Theo chia sẻ của chị Lan Phương (36 tuổi, nhân viên đăng kiểm Hà Nội), trong đợt ảnh hưởng dịch Covid-19, cơ quan ít việc, thời gian rảnh rỗi chị trò chuyện với 1 người bạn vốn đã đầu tư chứng khoán lâu năm và quyết định dành số tiền 50 triệu đồng với cơ hội thử vận may trong khi bản thân hoàn toàn không hiểu chứng khoán là gì.
Kẻ khóc người cười
Sau khi đăng ký tài khoản để đầu tư, chị mới bắt đầu dò hỏi những người xung quanh về chứng khoán. Ban đầu được chị bạn “phím” cho 1 mã cổ phiếu và khi “hàng” về tài khoản chị đã bán ngay ra chốt lời. Ngay sau đó chị đã tiếp tục chuyển thêm tiền vào tài khoản để “chơi lớn” với hy vọng số lãi được nhiều hơn thế nữa, thậm chí vay lãi để đầu tư.
Nhiều F0 tham gia chỉ vì “trào lưu” nên họ không có kiến thức và chỉ “hùa” theo đám đông để tìm kiếm lợi nhuận, kéo theo đó là những chuyện “cười ra nước mắt”. |
Sau nhiều lần được “phím” mã cổ phiếu, chị đã “tất tay” mua 1 mã cổ phiếu penny Rxx với lý do thấy nó cứ loanh quanh mãi, chắc chắn sẽ lên. Tuy nhiên, sau đó tin tức về dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng tới tâm lý của các nhà đầu tư và họ liên tục bán ra hàng loạt làm cho các mã cổ phiếu chạm sàn nhiều phiên liên tiếp và mã cổ phiếu của chị cũng trong tình trạng như vậy.
Họa vô đơn chí, các chủ nợ bắt đầu đòi lại tiền cho vay và chị cứ khất lần chờ thị trường lên với cơ hội bán ra để thu hồi vốn. “Lãi mẹ đẻ lãi con”, chị loay hoay không biết phải làm sao với tài khoản của mình.
“Do không có kiến thức và kinh nghiệm đầu tư, khi tài khoản lỗ 5-7% tôi đã không cắt lỗ, quyết tâm “ôm hàng” chờ ngày hồi phục nhưng càng chờ thì lại càng xuống khiến khoản lỗ ngày càng âm nặng. Tôi đã phải chạy vạy khắp nơi vay mượn bạn bè họ hàng để trả tiền vay lãi cho chủ nợ”, chị Phương tâm sự.
Trường hợp khác là chị Thanh Tâm (nhân viên kinh doanh Bắc Ninh) lại có vẻ may mắn hơn. Cũng nghe theo rủ rê của mấy chị bạn công ty, chị cũng mở tài khoản đầu tư và ngay từ lần đầu tiên mua theo hội chị em 1 mã chứng khoán, chị tá hoả vì mã cổ phiếu liên tục đi xuống khiến chị hoang mang. Cũng may sau đó cổ phiếu “hồi” lại, chị nhanh tay bán luôn nhằm bảo toàn vốn.
Lại có kiểu nhà đầu tư lần đầu tiên giao dịch, đặt lệnh mua lúc sáng và chiều thấy cổ phiếu “trần” vội vã đặt lệnh bán, nhưng không thể bán được và thắc mắc hỏi môi giới tìm cách bán vì nghĩ hệ thống giao dịch của công ty chứng khoán bị lỗi.
Thậm chí nhiều nhà đầu tư mới vì không biết rõ các mã cổ phiếu của công ty nào, chỉ biết là được phím “3 chữ cái” thì vội vã đặt lệnh, dẫn đến tình huống dở khóc dở cười như định mua mã STB (Ngân hàng TMCP Thương Tín) lại mua thành SBT (CTCP Thành Thành Công-Biên Hoà) và đến khi ngồi “tám chuyện” với nhau, trong khi cổ phiếu STB tăng trần thì tài khoản của mình lại ngược lại mới kiểm tra hoá ra mình đặt lệnh mua... nhầm.
Chứng khoán là đầu tư
Bên cạnh những trường hợp kể trên, thì vẫn có nhiều trường hợp F0 không “mơ mộng”, “tay không bắt giặc” như nhiều người vẫn nghĩ là thiếu kinh nghiệm và kiến thức trên thị trường chứng khoán. Họ đã dành thời gian chịu khó tìm hiểu, đầu tư cẩn trọng và biết sử dụng những kiến thức của mình vào việc đầu tư của mình.
Điển hình như trường hợp của chị Tú Linh (nhân viên kế toán Hà Nội). Theo lời kể của chị Linh, mặc dù mới tham gia chứng khoán thời gian gần đây nhưng tài khoản của chị đã lời 30%. Trước đó, chị đã dành thời gian nghiên cứu, tìm tòi và học hỏi từ người dì của mình – vốn là nhà đầu tư chứng khoán lâu năm.
“Mình chưa biết nhiều công ty lắm, nhưng nói chung có biết phân tích cơ bản và kỹ thuật. Hiện tại mình đang luyện tâm lý thị trường. Do thị trường lên nhiều rồi nên cũng sợ sẽ điều chỉnh mạnh, chứ các mã mình chọn là quá ổn rồi”, chị Linh hào hứng nói.
Có thể thấy, đa số những nhà đầu tư F0 đến với chứng khoán vì công việc hiện tại không mang lại thu nhập đủ cho chi tiêu cuộc sống, các anh chị em văn phòng rảnh rỗi quá thì “chơi cho vui”. Hay như tiền gửi tiết kiệm lãi suất ngân hàng thấp nên muốn đầu tư chứng khoán với mong muốn gia tăng giá trị tài sản hơn nữa.
Trong số đó, nhiều người được dẫn dắt bởi bạn bè, họ hàng hay những người thân quen với số vốn đa dạng, người thì 10 triệu đến 100 - 200 triệu, thậm chí có người sẵn sàng bỏ ra 1-2 tỷ đồng để đầu tư.
Theo các công ty chứng khoán, việc gia tăng nhu cầu đầu tư vào thị trường chứng khoán của nhà đầu tư sẽ giúp chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung dài hạn của nền kinh tế, san sẻ và hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đặt ra mục tiêu đưa quy mô thị trường chứng khoán vào năm 2025 tối thiểu đạt 85% GDP (đã điều chỉnh) và 110% GDP năm 2030. Số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số năm 2025 và 8% dân số vào năm 2030. Cơ cấu nhà đầu tư bao gồm tổ chức, chuyên nghiệp, cá nhân và nhà đầu tư trong nước, nước ngoài phát triển theo chiều sâu.
Theo đó, điều cần thiết nhất trong giai đoạn hiện tại là các công ty chứng khoán nên tập trung đào tạo cho các nhà đầu tư những phân tích cơ bản để theo kịp thị trường, tự mình làm chủ tài sản của chính mình.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, việc đông đảo nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, các công ty chứng khoán phải hết sức chú trọng vào việc đào tạo kiến thức cho các nhà đầu tư mới. Thực tế hiện nay, các công ty chứng khoán cũng đang tập trung vào việc đào tạo cho các nhà đầu tư để họ hiểu rằng, tham gia vào thị trường là “đầu tư chứng khoán” chứ không phải là “chơi chứng khoán”.
"Điều đó sẽ tạo ra tính bền vững cho sự phát triển của thị trường trong thời gian tới", ông Phạm Hồng Sơn nhấn mạnh.
Ở thời điểm hiện tại, các chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư nên tìm hiểu rõ thị trường chứng khoán trước khi nhập cuộc đầu tư. Bên cạnh đó, cần biết cách phân bổ vốn một cách hợp lý, không chơi kiểu all in (tất tay), tránh “bỏ trứng vào một giỏ”. Quan trọng nhất, luôn giữ “cái đầu lạnh” khi thị trường tăng quá nóng và phải bảo đảm cuộc sống hàng ngày của mình và gia đình không bị ảnh hưởng bởi nguồn vốn đầu tư.
H.Giang