Theo báo cáo của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ước tính với tốc độ tăng trưởng hiện tại và trần tín dụng cho từng ngân hàng, tăng trưởng tín dụng cả năm 2019 chỉ có thể đạt 13,2%. Thực tế đây không phải là điều quá ngạc nhiên bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang cố gắng duy trì một mức tăng trưởng tín dụng hợp lý và thấp hơn chỉ tiêu cho năm 2019 là 14%.
Lo dòng tiền chuyển hướng
Theo VDSC, kết quả tăng trưởng tín dụng thấp hiện nay chủ yếu đến từ khối ngân hàng TMCP nhà nước gồm BIDV, VietinBank và Agribank.
Các chuyên gia phân tích một mặt các ngân hàng TMCP như VIB, TPBank, VPBank hay MB đều ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng tiến sát mức trần tín dụng cho phép của NHNN. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của BIDV và VietinBank chỉ đạt 8,6% và 3,2%, cách xa so với mục tiêu đầu năm, lần lượt 12% và 7%. Hiện, NHNN đang xem xét tạm thời chuyển tăng trưởng tín dụng từ các ngân hàng như VietinBank, Agribank sang cho khối cổ phần.
Sự chuyển dịch này chỉ có thể áp dụng trong những tháng còn lại của năm và với những ngân hàng cổ phần đã áp dụng Basel II cũng như kiểm soát tốt việc sử dụng vốn vay.
Động thái này đã làm dấy lên lo ngại nếu thật sự diễn ra có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến các cổ phiếu ngân hàng trong bối cảnh dòng tiền trên thị trường chứng khoán (TTCK) ở mức thấp như hiện nay. Trong khi nhóm ngân hàng đang đóng vai trò dẫn dắt các chỉ số thị trường từ nay đến cuối năm.
Bởi lẽ, dưới áp lực kiểm soát tín dụng, khó khăn trong công tác tiếp cận vốn, các doanh nghiệp (DN) sẽ có xu hướng đẩy mạnh phát hành trái phiếu với lãi suất cạnh tranh để huy động vốn. Theo đó, dòng tiền sẽ bị hút từ cổ phiếu sang trái phiếu.
Điều này có thể làm giảm giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán nếu trái phiếu đó có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu khiến TTCK sẽ rơi vào tình trạng thái khó khăn kéo dài.
Những năm trước đây, khi chính sách tín dụng thắt chặt, nếu TTCK còn tăng trưởng, các nhà đầu tư vẫn đặt niềm tin lớn vào cổ phiếu, các DN vẫn có cơ hội phát hành riêng lẻ để huy động hoặc chào bán lần đầu ra công chúng (IPO).
Tuy nhiên, từ năm 2019, TTCK đã bắt đầu ảm đạm, nên DN cũng gặp khó khăn huy động vốn qua kênh này.
Trong những phiên giao dịch vừa qua, thị trường đã có đà bứt phá mạnh nhưng chủ yếu dựa vào lực tăng của các mã lớn như “bộ ba Vingroup”, MSN (Masan), VCB (Vietcombank)… với thông tin hỗ trợ là mua vào hàng chục triệu cổ phiếu quỹ.
Tuy nhiên, do các nhà đầu tư nước ngoài đã có động thái bán ròng trong 3 tháng gần đây vẫn khiến các nhà đầu tư e ngại.
![]() |
Áp lực siết tín dụng có thể khiến dòng tiền chuyển từ cổ phiếu sang kênh trái phiếu |
Vẫn còn những cơ hội riêng
Từ những khó khăn nêu trên, lo ngại về việc cổ phiếu bị ảnh hưởng kéo theo tình trạng khó khăn của TTCK là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, trong bối cảnh thắt chặt tín dụng, mặt bằng lãi suất tăng, rủi ro kinh tế toàn cầu thì mỗi ngân hàng vẫn có những cơ hội riêng.
Những ngân hàng có vị thế, khả năng nắm bắt tốt các cơ hội từ hoạt động cho vay bán lẻ và các hoạt động thu nhập ngoài lãi, huy động không kỳ hạn cao để giảm chi phi vốn và chất lượng tài sản tốt hạn chế rủi ro nợ xấu tăng trên toàn hệ thống.
Vietcombank, MB, ACB và Techcombank là các ngân hàng đang đáp ứng được các yêu cầu này trong thời điểm hiện tại. Hồi cuối tháng 9, cổ phiếu MBB của MB đã được các công ty chứng khoán điều chỉnh tăng giá mục tiêu từ 23.000 đồng/cp lên 35.300 đồng/cp với mức sinh lời 67,4%.
Lý do chính là MB điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận các năm 2020- 2023 thêm lần lượt 6,8%, 13,5%, 12,8% và 10,2%.
Theo các chuyên gia, ngành ngân hàng không còn đạt đỉnh về lợi nhuận như giai đoạn năm 2017- 2018 nhưng khả năng duy trì lợi nhuận ổn định trong giai đoạn 2019-2021 là hoàn toàn có thể được.
Những nhà đầu tư ưa thích sự an toàn và dài hạn thì các cổ phiếu ngân hàng là một lựa chọn tốt trong giai đoạn thị trường chưa rõ xu hướng. Thực tế, dù thị trường trái phiếu đã bùng nổ từ đầu năm đến nay nhưng đi kèm đó cũng là những cảnh báo rủi ro đến từ các nhà điều hành.
Đã có thống kê cho rằng 70% số DN phát hành trái phiếu, sử dụng tài sản và tài sản hình thành từ nguồn trái phiếu nhưng chưa được định giá bởi tổ chức định giá độc lập và khó xác minh các tranh chấp pháp lý.
Đặc biệt, tới đây, sự ra mắt của 2 bộ chỉ số mới là Diamond Index và Financial Index sẽ giúp các mã hết room ngoại như FPT, MWG và nhóm tài chính như TCB, VPB, MBB… có “sân chơi” mới, dòng tiền cũng chủ động tìm kiếm cơ hội riêng.
Bên cạnh đó, nhiều mã có kết quả kinh doanh quý IV dự báo tích cực cũng đang giao dịch với thanh khoản cải thiện, dù giá chưa tăng nhiều.
Các chuyên gia phân tích thị trường khuyến cáo nhà đầu tư nên theo dõi các cổ phiếu được định giá thấp, có kết quả kinh doanh quý IV tốt và nắm vững diễn biến giá để chọn thời điểm mua thích hợp.
Linh Đan