Thực tế, không ít công ty khởi nghiệp (startup) Việt Nam đã theo đuổi mục tiêu phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) nhằm huy động được nguồn vốn lớn để sớm bứt phá trở thành công ty kỳ lân với mức vốn hoá tỷ USD.
Sàn khắt khe
Trong những ngày gần đây, câu chuyện CTCP Tiki (ứng dụng thương mại điện tử Tiki)-một startup công nghệ của Việt Nam lập pháp nhân mới ở Singapore được đồn đoán là để chuẩn bị cho bước IPO thông qua SPAC lại khiến câu chuyện tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp “lớn” trên “sân nhà” nóng trở lại.
Trước đó, đã có nhiều startup của Việt Nam tìm đường đăng ký ở nước ngoài như Base, Cốc Cốc, Luxstay, Telio, Topica, Vntrip OTA.
IPO mở ra cho startup cơ hội tiếp cận được với nguồn vốn lớn. |
Theo TS Võ Đình Trí – Đại học kinh tế Tp.HCM, IPAS Business School Paris AVSE Global, có nhiều lý do để startup Việt tìm đường đăng ký ở thị trường nước ngoài như Singapore, Hongkong vì cơ hội gọi vốn, các chính sách ưu đãi, hệ sinh thái cho doanh nghiệp ở những nơi này rất phát triển và hoàn chỉnh.
Bởi lẽ, một startup đến giai đoạn phát triển nhanh không chỉ cần vốn, mà còn nhiều vấn đề đòi hỏi phải có đội ngũ tham vấn ở mức độ chuyên nghiệp rất cao.
Gần đây, môi trường khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam được quan tâm và đẩy mạnh, nhiều startup với các sản phẩm hay giải pháp tiềm năng cần thêm nhiều vốn để phát triển và mở rộng. Tuy nhiên, nguồn đầu tư chính cho các startup này chủ yếu vẫn là qua các quỹ đầu tư mạo hiểm các nhà đầu tư thiên thần, hay gọi vốn cộng đồng.
Thực tế, IPO là một cột mốc quan trọng, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư nhưng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, IPO vẫn là một thách thức, để đạt được mục tiêu, startup phải trải qua một hành trình tương đối “chông gai”.
Hiện, quy định niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp phải có lãi trong 2 năm, có vốn tối thiểu là 120 tỷ đồng đối với sàn HoSE, còn HNX là 30 tỷ đồng. Đây là những vấn đề được cho là khó khăn đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp bởi hầu hết đều đang thua lỗ, gặp khó về dòng tiền.
Ngay cả Tiki, dù đã có nhiều năm ôm mộng IPO nhưng tính đến hết năm 2019, công ty vẫn ghi nhận khoản lỗ luỹ kế lên tới 1.800 tỷ đồng.
Trong danh sách các startup Việt Nam có giá trị vốn hóa trên 100 triệu USD hiện nay mới chỉ có CTCP Tập đoàn Yeah1 đã niêm yết trên sàn chứng khoán và để thực hiện được hành trình này doanh nghiệp đã phải chuẩn bị tới 12 năm. Còn tập đoàn công nghệ VNG, dù khá nhiều lần “khua chiêng, đánh trống” nhưng hiện vẫn niêm yết chưa chính thức trên sàn OTC.
Hay doanh nghiệp không chịu “chuyển mình”?
Về lý thuyết, khi thành lập, các ông chủ đều mong muốn doanh nghiệp của mình có thể phát hành IPO và niêm yết trên sàn chứng khoán để “song hành” cùng các doanh nghiệp lớn. Các công ty đại chúng với thông tin được công khai và có tính tin cậy cao hơn, có thể tiếp cận với nguồn vốn rẻ.
Tuy nhiên, sự minh bạch cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đối mặt với việc những nhân sự chủ chốt, điểm yếu tài chính tạm thời có thể bị lộ và đối thủ sẽ khai thác.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ thường được điều hành như công ty gia đình, kém minh bạch, gần như không tiết lộ chi tiết tài chính hoạt động, chiến lược hoạt động cũng như các hoạt động phúc lợi…
Ngoài ra, khi IPO các startup phải xác định được khả năng tăng giá của cổ phiếu để được nhà đầu tư chú ý, bởi họ muốn cổ phiếu phải có khả năng tăng đột phá, đột biến mới xuống tiền. Nếu không làm được điều này, việc niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ mang đến tác dụng ngược, ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh doanh nghiệp.
Có thể kể đến câu chuyện của Yeah1, cổ phiếu YEG đã từng là một ngôi sao trên thị trường chứng khoán khi chào sàn với mức giá tham chiếu 250.000 đồng/cp và tăng trần liên tiếp những phiên sau đó lên mốc 340.000 đồng/cp - gần như cao nhất sàn chứng khoán thời điểm đó.
Tuy nhiên cùng với sự hân hoan của các nhà đầu tư là sự vào cuộc của những chuyên gia phân tích với những nhận định như: giá cổ phiếu quá khủng so với lợi nhuận, có bóng dáng của "đội lái", dùng chiêu đẩy giá... và những "lắt léo" trong phi vụ chuyển nhượng giữa các cổ đông cũng lần lượt phải công khai.
Dấu mốc khiến YEG từ "ngôi sao" trở thành "con ghẻ" của thị trường chứng khoán là sự cố liên quan đến Youtube ngừng hợp tác với Yeah1 khiến cổ phiếu này giảm sàn liên tiếp. Và sau rất nhiều biến cố, hiện YEG chỉ còn giao dịch tại vùng giá 15.000 đồng/cp, giảm hơn 16,66 lần so với mức giá chào sàn, đánh mất hoàn toàn niềm tin của các nhà đầu tư.
Nêu quan điểm về việc IPO của startup, một chuyên gia tài chính cho biết, các startup thường thích huy động vốn từ các công ty đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư lớn thay vì biến nó thành công ty đại chúng. Việc sử dụng nguồn vốn trên tất nhiên vẫn có kiểm soát, nhưng mấy anh em “trùm chăn vật nhau” vẫn khác so với việc có hàng trăm con mắt của cổ đông theo dõi, kiểm soát.
Cũng theo vị chuyên gia này, dù IPO giúp doanh nghiệp có cơ hội thu hút được nguồn vốn lớn cho phát triển kinh doanh nhưng nguy cơ bị thâu tóm lại luôn luôn “rình rập”, người đứng đầu doanh nghiệp có thể mất quyền điều hành và kiểm soát kinh doanh bất cứ lúc nào.
Cũng chính vì với những lý do này mà khi được hỏi về kế hoạch IPO, một số doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh khá tốt như VNPAY, MoMo... đều đưa ra câu trả lời “đó là chuyện của tương lai”.
Minh Khuê