CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) vừa công bố kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm 2022 với doanh thu thuần đạt 59.324 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.202 tỷ đồng, tăng lần lượt 14% và 1% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận ròng suy giảm
Như vậy, sau 5 tháng, Thế giới Di động đã thực hiện được 42% mục tiêu doanh thu và 35% mục tiêu lợi nhuận so với kế hoạch cả năm.
![]() |
Trong 5 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Thế giới di động bắt đầu có dấu hiệu chậm lại. |
Riêng trong tháng 5, công ty báo cáo doanh thu thuần đạt 11.416 tỷ đồng, tương đương với tháng liền trước và cùng kỳ 2021. Lợi nhuận sau thuế tháng 5 đạt 383 tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng 4 nhưng giảm 20,5% so với tháng 5 năm ngoái.
Lũy kế 5 tháng, biên lãi ròng đạt 3,7%, thấp hơn so với con số 4,2% của 5 tháng đầu 2021.
Theo Thế giới di động, ảnh hưởng của lạm phát dẫn tới tăng chi phí hàng hóa đầu vào và tăng chi phí vận hành, khiến biên lợi nhuận ròng suy giảm.
Không chỉ vậy, trong 5 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bắt đầu có dấu hiệu chậm lại. Cụ thể, nếu như trong 4 tháng đầu năm, doanh thu tăng 18% và lợi nhuận tăng 8% so với cùng kỳ, tuy nhiên trong 5 tháng, tốc độ tăng trưởng doanh thu chỉ còn 14% và tốc độ tăng lợi nhuận chỉ còn 1%.
Trước đó, trong quý I/2022, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu 36.466,7 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 1.445,2 tỷ đồng; lần lượt tăng 18,3% và 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 22,8% về còn 22,3%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 15,7% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 1.099,4 tỷ đồng lên 8.124,3 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 23,1%, tương ứng tăng thêm 66,6 tỷ đồng lên 354,9 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 35%, tương ứng tăng thêm 53,5 tỷ đồng lên 206,3 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 17,7%, tương ứng tăng thêm 941,9 tỷ đồng lên 6.275,4 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, lợi nhuận sau thuế tăng chậm hơn tốc độ tăng của lợi nhuận gộp chủ yếu do chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp có dấu hiệu tăng mạnh. Kết thúc 3 tháng đầu năm, công ty chỉ hoàn thành được 22,8% kế hoạch lợi nhuận năm.
Đáng chú ý, dòng tiền kinh doanh chính của công ty tiếp tục âm. Cụ thể, trong quý I/2022, dòng tiền kinh doanh chính âm 3.383,6 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 1.625 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 2.438,6 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 61,1 tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán, tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu MWG đã giảm gần 48%, từ mức 137.800 đồng/cp (phiên 4/1) xuống 71.900 đồng/cp (phiên 24/6).
Lạm phát ảnh hưởng sức mua
Mặc dù kết quả kinh doanh của Thế giới di động không thể nói lên được xu hướng chung của toàn ngành. Tuy nhiên, trước đó, giới phân tích đã nhận định về triển vọng của doanh nghiệp ngành bán lẻ trong 6 tháng cuối năm 2022 sẽ gặp nhiều trở ngại, nhất là khi lạm phát tại nhiều nơi trên thế giới đang có xu hướng gia tăng mạnh.
“Yếu tố lạm phát khiến các khoản chi thiết yếu của người tiêu dùng tăng lên có thể cản đà tăng trưởng của ngành bán lẻ, đặc biệt là hàng tiêu dùng không thiết yếu”, Chứng khoán KBSV lưu ý.
Theo ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI, mặc dù việc mở cửa trở lại sau đại dịch sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của người dân nhiều hơn, nhưng xét theo giai đoạn hiện tại, các sản phẩm dịch vụ sẽ được quan tâm nhiều hơn là các sản phẩm hàng hóa.
Ông Hưng cũng đưa ra ví dụ tại Mỹ, nếu như thời gian trước, các công ty bán lẻ như Walmart, Target... đánh giá sức mua tăng cao trở lại sau đại dịch nên đã tích nhiều hàng, thì nay các công ty bán lẻ đang gặp nhiều khó khăn khi hàng tồn kho tăng cao.
"Có thể thấy, các sản phẩm như laptop đang không bán được nhiều. Do đó, ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất đó chính là ngành hàng điện tử" , ông Hưng đánh giá.
Tuy nhiên, ông Hưng cũng cho rằng, doanh thu và lợi nhuận ngành này chưa thể xấu đi ngay lập tức nhưng sẽ theo xu hướng của thế giới.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Chứng khoán MBS nhận định, nhu cầu về tăng trưởng của mảng thiết bị điện tử đã rất mạnh khi người dân phải ở nhà nhiều vì dịch Covid-19. Năm ngoái người tiêu dùng đã mua thì năm nay khó có thể mua tiếp. Vì vậy, từ nay đến cuối năm có thể sẽ không tăng trưởng mạnh hơn nữa, dù ngành này vẫn có kết quả tương đối khả quan.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Điện Máy Xanh và Thế Giới Di Động nhận xét, tình hình thị trường điện tử, điện máy các tháng cuối năm không mấy khả quan. Ngay cả trong mùa bán điều hòa, điều kiện thời tiết có vẻ như không ủng hộ. Sau 2 năm dịch bệnh, dự trữ tiền của người dân có thể đã tiêu dùng gần hết cùng với nhiều yếu tố bất lợi khác của diễn biến nền kinh tế thế giới.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế giới di động cho rằng, yếu tố vĩ mô đang không thuận lợi cho cả các doanh nghiệp bán lẻ lẫn sản xuất. Bởi qua 2 năm đại dịch, sản xuất không bình ổn, tình hình công ăn việc làm của người lao động bất ổn, tiền để dành đã chi tiêu nhiều khiến sức mua giảm. Khi mọi thứ chưa kịp phục hồi thì xung đột Nga – Ukraine diễn ra khiến chi phí đầu vào của ngành nông nghiệp, chăn nuôi tăng quá mạnh, giá đầu ra tăng cao, giá xăng tăng kéo theo lạm phát. Nếu xung đột này vẫn kéo dài thì ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, cả sức mua lẫn lợi nhuận của doanh nghiệp.
“Trước kia, người tiêu dùng có thể đổi điện thoại ào ào nhưng nay phải suy nghĩ, đắn đo và sẵn sàng bỏ qua một đời máy”, ông Tài nói.
Hải Giang