Tính từ vùng đỉnh, nhiều cổ phiếu nóng đã giảm tới hơn 50%. Nhiều nhà đầu tư chót “đu đỉnh” rơi vào tình trạng "kẹp hàng", thậm chí muốn cắt lỗ cũng không thể vì cổ phiếu bị mất thanh khoản.
Tính từ vùng đỉnh, nhiều cổ phiếu nóng đã giảm tới hơn 50% làm cho nhiều nhà đầu tư trở tay không kịp, ngậm ngùi nhìn tài khoản “bốc hơi” từng phiên. (Ảnh minh hoạ) |
Cổ phiếu “rơi tự do”
Là hai mã cổ phiếu siêu nóng do ảnh hưởng của cơn sốt đấu giá đất Thủ Thiêm, cổ phiếu CII của Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật T.P Hồ Chí Minh và NBB của Đầu tư Năm Bảy Bảy đã tăng trần nhiều phiên. Chốt phiên 27/1, giá cổ phiếu CII gần chạm sàn xuống mức 27.450 đồng/cp, giảm gần 53% sau nửa tháng, tính từ mức đỉnh 57.900 đồng/cp. Cùng thời điểm, thị giá NBB xuống mức 29.700 đồng/cp, giảm hơn 50% từ vùng giá 59.700 đồng/cp trong vòng 10 phiên giao dịch.
Tương tự, cổ phiếu DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng là một trong những cổ phiếu bất động sản tâm điểm trên thị trường thời gian qua. Với nhiều phiên tăng kịch trần, thị giá DIG đã tăng lên 3 chữ số tại vùng giá 120.000 đồng/cp chỉ sau hơn hai tháng. Tuy nhiên sau đó, cổ phiếu quay đầu lao dốc thẳng đứng. Chốt phiên 27/1, cổ phiếu DIG giảm 34%, xuống mức 79.100 đồng/cp.
“Góp sức” cùng với vụ huỷ cọc của Tân Hoàng Minh, làm ảnh hưởng tới thị trường chung chính là vụ việc bán “chui” cổ phiếu FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết. Theo đó, hàng loạt cổ phiếu “họ FLC” như FLC, ROS, KLF, AMD...đã có chuỗi phiên giảm sàn "trắng bên mua". Chốt phiên 27/1, cổ phiếu FLC giao dịch tại mức 10.400 đồng/cp, giảm 56% so với mức cao nhất đạt được trong ngày 10/1, thời điểm vụ việc bán “chui” xảy ra. Các cổ phiếu khác như ROS cũng mất tới 60%, AMD mất 53%...
Một tháng trước đó, thị thường cũng từng chứng kiến hàng loạt "món quà thượng đế" đổ đèo khiến không ít nhà đầu tư đau xót ôm khoản lỗ lớn như như IDI, SJF, LIC, TNI, SDA…
Cụ thể, cổ phiếu LIC của Tổng công ty Licogi đã tăng hơn 14 lần với 15 phiên kịch trần liên tiếp. Trong lúc nhà đầu tư đắm chìm trong cơn say, LIC lại bất ngờ “rơi tự do” từ vùng 146.700 đồng/cp xuống chỉ còn 50.000 đồng/cp (-66%).
Hay như cổ phiếu SJF của Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thái Dương cũng từng "nổi sóng" khi tăng tới 10 lần sau 3 tháng rồi quay đầu đà giảm sàn la liệt từ đỉnh 24.100 đồng/cp, về mức 10.900 đồng/cp, thanh khoản cũng giảm mạnh sau khi con sóng lặng.
Đặt ra quy chuẩn đầu tư và quản trị rủi ro
Trên nhiều cộng đồng đầu tư chứng khoán từ Facebook đến TikTok, YouTube..., nhiều người môi giới, chuyên gia liên tục đưa ra những phân tích, khuyến nghị nhóm cổ phiếu, mã chứng khoán nên đầu tư tốt trong tuần này, tuần tới, quý tới... Nghe theo khuyến nghị, nhiều nhà đầu tư F0 lập tức đặt lệnh mua dù chưa biết gì về doanh nghiệp đó.
Chuyên gia tài chính - TS Đinh Thế Hiển cho rằng, tâm lý chung của các nhà đầu tư khi mua cổ phiếu xong là muốn có lợi nhuận nhanh, giá phải tăng ngay. Một số mã cổ phiếu đã tăng mạnh 700%-800% trong 1-2 năm nhưng doanh nghiệp không có đột phá về kết quả kinh doanh... đã làm cho những cổ phiếu đầu cơ trở nên hấp dẫn, nhất là khi có nhiều thông tin “mật” liên tục được bật mí. Theo đó, nhà đầu tư chỉ quan tâm tới 3 chữ số cùng lợi nhuận mình sẽ đạt được mà “quên” doanh nghiệp kinh doanh hoạt động ra sao.
Theo nhận định của Giám đốc một quỹ đầu tư, nhóm cổ phiếu bất động sản tăng khá nóng trong thời gian dài, sau đó gặp sự cố Tân Hoàng Minh bỏ cọc "đất vàng" Thủ Thiêm hay việc ông Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu FLC mà chưa công bố thông tin... là những vụ việc góp phần cảnh tỉnh nhà đầu tư, nhắc nhở họ không nên "fomo" để tránh rủi ro.
Vậy những nhà đầu tư đã lỡ “tất tay” mua cổ phiếu nóng phải làm gì?
Ông Nguyễn Khoa Bảo, Trưởng phòng đầu tư Chứng khoán VPS cho rằng, nếu nhà đầu tư lỡ "đu đỉnh" cổ phiếu nóng, nên mạnh dạn cắt lỗ 30-50% danh mục để bình tĩnh trở lại.
Ở phương diện đầu tư, khó có trường hợp rủi ro thấp mà lợi nhuận cao. Khi nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có lãi lớn trong ngắn hạn thì phải luôn chuẩn bị sẵn tâm lý là thị trường có thể bị đảo chiều. Do đó, nhà đầu tư cần chủ động cắt lỗ nếu thị trường không diễn biến đúng theo tính toán ban đầu. Vì vậy, mỗi người nên đặt ra quy chuẩn đầu tư và quản trị rủi ro của riêng của bản thân.
"Nhà đầu tư cần có một quy trình quản trị rủi ro cho riêng mình nhằm xác định, điều chỉnh và quản lý tất cả các rủi ro tiềm ẩn mà tài khoản phải đối mặt để tổn thất được giảm thiểu ở mức tối đa" - ông Bảo nói.
Một số chuyên gia phân tích khác khuyến nghị, nếu sẵn sàng chấp nhận rủi ro, thích đầu tư các cổ phiếu nóng chỉ nên dành một phần nhỏ tổng tài sản của mình để tham gia cuộc chơi (5-10%) và luôn phải xác định điểm mua có thể sẽ là đỉnh của cổ phiếu. Theo đó, khi xuất hiện những dấu hiệu đảo chiều, hãy cố gắng bán nhanh nhất có thể, nhất là các cổ phiếu nóng không có nền tảng cơ bản vì khả năng những doanh nghiệp này kinh doanh khởi sắc là rất thấp.
“Các trường hợp ghi nhận lợi nhuận rất cao khi đầu tư chứng khoán phần lớn đều là do may mắn. Nếu chỉ trông đợi vào may mắn thì đầu tư chứng khoán sẽ chẳng khác nào đánh bạc, và cái may mắn nhất khi này là biết đứng dậy đi về. Nhà đầu tư phải luôn có kế hoạch trong đầu tư với tâm lý ổn định, đặc biệt là hãy ngừng giao dịch nếu tình trạng thua lỗ kéo dài”, ông Phạm Lưu Hưng – Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán SSI nhận xét.
Hải Giang