Các yếu tố hỗ trợ năm trước lại chính là gánh nặng lên thị trường hiện tại. |
Ông Khánh cho biết, còn nhớ hồi cuối tháng 3 năm ngoái chỉ số Vn-Index còn ở mốc gần 650, HNX-Index mới có dưới 100 điểm thì hiện nay đã tăng rất mạnh, nhiều cổ phiếu liên tiếp phá đỉnh lịch sử với mức tăng gấp nhiều lần so với 1 năm trước đó.
Cùng với sự thăng hoa của chỉ số là những phiên có giá trị giao dịch đạt ngưỡng tỷ đô thường xuyên diễn ra. Thậm chí nhiều nhà đầu tư còn cho rằng do tình hình nghẽn lệnh kéo dài chứ không dòng tiền còn mạnh mẽ hơn nữa.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, khi hệ thống mới được đưa vào hoạt động thì thị trường lại không còn duy trì được đà tăng mà giảm điểm, hệ thống mới đã giúp lệnh mua hết bị nghẽn và chiều bán cũng… hết nghẽn.
Điều này lại làm cho nhà đầu tư nói vui rằng “chắc nên quay về hệ thống cũ… cho hên”. Ngoài những yếu tố mang tính “tâm linh” như vậy thì rõ ràng khi giá các cổ phiếu tăng gấp nhiều lần năm trước làm cho mặt bằng chung thị trường trở nên quá cao, cần phải có dòng tiền mạnh hơn nữa để có thể đẩy giá đi tiếp.
Thế nhưng, trong nửa đầu năm 2021 khối ngoại đã bán ròng nhiều hơn cả 2 năm 2016 và 2020 cộng lại, trong khi cả thập kỷ trước họ chỉ bán ròng duy nhất 2 năm này. Chỉ tính riêng năm 2020 là có mức bán ròng hàng đầu lịch sử, nhưng vẫn không bằng một phần của nửa đầu 2021. Bên cạnh đó tự doanh của các công ty chứng khoán, tổ chức cũng gia tăng lượng bán những tuần gần đây.
Thành phần nâng đỡ chính cho thị trường trong suốt thời gian qua chỉ còn có nhà đầu tư nhỏ lẻ, các F0 khiến thị trường dù vẫn duy trì được giá trị giao dịch ở mức khá và chỉ giảm dần từ tháng 7, nhưng khối lượng giao dịch thực tế đã giảm từ tháng 4, ngầm gây áp lực cho thị trường.
Nếu nhóm các nhà đầu tư tiếp tục là “chỗ dựa” cho thị trường sẽ thiếu đi sự bền vững. Do đó, để duy trì được thành quả vốn có sẽ cần nhiều thành phần thị trường hơn nữa.
Ngoài ra tình hình dịch bệnh phức tạp chưa có hồi kết đã làm các tổ chức quốc tế như Goldman Sach, ADB, Standard Charter... liên tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam và các nước Đông Nam Á cũng như việc phong tỏa quá lâu cũng khiến ngay cả người lạc quan nhất cũng lo lắng. Và, thị trường chứng khoán đương nhiên không thể không bị ảnh hưởng.
Dù rằng một số công ty vẫn báo lãi khủng, nhiều ngành nghề vẫn kinh doanh được, kinh tế vẫn tăng trưởng, nhóm tăng thì tăng mạnh nhưng nhóm giảm như du lịch, khách sạn, nhà hàng… đều thê thảm. Do đó, chỉ số trung bình mặc dù không quá xấu nhưng rõ ràng là không ổn khi 2 đầu của 1 sợi dây bị kéo quá căng.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 6 tháng đầu năm 2021 là 93.225 doanh nghiệp (tăng 6,9% so với cùng kỳ 2020) nhưng số doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng còn mạnh hơn, tốc độ tăng tới 24,9% so với cùng kỳ năm 2020 (70.209 doanh nghiệp).
M.K