Nếu giao dịch hoàn tất, ông Đoàn Văn Hiểu Em sẽ giảm sở hữu từ hơn 1,77 triệu cổ phiếu xuống còn 1,37 triệu cổ phiếu, tương ứng tỉ lệ sở hữu giảm từ 0,24% xuống 0,19% vốn.
Thị giá MWG đang diễn biến tích cực trong thời gian gần đây. |
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch chiều ngày 8/4, cổ phiếu MWG dừng tại mức 150.000 đồng/cp. Tạm tính theo thị giá này, ông Hiểu Em có thể thu về 60 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 9/2021, ông Đoàn Văn Hiểu Em đã chi hơn 11 tỷ đồng để mua 100.000 cổ phiếu MWG. Đáng chú ý, động thái thoái bớt cổ phần tại MWG lần này diễn ra khi thị giá MWG đang diễn biến tích cực.
Cụ thể, phiên ngày 1/4 vừa qua, cổ phiếu MWG tăng lên mức 156.000 đồng/cp, đưa vốn hóa Thế Giới Di Động lần đầu tiên đạt mốc 5 tỷ USD, tương đương khoảng 114.000 tỷ đồng. Đến ngày 6/4, MWG tiếp tục lập đỉnh khoảng 159.000 đồng/cp.
Hiện, Thế Giới Di Động là doanh nghiệp lớn thứ 16 trên thị trường chứng khoán và nằm trong nhóm những doanh nghiệp có quy mô vốn hóa trên 100.000 tỷ đồng của HoSE.
Mới đây, Thế Giới Di Động thông tin sẽ tái khởi động dự án VuiVui nhằm quay lại mảng thương mại điện tử. Trang thương mại điện tử này được Thế giới Di Động ra mắt vào tháng 12/2016, với mục đích mang đến cho khách hàng trải nghiệm mua sắm trực tuyến với gần hàng chục nghìn sản phẩm đa dạng. Tuy nhiên, tập đoàn bán lẻ đóng cửa dự án này từ cuối tháng 11/2018. Khách hàng khi đó truy cập vào website này sẽ tự động chuyển sang trang bán hàng của Bách Hóa Xanh.
Sự trở lại của một trang thương mại điện tử đến sau khi Thế giới Di Động đang mở rộng nhanh các mảng kinh doanh, gần nhất là tấn công thị trường Indonesia bằng việc lập liên doanh đầu tư cửa hàng Era Blue.
Tại thị trường trong nước, Thế Giới Di Động đã thử nghiệm nhiều mô hình kinh doanh mới như chuỗi cửa hàng độc lập AVAKids, AVASport, AVAFashion, AVAJi và AVACycle. Đồng thời đẩy mạnh mở mới chuỗi bán điện thoại cao cấp Topzone, mở rộng mô hình Điện Máy Xanh Supermini và phát triển mạng lưới công tác viên đại lý.
Đến nay, các mặt hàng kinh doanh của Thế giới Di Động hiện nay đang rất lớn và đa dạng như điện thoại, điện máy, gia dụng, thực phẩm, trang sức, xe, thể thao, thời trang, mắt kính...
Không chỉ vậy, việc mở lại trang thương mại điện tử đúng thời điểm doanh thu online của tập đoàn này tăng mạnh. Trong năm 2021, doanh thu online của nhà bán lẻ hàng đầu này đạt 14.370 tỷ đồng (tăng 53% so với 2020). Với kết quả này, công ty tự đánh giá có doanh số lớn nhất trong thị trường bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam.
Theo kết quả kinh doanh mùa Tết (tháng 1,2) năm 2022, Thế Giới Di Động đạt doanh thu thuần hợp nhất 2 tháng đầu là 25.383 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.077 tỷ đồng, lần lượt tăng 17% và 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu online đạt hơn 4.100 tỷ đồng trong 2 tháng, tăng 150% so với cùng kỳ và là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động từ trước đến nay.
C.Giang