Mới đây, công ty con của KIDO - Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam – CTCP (Vocarimex, mã: VOC) thông báo tạm hoãn việc chi trả cổ tức đặc biệt bằng tiền cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100%, nguyên nhân là do "chưa hoàn thiện các thủ tục liên quan". Đáng chú ý, trước đó, ngày 24/2 vừa qua, công ty mẹ của Vocarimex là KIDO (KDC) cũng đã thông báo tạm hoãn chia cổ tức đặc biệt tỷ lệ 50% đã thông qua tại Nghị quyết trước đó.
Đua nhau trả cổ tức khủng
Sau màn “quay xe” của doanh nghiệp lớn này, nhà đầu tư đang “nhăm nhe” nhảy sóng cổ tức có vẻ hơi “rén” lại. Bởi thực tế cho thấy, gần đến Đại hội cổ đông 2023, khá nhiều doanh nghiệp thông báo chi trả mức cổ tức, đặc biệt là cổ tức bằng tiền “vượt trội” đã thu hút khá nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Các cổ phiếu có tỷ lệ cổ tức bằng tiền cao thường là loại khó tăng trưởng về thị giá trong dài hạn.
Điển hình, quán quân EPS sàn chứng khoán năm 2022 là CTCP Logistics Portserco (PRC) cho biết chia cổ tức tới 350% bằng tiền. Với 1,2 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Portserco dự kiến sẽ chi cho đợt cổ tức lần này số tiền 42 tỷ đồng, gấp 3,5 lần vốn điều lệ.
Việc chia cổ tức “khủng” này là điều khá bất ngờ bởi chưa năm nào Portserco chi trả cổ tức quá 20% kể từ khi lên sàn năm 2010. Động thái “dốc hầu bao” lần này diễn ra sau khi công ty ghi nhận kết quả kinh doanh đột biến trong quý IV cũng như cả năm 2022.
Nhóm ngành dược cũng ghi nhận một số gương mặt hé lộ mức chi trả hấp dẫn như: CTCP Dược phẩm Trung ương 3 (DP3) thông báo sẽ tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 80%, gấp đôi kế hoạch đề ra trước đó. Đây cũng là doanh nghiệp duy trì mức chia cổ tức bằng tiền khá cao đều đặn qua từng năm. Gần nhất từ năm 2018 đến 2022, tỷ lệ trả cổ tức của doanh nghiệp dao động trong khoảng 60-80% bằng tiền mặt trên mỗi năm.
Tương tự, Dược Hậu Giang (DHG) cũng công bố tăng tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt của năm 2022 từ 30% so với kế hoạch lên mức 35%, dự kiến sẽ chi ra gần 458 tỷ đồng chia cổ tức. Hay như Bidiphar (DBD) ước tính chi gần 150 tỷ đồng để thực hiện chi trả tỷ lệ chia cổ tức năm 2022 là 20%.
Đặc biệt, trong nhóm ngân hàng, nhiều nhà băng năm nay cũng có kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt sau nhiều năm trả bằng cổ phiếu. Có thể kể đến như: TPBank (TPB) thông báo chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 25%; Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) có kế hoạch trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 25% trong đó, dự kiến chia 10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu; VPBank (VPB) cũng dự kiến sẽ trình đại hội chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm…
Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác cũng thông báo chi trả cổ tức bằng tiền mặt từ 10 – 15% như: Sabeco (SAB); Vinamilk (VNM); Nova Consumer (NCG); Công ty CP Cơ Điện Lạnh (REE)…
Đừng để "ngộ nhận"
Nhìn chung, trong bối cảnh thị trường chứng khoán diễn biến lình xình, nhà đầu tư thường có xu hướng tìm đến các cổ phiếu phòng thủ, ổn định, trả cổ tức tiền mặt cao làm nơi trú ẩn dòng tiền. Họ tìm cách đón đầu thông tin về những doanh nghiệp sắp trả cổ tức tiền mặt để mua vào cổ phiếu và bán chốt lãi ngay sau khi được chốt quyền nhận cổ tức.
Tuy nhiên, trước sự “ngộ nhận” đối với chiến lược này, nhiều nhà đầu tư đã “tức tận cổ”. Bởi thực tế vào ngày chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức (cả cổ tức tiền mặt và cổ phiếu), giá cổ phiếu bị giảm trừ tương đương với tỷ lệ cổ tức được chia. Chưa kể cổ đông còn phải nhận 2 lần chịu thuế.
Thậm chí, ngay cả những nhà đầu tư dài hạn, tạm thời quên khoản đầu tư để nhận tỷ lệ cổ tức cao hơn lãi ngân hàng cũng có khi mắc sai lầm, bởi vài năm sau bỗng nhận thấy phần giảm của thị giá cổ phiếu còn lớn hơn nhiều so với cổ tức đã nhận được.
Có thể thấy, những doanh nghiệp chi trả cổ tức tiền mặt cao thường phải thuộc nhóm ngành có kết quả kinh doanh, nền tảng tài chính, dòng tiền tốt và chưa có kế hoạch đầu tư lớn, nhu cầu đầu tư chủ yếu là thay thế hoặc mở rộng ở quy mô vừa phải. Song cũng chính việc không có hoạt động đầu tư mới dẫn đến việc hạn chế về khả năng tăng trưởng trong tương lai. Cho nên, các cổ phiếu có tỷ lệ cổ tức bằng tiền cao thường là loại khó tăng trưởng về thị giá trong dài hạn.
Rủi ro hơn là nếu lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp chịu sự cạnh tranh khốc liệt, việc hạn chế đầu tư mở rộng có thể khiến doanh nghiệp đối mặt nguy cơ lợi nhuận chuyển từ bão hòa sang suy giảm, dòng cổ tức vì thế sẽ giảm xuống trong tương lai.
Hơn nữa, hiện nay, trên thị trường chứng khoán có một số doanh nghiệp chi trả mức cổ tức rất cao nhưng chỉ trong vòng 1-2 năm kinh doanh thuận lợi, nhưng khi bắt đầu khó khăn giá trị công ty có thể giảm nhanh chóng, lúc này nhà đầu tư đã rơi vào “bẫy cổ tức”.
Ngược lại, nhiều doanh nghiệp có tỷ suất cổ tức tốt qua nhiều năm, nhưng lại có thanh khoản thấp, do cổ đông chỉ nắm giữ, không có giao dịch. Chẳng hạn, cổ phiếu PTG (CTCP May xuất khẩu Phan Thiết) có tỷ suất cổ tức trên thị giá rất cao, nhưng cổ phiếu không có thanh khoản, nhà đầu tư muốn mua không được, người muốn bán cũng chẳng dễ dàng bởi thị giá không phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp.
Giới phân tích nhìn nhận, cổ tức chỉ mang lại lợi nhuận kỳ vọng ở mức vừa phải không phải là làm giàu nhanh nên chiến lược này phù hợp với những người coi đầu tư chứng khoán là một kênh sinh lời bền vững, không thích hợp với những người ưa thích mạo hiểm.
Theo khuyến nghị của ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TPHCM, Chứng khoán DSC, nhà đầu tư “lướt sóng” không nên mua cổ phiếu trước khi chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức 4-5 ngày, vì đây là thời điểm giá cổ phiếu cao. Thời điểm bán ra cũng cần cân nhắc vì sau khi giá cổ phiếu bị điều chỉnh, nhịp giảm có thể kéo dài, dễ dàng lấy đi số tiền nhà đầu tư kiếm được từ cổ tức, thậm chí khiến nhà đầu tư bị lỗ.
“Điều quan trọng nhất, nhà đầu tư phải chọn được những doanh nghiệp có khả năng chi trả cổ tức bền vững”, ông Huy lưu ý.
Còn ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng MBS thì cho rằng, nhà đầu tư nên mua vào mã có cổ tức tốt thuộc nhóm VN30 bởi đây là nhóm khá “nhạy” với thị trường. Khi thị trường hồi phục, nhóm này sẽ hồi phục đầu tiên, nhà đầu tư hưởng “lãi kép”.
Hải Giang