Công ty Cổ phần Tập đoàn Hapaco (HAP) chuyên sản xuất giấy vệ sinh vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông năm 2023. Đáng chú ý, Hapaco đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng từ mức nền khá thấp từ năm trước.
Hầu hết kinh doanh “lẹt đẹt”
Báo cáo kiểm toán năm 2022 cho thấy, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp giảm 83% xuống 7,6 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2023, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 58,8 tỷ đồng, tăng 3,6 lần so với cùng kỳ, là mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 15 năm kể từ năm 2007.
Thị giá thấp cùng mức chi trả cổ tức cao và đều đặn là những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của cổ phiếu doanh nghiệp kinh doanh những ngành nghề “độc lạ”. |
Tương tự, CTCP Quốc tế Hoàng Gia (RIC) cũng đặt kế hoạch đầy tham vọng trong năm 2023 sau 4 năm liên tiếp thua lỗ với lợi nhuận sau thuế phấn đấu mức 1,545 triệu USD (khoảng 36,5 tỷ) - gấp 2,6 lần số lỗ hơn 60 tỷ của cùng kỳ.
Trước đó, năm 2022, công ty đã không thể hoàn thành kế hoạch đã đề ra với mức tiêu doanh thu hơn 6,3 triệu USD và lỗ sau thuế 1,58 triệu USD.
Và cũng chính bởi kinh doanh sa sút mà doanh nghiệp kinh doanh casino này nhận “án” hủy niêm yết và hiện đang trong diện kiểm soát trên sàn UPCoM.
Còn CTCP Siam Brothers Việt Nam (SBV) được biết đến là một trong những doanh nghiệp có lĩnh vực kinh doanh "độc, lạ" chuyên bán các loại dây thừng, dụng cụ ngành cá cho ngư dân, vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với doanh thu thuần giảm 10% đạt 459 tỷ đồng. Lãi sau thuế đạt vỏn vẹn 13 tỷ đồng, giảm mạnh 75% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là mức lãi thấp kỷ lục kể từ khi SBV chính thức niêm yết trên sàn vào năm 2017.
Khá khẩm hơn, nhờ kinh doanh giấy đế và vàng mã là hai sản phẩm chủ lực, Công ty Cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái (CAP) công bố báo cáo tài chính quý I niên độ 2022 - 2023 (giai đoạn 1/10 - 31/12/2022) với hơn 24 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, tăng 7,9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 20 tỷ đồng, tăng 18,3%. Trong đó, doanh thu từ kinh doanh vàng mã thu về hơn 25 tỷ đồng.
Với lĩnh vực chuyên về may xuất khẩu, Công ty xuất nhập khẩu May Phan Thiết (PTG) cũng không phải là một công ty lớn nếu xét về doanh thu. Trong suốt 5 năm gần dây, doanh thu cao nhất của công ty đạt 500 tỷ đồng vào năm 2022, và lãi ròng của năm này là 49,3 tỷ đồng.
Trong khi đó, doanh nghiệp hiếm hoi trong lĩnh vực mai táng trên sàn chứng khoán là Công ty Cổ phần Phục vụ mai táng Hải Phòng (CPH) dù quy mô không lớn nhưng được đánh giá là tốt nhờ lối đi riêng và có kết quả kinh doanh ổn định. Từ năm 2017, doanh thu của Mai táng Hải Phòng luôn duy trì đều đặn trên ngưỡng trăm tỷ đồng.
Năm 2022, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt 152 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ và lãi ròng 10,8 tỷ đồng, tăng 20%.
Dù vậy, năm 2023, công ty lại lên kế hoạch kinh doanh có phần tương đối thận trọng với doanh thu thuần dự kiến đạt 110 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 8,9 tỷ đồng, lần lượt giảm 28% và 18% so với cùng kỳ.
Hấp dẫn nhờ trả cổ tức cao và đều đặn
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, nhờ hiệu suất kinh doanh tốt với mức lãi bình quân mỗi năm gần 10 tỷ đồng, Công ty phục vụ mai táng Hải Phòng luôn có mức chi trả cổ tức đáng mơ ước và rất đều đặn cho cổ đông. Năm nào, cổ đông cũng được nhận số tiền cổ tức là 1.640 đồng/cp.
Đáng chú ý, Phục vụ mai táng Hải Phòng đã chốt quyền chi trả cổ tức cho năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ chi trả 19,6%, tương ứng với việc mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được số tiền cổ tức 1.960 đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu của CPH đã lâu chưa phát sinh giao dịch và chỉ dừng ở mức giá ghi nhận là 300 đồng/cp. Như vậy, mức cổ tức mà phía công ty chi trả đã cao hơn tới 6,5 lần so với thị giá. Hiện nay, với 4,4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính công ty sẽ chi khoảng 8,6 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức lần này. Đây cũng là mức cổ tức cao nhất mà doanh nghiệp này từng chi trả kể từ khi lên sàn.
Tương tự, nếu so với các công ty trong ngành, tỷ lệ lãi và doanh thu không cao, nhưng May Phan Thiết khá rộng rãi với cổ đông thông qua việc chi trả cổ tức. Trong 5 năm trở lại đây, May Phan Thiết luôn trả mức cổ tức là 12.000 đồng/cp. Thậm chí, May Phan Thiết chi trả cổ tức cao hơn cả lợi nhuận. Chẳng hạn, năm 2022, tổng số tiền chi trả cổ tức lên tới 60 tỷ, trong khi mức lãi chỉ là 49,3 tỷ.
Nhắc đến Siam Brothers Việt Nam, nhà đầu tư cũng ấn tượng bởi việc công ty thường xuyên chi trả cổ tức khá ổn định cho cổ đông. Trong những năm 2012, 2013, tỷ lệ chi trả cổ tức ở mức trên 50%. Năm 2017, công ty trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 15% và phát hành hơn 6,8 triệu cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 3:1. Kể từ năm 2018 - 2022, hàng năm công ty đều chi trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 12%-15%.
Nhìn chung, trong khi thị trường chứng khoán vẫn còn khó khăn và giảm điểm, việc thị giá thấp cùng tỷ lệ chi trả cổ tức cao và đều đặn của nhiều doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề “độc lạ” đang tạo sức hấp dẫn với nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc mua được những cổ phiếu này lại khó như “lên trời”.
Theo giới chuyên gia, chính việc cơ cấu cổ đông khá cô đặc đã dẫn đến việc nhiều cổ phiếu ở những công ty này ở mức giá “trà đá” nhưng cổ đông luôn nhận được cổ tức khủng.
Như theo báo cáo năm 2021, May Phan Thiết có tỷ lệ sở hữu của các cổ đông nội bộ và người thân chiếm tới 64,93%. Còn Phục vụ mai táng Hải Phòng đang được UBND Thành phố Hải Phòng nắm giữ tỷ lệ sở hữu gần 65%.
Theo đó, cổ phiếu CPH cũng chỉ có mức giá 300 đồng/cp luôn hút hàng chục triệu khối lượng đặt mua, nhưng lại không có thanh khoản.
Tương tự, dù hiệu quả kinh doanh và chi trả cổ tức tốt, nhưng giá cổ phiếu PTG chỉ là 300 đồng/cp. Tính từ đầu năm 2023 đến nay đã có hơn 42 triệu đơn vị khối lượng đặt mua nhưng không ai bán, hay nói cách khác, cổ phiếu May Phan Thiết không có thanh khoản.
Hải Giang