Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp – CTCP (VEAM – mã: VEA) đã trình cổ đông thông qua việc niêm yết hơn 1,3 tỷ cổ phiếu VEA trên Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE).
Chính thức giao dịch trên UPCoM từ tháng 7/2018 với giá chào sàn 27.600 đồng/cp, dù chịu chút “sóng gió” thời điểm khi mới lên sàn nhưng VEA sau đó đã có chuỗi ngày tăng giá dài hạn, hiện đang có thị giá gần gấp đôi giá chào sàn.
Hậu quả của lãnh đạo cũ
Trong những ngày đầu tiên của tháng 8, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP và một số đơn vị thành viên”.
Đồng thời, khởi tố bị can đối với ông Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch HĐTV, nguyên Tổng giám đốc; ông Lâm Chí Quang, nguyên Tổng giám đốc; ông Vũ Từ Công, Phó tổng giám đốc; ông Nguyễn Mạnh Chung, Giám đốc công ty TNHH Máy kéo và máy nông nghiệp.
Những sai phạm tại nhiều đơn vị trực thuộc dưới thời các vị lãnh đạo vừa bị khởi tố đã hé lộ nhiều phi vụ làm ăn kiểu “ném tiền nhà nước qua cửa sổ”. Điển hình như chỉ riêng việc đầu tư, quản lý vốn tại chi nhánh VEAM ở Bắc Kạn, Nhà máy ô tô kinh doanh trong giai đoạn từ 2010 đến tháng 6/2018 đã làm mất vốn của VEAM tổng cộng hơn 331,8 tỷ đồng.
Quan ngại nhất trong những tồn tại hiện nay của đơn vị chính là việc tồn kho số lượng lớn xe tải, trị giá trên 1.200 tỷ đồng, trong đó còn một lượng lớn xe tiêu chuẩn khí thải Euro 2, khoảng 2.400 xe được sản xuất từ năm 2017 trở về trước và xe Euro 4.
Trong khi đó, việc giải quyết tình trạng tồn kho hàng nghìn xe là không đơn giản, thậm chí nguy cơ mất vốn rất lớn do xe sản xuất từ lâu, đã lỗi thời và hư hại.
Tình trạng tiêu tiền nhà nước “vô tội vạ” cũng được thể hiện qua việc cho vay tràn lan, tính lãi, gia hạn nợ gốc và giảm lãi miễn lãi không có quy định cụ thể bằng văn bản đối với các đơn vị thành viên. Một số trường hợp vay không có hợp đồng mà chỉ có giấy nhận nợ, tổng số tiền chưa thu hồi được hiện đang là 595,3 tỷ đồng.
Không những cho vay tràn lan, ban lãnh đạo VEAM còn để xảy ra các khoản nợ đọng kéo dài lên tới hàng nghìn tỷ đồng mà theo kết luận thanh tra chưa biết đến bao giờ mới thu hồi được. Những sai phạm này đã khiến VEAM rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính.
VEAM đang tồn kho hàng nghìn ô tô nhưng bế tắc hướng giải quyết |
Sẽ chuyển sàn thành công?
Dù VEAM khẳng định hoạt động không bị ảnh hưởng tiêu cực từ những thông tin về khởi tố và đang thực hiện những biện pháp đảm bảo hiệu quả hoạt động ổn định dài hạn trong tương lai, đặc biệt là liên quan đến các khoản đầu tư tài chính dài hạn, nhưng cũng không khiến nhà đầu tư khỏi lo ngại về diễn biến của cổ phiếu VEA trên sàn.
Những biến cố xảy ra đã góp phần ảnh hưởng đến thị giá của VEA trên sàn UPCoM. Trong tháng 7, cổ phiếu VEA giao dịch tích cực khi liên tiếp tăng giá đạt mức giá đỉnh 64.500 đồng/cp. Tuy nhiên, phiên giao dịch ngày 30/7 đã đánh dấu phiên giảm giá kỷ lục của VEA trong vòng gần một năm qua khi giảm tới 3.400 đồng/cp, tương đương 5,36%. Đây cũng là phiên bắt đầu cho chuỗi giảm giá từ đầu tháng 8 đến nay của VEA.
Theo đó, trong 12 phiên giao dịch vừa qua của tháng 8, VEA ghi nhận tới 7 phiên giảm giá, hiện thị giá của VEA là 51.900 đồng/cp, tương đương mức giảm 13,5%. Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao gần gấp đôi so với thời điểm một năm trước.
Liên quan đến kế hoạch chuyển sàn niêm yết sang HoSE, hồi mới lên UPCoM, VEAM cũng đã có kế hoạch chuyển sàn niêm yết nhưng bị từ chối do có các yếu tố ngoại trừ trọng yếu trong báo cáo tài chính (BCTC) đã được kiểm toán hai năm liên tiếp.
Cụ thể, tại BCTC kiểm toán công ty mẹ kỳ kế toán 2017, công ty TNHH Kiểm toán và định giá Việt Nam đưa ra ý kiến VEAM phải tiếp nhận khoản nợ phải thu khó đòi với giá trị hơn 70 tỷ đồng của Agriculture Supply Co., ltd và thỏa thuận bán nợ cho công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam, chênh lệch được bù trừ vào lợi nhuận sau thuế.
Đến ngày 6/1/2017, VEAM đã tiếp nhận khoản nợ trên, tuy nhiên khi phát hành BCTC này, VEAM vẫn chưa bán được khoản nợ nhưng đã ghi nhận vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối…
Ngoài ra, nhiều nội dung ngoại trừ khác liên quan đến nguồn vốn, các khoản chênh lệch tài sản… cũng được đơn vị kiểm toán nêu ra tại BCTC năm 2017 của VEAM.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, những nội dung này đã không còn là vấn đề cản trở việc lên sàn HoSE của VEAM. Nếu công ty đáp ứng đủ những điều kiện niêm yết thì vẫn được HoSE xem xét hồ sơ.
Chỉ khi những nội dung mà VEAM phải đáp ứng với HoSE có liên quan đến quá trình điều tra của cơ quan chức năng thì HoSE sẽ phải đợi đến khi có kết luận rõ ràng. Do đó, khả năng việc kéo dài kế hoạch chuyển sàn là hoàn toàn có thể xảy ra khi chỉ còn ít tháng nữa là kết thúc năm 2019.
Đáng chú ý, trong giai đoạn 2017-2020, Nhà nước sẽ thực hiện thoái 52,47% vốn tại VEAM, nhưng những “lùm xùm” mới đây đã ảnh hưởng đến việc chốt phương án thoái vốn, giá khởi điểm tại đơn vị này của Bộ Công Thương.
Linh Đan