Theo quan sát, từ tháng 5 đến tháng 8/2023, thị trường tăng khá mạnh (khoảng 20%), động lực chủ yếu đến từ các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa, ngoài ra có đóng góp của một số cổ phiếu trong VN30.
“Rổ 30” có dấu hiệu hút tiền
Không thể phủ nhận, trong 6 tháng đầu năm 2023, vị thế của nhóm VN30 tương đối mờ nhạt. Tuy nhiên, sau hàng loạt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ Chính phủ và các bộ ngành được ban hành, dòng tiền lớn đã mạnh mẽ tìm đến kênh chứng khoán. Nhất là sau mùa báo cáo quý II, nhiều doanh nghiệp lớn đầu ngành cho thấy “sức khỏe” vẫn dồi dào sau những sóng gió.
Việc dòng tiền chuyển hướng dần từ nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vào nhóm vốn hóa lớn đã thúc đẩy VN-Index chinh phục mốc điểm cao nhất năm. |
Theo SSI Research, xét riêng nhóm VN30, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đã quay lại tăng trưởng dương trong quý II/2023 và tạo động lực cho bức tranh chung trên HoSE thu hẹp đà suy giảm khi cả doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đạt ngang mức cùng kỳ.
Mặt khác, từ quý II/2023, thanh khoản đã có sự cải thiện đáng kể. Mức thanh khoản trong tháng 4 và 5/2023 tăng lên trung bình xấp xỉ 20% so với tháng 3. Đặc biệt kể từ đầu tháng 6, thanh khoản đã tăng đột biến, những phiên thị trường giao dịch trên 20.000 tỷ đồng không còn là hiếm.
Đặc biệt, kể từ khi vượt ngưỡng 1.200 điểm trong tháng 8, thanh khoản toàn thị trường tiếp tục tăng lên mức 26.895 tỷ đồng, tức tăng thêm 27% so với tháng 7. Và khi chỉ số chung đã vượt ngưỡng kỹ thuật, dòng tiền quan tâm nhiều hơn ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Thống kê ở nhóm 100 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất cho thấy, khả năng thanh khoản và tỷ lệ tự do chuyển nhượng cao nhất sàn HoSE (VN100), chỉ sau phiên thị trường vượt ngưỡng 1.200 điểm, dòng tiền đổ vào nhóm VN100 hoặc VN30 từ thời điểm đó cho đến nay tăng lần lượt 27,2% và 30% so với thời điểm tháng 7, mức tăng này cũng cao hơn so với nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ lần lượt từ 24% đến 26%.
Thực tế, nhờ dòng tiền lớn, nhiều cổ phiếu bluechips không ngừng tăng mạnh, thậm chí có mã còn liên tiếp vượt đỉnh.
Tiêu biểu nhất có thể kể tới “cỗ máy tăng trưởng” FPT (CTCP FPT). Cổ phiếu này có nhịp tăng mạnh mẽ sau khi công bố kết quả kinh doanh quý II/2023. Trong đợt thị trường điều chỉnh vừa qua, mã này không những không bị ảnh hưởng mà còn “xô đổ” đỉnh cũ, liên tục xác lập vùng giá mới.
Không kém cạnh, cổ phiếu VCB (Vietcombank) cũng là cổ phiếu xác lập mức giá đỉnh mới hồi cuối tháng 7 vừa qua, vững vàng ngôi vị vốn hóa cao nhất sàn chứng khoán.
Hay như cổ phiếu VNM (Vinamilk) đã tăng khoảng 27% kể từ trung tuần tháng 6 và lên mức vùng đỉnh 9 tháng với 80.100 đồng/cp (phiên 5/9), tương ứng vốn hóa thị trường vượt 167.405 tỷ đồng (khoảng 7 tỷ USD). Đây cũng là 1 trong những trụ đỡ đóng góp lớn nhất vào VN-Index trong 1 tháng trở lại đây.
Tương tự, cổ phiếu HPG (Hòa Phát) vừa thiết lập mức đỉnh mới trong năm 2023 ở mức giá 29.000 đồng/cp (phiên 6/9), cao nhất kể từ tháng 5/2022, tăng 38% so với thời điểm cuối tháng 5/2023.
Ngoài ra, một số cổ phiếu khác trong nhóm VN30 cũng ghi nhận sự ưu ái của dòng tiền trong thời gian qua như VIC (Vingroup), VHM (Vinhomes), MWG (Thế giới Di động), VPBank, SSI (Chứng khoán SSI)…
Chờ dòng tiền quan tâm hơn nữa
Nhìn chung, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô được nhận định vẫn còn nhiều biến số, cho nên việc chính sách tiền tệ mở rộng, chính sách tài khoá có nhiều biện pháp kích cầu mở ra nhiều nhóm ngành, nhiều câu chuyện để nhà đầu tư quan tâm tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Hơn nữa, sau những phiên điều chỉnh, nhóm cổ phiếu trong VN30 có mức giá hấp dẫn hơn và xét dài hạn, đây là nhóm cổ phiếu mang tính phòng thủ cao, có thể giúp nhà đầu tư tránh được các cơn “giông bão” trên thị trường.
Quan sát diễn biến thị trường thời gian gần đây, ông Đình Chương, Giám đốc DC Stock cho rằng, dù nhóm nhà đầu tư theo trường phái giá trị chiếm số lượng không nhiều, chỉ khoảng 10 - 15%, nhưng đây đang là nhóm nhà đầu tư “gắn bó” với các cổ phiếu phòng thủ, cổ phiếu giá trị. Hiện nhà đầu tư nhóm này đặc biệt quan tâm tới các cổ phiếu đầu ngành, nhất là các mã trong rổ chỉ số VN30 như FPT, SSI.
Hiện tại, đã có thể nhìn thấy một số dấu hiệu tích cực như mặt bằng lãi suất hạ, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng dồi dào, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh trở lại. Những chuyển biến tích cực từ chính sách mang đến kỳ vọng kinh tế Việt Nam khởi sắc hơn trong giai đoạn từ nay đến cuối năm 2023 và tiếp tục tích cực trong năm 2024.
Theo Giám đốc DC Stock, lãi suất giảm, dòng tiền trở nên “rẻ” hơn là động lực để thị trường chứng khoán có thêm nguồn vốn mới. Thị trường trở nên hấp dẫn hơn và tiếp tục thu hút các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội.
Nhiều ý kiến dự báo, VN-Index có thể tiến tới vùng điểm 1.300 – 1.400 ngay trong năm 2023 và tiếp tục lên những mốc cao hơn từ năm 2024. Với việc chỉ số VN-Index được dự báo sẽ tiếp tục trong xu hướng tăng và tìm các mức cao mới, dòng tiền đã có tín hiệu trở lại mạnh mẽ, nhóm cổ phiếu bluechips sẽ có lợi thế hơn cả, bởi nhóm này được kỳ vọng dẫn dắt thị trường lên những “nấc thang” mới.
“Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thường là nhóm cổ phiếu dẫn dắt chính để giúp thị trường tăng trưởng. Nếu nhóm này không tăng thì dù nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có tăng trưởng cũng không thể tạo ra những giai đoạn phục hồi mạnh mẽ”, ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng Phòng Phân tích Chiến lược của Công ty chứng khoán KIS Việt Nam (KISVN) nhấn mạnh.
Tuy nhiên ông Hiếu cho rằng, tiềm năng của các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn hiện chưa rõ ràng. Chẳng hạn, cổ phiếu ngân hàng gặp vấn đề với câu chuyện tăng trưởng tín dụng và nợ xấu khi bị ảnh hưởng từ sự giảm tốc của nền kinh tế. Với bất động sản là câu chuyện của thị trường bất động sản, vấn đề trái phiếu,… Vì thế, các nhóm cổ phiếu này có thể chững lại một thời gian để các thông tin trở nên rõ ràng trước khi có thể tăng trưởng tiếp.
Tương tự, dưới góc nhìn thận trọng, chuyên gia chứng khoán Lê Ngọc Nam dự báo, không nhiều cổ phiếu trong VN30 có thể tăng trưởng lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm 2023, vì đa số cổ phiếu ngân hàng, bán lẻ, bất động sản đều gặp khó khăn trong năm nay.
“Câu chuyện của các nhóm này vẫn tập trung ở việc phục hồi lợi nhuận, thay vì tăng trưởng. Tuy nhiên, các cổ phiếu trong VN30 ngoài ngành ngân hàng dự kiến có mức độ phục hồi lợi nhuận giai đoạn cuối năm nay tốt hơn so với đầu năm hay quý IV năm ngoái”, ông Nam lưu ý.
Hải Giang