nhiều dư địa tăng trưởng (Ảnh minh họa) |
Có thể thấy, trong 2 tuần qua đã có những cuộc bứt phá mạnh mẽ từ giá cổ phiếu, giá trị thanh khoản và số lượng gia nhập của nhà đầu tư mới.
Những phiên giao dịch tỷ USD đã xuất hiện đều đặn trở lại tương tự giai đoạn năm 2022. Trong khi vài tháng trước đó, mức thanh khoản 5.000 - 7.000 tỷ đồng là phổ biến. Sự hưng phấn của thị trường đang tạo ra kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ tăng lên 1.300 điểm trong thời gian tới.
Giới phân tích nhìn nhận, với 4 lần giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thúc đẩy các nhà đầu tư chuyển tiền từ tài khoản tiết kiệm sang chứng khoán, dòng tiền mới đã làm cho thị trường đi lên. Ngoài ra, với môi trường lãi suất thấp, chi phí vay của doanh nghiệp không còn quá đắt đỏ, khiến giá thành sản xuất tối ưu hơn, thúc đẩy doanh thu và tạo ra tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, khi lãi suất giảm, nền kinh tế có xu hướng được kích thích tăng trưởng, người dân có nhiều nhu cầu chi tiêu hơn. Những điều này đang phản ánh lên kỳ vọng giá trị của các cổ phiếu theo xu hướng tăng trưởng.
Theo ông Trần Thăng Long, Giám đốc phân tích, Chứng khoán BIDV (BSC), với những diễn biến vĩ mô tích cực như Chính phủ đang tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững; NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; tiêu dùng nội địa phục hồi nhờ các chính sách kích cầu... đang giúp TTCK Việt Nam tăng trưởng hơn 20% so với đầu năm.
“Thông thường, TTCK sẽ có xu hướng đi trước nền kinh tế 1-3 quý. Do đó, TTCK đã đi qua vùng khó khăn nhất và đang kỳ vọng có những bước phục hồi tốt hơn vào 2 quý cuối năm 2023 và đầu năm 2024”, ông Long nói.
TS Hồ Quốc Tuấn, giảng viên cao cấp Đại học Bristol (Anh) cho rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã không còn quá bi quan như trước. Kinh tế Mỹ được nhận định không rơi vào suy thoái mà vẫn tăng trưởng, kinh tế châu Âu cũng đã thoát khỏi tăng trưởng âm. Đây là những thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam nên sẽ giúp các doanh nghiệp tăng đơn hàng, sản xuất hoạt động mạnh trở lại, qua đó giúp kích thích nền kinh tế.
“Chúng ta đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất về vĩ mô và bây giờ là thời điểm đi lên… Việt Nam không những đang trở thành điểm sáng về đầu tư mà còn thúc đẩy được dòng vốn quốc tế vào. Khi dòng vốn quốc tế vào, TTCK sẽ còn lạc quan hơn”, ông Tuấn đánh giá.
Cơ hội khi có rủi ro điều chỉnh
Theo một số chuyên gia, với diễn biến hiện tại, VN-Index có dư địa tăng lên vùng 1.280-1.320 điểm, tuy nhiên trong quá trình đi lên sẽ xuất hiện rung lắc, và đây là điều tất yếu.
“Một chu kỳ mới trên TTCK đã hình thành, rung lắc là khó tránh khỏi khi chỉ số chung đã tăng hơn 20%”, bà Lương Thị Duyên, chuyên viên phân tích và tư vấn đầu tư tại HSC nhận định.
Thực tế, sau 7 tháng đầu năm, VN-Index đã tăng 23%, trong khi lợi nhuận các doanh nghiệp trên sàn trong nửa đầu năm lại giảm 10%. Theo đó, P/E toàn thị trường hiện đạt khoảng 15-16 lần, tiệm cận mức P/E trung bình của TTCK Việt Nam trong nhiều năm.
“Đa số các nhóm ngành đang giao dịch ở P/E vượt mức 3 năm gần nhất, điều này cho thấy nhà đầu tư đang trả mức P/E cao so với các nhóm ngành do kỳ vọng về tăng trưởng trong tương lai”, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc phân tích, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận xét.
Tuy nhiên, nhìn từ góc độ kỹ thuật, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Chứng khoán Maybank Investment Bank Phan Dũng Khánh đánh giá, chỉ số VN-Index đang tiến vào vùng kháng cự khá quan trọng 1.230 - 1.250 điểm. Ở vùng kháng cự rất mạnh này cần dòng tiền mạnh hơn hoặc cần sự điều chỉnh nhất định của thị trường thì xu hướng mới ổn.
Trong báo cáo chiến lược TTCK tháng 8/2023 vừa công bố, Chứng khoán DSC (DSC) chỉ ra, kết quả kinh doanh quý II/2023 của đa phần doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng âm. Đà tăng của thị trường phần lớn dựa trên kỳ vọng, đẩy định giá vào vùng “quá mua” và khiến cơ hội đầu tư dựa trên định giá “rẻ” thu hẹp.
Theo DSC, sự phục hồi của vĩ mô và tăng trưởng của doanh nghiệp trong quý III/2023 là chưa rõ ràng, do đó thị trường cần bước vào “nhịp nghỉ ngơi” trước khi bước sang chu kỳ tìm kiếm cơ hội đầu tư tăng trưởng mới.
DSC cho rằng, giai đoạn hiện tại có nhiều yếu tố không thuận lợi cho thị trường như trong giai đoạn Covid.
Cụ thể, tỷ giá vẫn chịu áp lực nhất định do chênh lệch lãi suất trong nước và thế giới, thị trường trái phiếu kém sôi động, thị trường bất động sản ảm đạm, lãi suất toàn cầu vẫn ở mức cao, lạm phát toàn cầu đã giảm nhưng vẫn cao hơn trong đại dịch.
“Nhà đầu tư giao dịch cẩn trọng hơn, tập trung vào 4 tiêu chí: Đa dạng hóa danh mục, lựa chọn cổ phiếu nền tảng cơ bản tốt, không mua đuổi và luôn giữ một lượng tiền mặt (20%) để sẵn sàng tham gia khi thị trường điều chỉnh”, DSC khuyến nghị.
Nhìn chung, không chỉ các chuyên gia mà ngày càng nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng đánh giá thị trường đang ở trong chu kỳ mới, chu kỳ tăng trưởng và đây mới chỉ là giai đoạn đầu của chu kỳ. Dù rằng không nên sợ hãi trước mỗi đợt rung lắc của thị trường nhưng nhà đầu tư cũng lưu ý tránh hiệu ứng FOMO. Bởi các thông tin trái chiều sẽ tiếp tục tạo ra “điểm xoáy”, ở đó có rủi ro, nhưng cũng là cơ hội để mua cổ phiếu giá tốt khi kiên nhẫn chờ đợi.
Hải Giang