Trong đó, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Vietjet Air (VJC) đồng loạt có quý lỗ kỷ lục, trong khi Masan Group (MSN) không còn ghi nhận khoản lãi bất thường từ việc chuyển nhượng mảng thức ăn chăn nuôi, dẫn tới lợi nhuận 3 doanh nghiệp này giảm tổng cộng hơn 17.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Đây là một nguyên nhân khiến tổng lợi nhuận ròng của cả nhóm VN30 bị hụt đi đáng kể so với quý IV/2021.
Tổng lợi nhuận ròng của toàn bộ doanh nghiệp trong rổ chỉ số VN30 trong quý IV/2022 chỉ đạt khoảng 57.700 tỷ đồng, giảm gần 9.000 tỷ so với quý III/2022. (Ảnh: Int) |
Ngược lại, Vingroup (VIC) là điểm sáng khi thành công chuyển từ lỗ ròng trong quý IV/2021 sang lãi gần 1.600 tỷ đồng, tương ứng lợi nhuận tăng hơn 7.500 tỷ so với cùng kỳ năm trước.
Một số doanh nghiệp có lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ có thể kể tới như PV GAS (GAS) tăng 1.286 tỷ, PV Powe (POW) tăng 727 tỷ, Vincom Retails (VRE) tăng 670 tỷ,…
Các đại diện nhóm ngân hàng như Vietcombank (VCB), BIDV (BID), Vietinbank (CTG), Sacombank (STB), Á Châu (ACB) cũng ghi nhận có một quý hoạt động tương đối hiệu quả. Trong đó, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý IV đạt 12.419 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2021 và là mức kỷ lục. Mức lãi này cũng vượt qua lợi nhuận cả năm của một số ngân hàng tư nhân lớn như Sacombank, TPBank (TPB), Sahabank (SHB), HDBank (HDB). Theo đó, lãi ròng trong quý IV/2022 của Vietcombank vượt 9.900 tỷ đồng, tăng 54% so với quý IV/2021.
Tương tự, Vietinbank cũng tăng trưởng lãi ròng gần gấp đôi cùng kỳ lên 4.260 tỷ đồng; Sacombank cũng bất ngờ báo lãi ròng cao gấp đôi cùng kỳ, đạt 1.751 tỷ trong quý IV/2022.
Dù vậy, trong nhóm ngân hàng, Techcombank (TCB) ghi nhận lãi ròng giảm 23% xuống mức 3.544 tỷ đồng trong quý IV/2022, tương ứng hụt hơn 1.000 tỷ so với cùng kỳ năm 2021. VP Bank (VPB) hay MB (MBB) cũng ghi nhận lãi ròng sụt giảm lần lượt là 7% và 3% so với quý IV/2021.
Tổng cộng, nhóm ngân hàng đóng góp hơn 37.700 tỷ đồng, tương ứng khoảng 65% tổng lợi nhuận của cả nhóm VN30.
Châu Anh