Trong mùa đại hội cổ đông năm 2024, câu chuyện IPO và niêm yết mới “nóng” trở lại, khi nhiều doanh nghiệp hé lộ kế hoạch này.
Hé lộ nhiều “câu chuyện” mới
Theo chia sẻ của ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG), doanh nghiệp có kế hoạch IPO CTCP Chăn nuôi Gia Lai vào cuối năm 2024.
Chăn nuôi Gia Lai hiện có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản công ty đạt 3.417 tỷ đồng. Hoàng Anh Gia Lai đang sở hữu 88,03% cổ phần doanh nghiệp này.
Năm 2023, Chăn nuôi Gia Lai ghi nhận doanh thu giảm 9%, về 1.678 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 174%, lên 1.051 tỷ đồng. Hiệu quả sử dụng tài sản (ROA) đạt 29,1%, vượt trội so với các doanh nghiệp chăn nuôi đang niêm yết.
Câu chuyện IPO và niêm yết mới đang "nóng" trở lại. |
Trong khi đó, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) có kế hoạch IPO mảng nhựa và ống thép. Cụ thể, Ban lãnh đạo Tập đoàn cho biết đang xem xét xây dựng phương án IPO Nhựa Hoa Sen và Ống thép Hoa Sen, dự kiến trong thời gian từ năm 2024 đến năm 2026.
Theo nguồn tin của Blomberg, CTCP Tập đoàn Masan (MSN) cũng đang cân nhắc niêm yết mảng hàng tiêu dùng. Thương vụ có khả năng trở thành đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam.
Tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đang hợp tác với các nhà tư vấn tài chính liên quan đến vấn đề IPO của Masan Consumer Holdings (MCH). Ước tính thương vụ này có thể huy động được từ 1 tỷ USD đến 1,5 tỷ USD.
Blomberg cho biết thêm, đợt bán cổ phiếu có thể diễn ra vào đầu năm sau nếu điều kiện thị trường thuận lợi.
Nhìn lại lịch sử phát triển hơn 23 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã từng trải qua không ít đợt "sóng thần" đẩy VN-Index tăng chóng mặt. Dù bối cảnh khác nhau nhưng những lần "nổi sóng" thực sự trong quá khứ đều mang đậm dấu ấn của các "bom tấn" IPO lên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, các thương vụ IPO "bom tấn" xuất hiện ngày càng ít. Do đó, những “câu chuyện” IPO đang “nóng” dần trở lại được kỳ vọng sẽ mang đến một “làn gió mới” trong bối cảnh thị trường chứng khoán sau nhiều năm thiếu hàng hóa chất lượng lên sàn do các hoạt động đấu giá cổ phần diễn ra ảm đạm.
Không phải thương vụ nào cũng là “sóng thần”
Nhìn chung, IPO thành công phần nào đó chứng tỏ sức hút của doanh nghiệp, qua đó tạo tiền đề để cổ phiếu có thể "toả sáng" sau khi lên sàn chứng khoán. Không chỉ vậy, dưới góc độ khác, cổ phiếu công ty mẹ cũng có thể phần nào được hưởng lợi từ việc IPO thành công công ty con.
Theo ông Lâm Văn Vân, đại diện Quỹ đầu tư ECI Capital, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh nghiệp nào hoạt động hiệu quả sẽ là điểm sáng trên thị trường. Việc IPO công ty con hoạt động hiệu quả sẽ tạo thêm hàng mới hấp dẫn cho thị trường, từ đó giúp doanh nghiệp dễ dàng huy động vốn mà không phải tăng thêm gánh nặng lãi vay, giải quyết vấn đề vốn cho cả công ty con và công ty mẹ. Trong trường hợp phát huy lợi thế sau khi niêm yết, công ty con phát triển tốt sẽ là “phao cứu sinh” để dần phục hồi công ty mẹ.
“Nhiều trường hợp IPO công ty con để kêu gọi đối tác chiến lược cho dự án mới, các doanh nghiệp phải tách ra công ty con và xây dựng lộ trình IPO để thu hút đối tác chiến lược và các quỹ đầu tư nước ngoài cho việc phát triển dự án mới. Một số trường hợp IPO công ty con để nâng cao định giá công ty mẹ, hoặc tạo kỳ vọng cho thị trường làm tăng giá trị cổ phiếu của công ty mẹ. Niêm yết cổ phiếu của công ty con cũng có thể giúp công ty mẹ dễ dàng hơn trong việc cầm cố cổ phiếu của công ty con để huy động vốn từ các tổ chức tài chính”, ông Vân nói.
Thực tế, bối cảnh thị trường ở thời điểm hiện tại đã khác rất nhiều so với trong quá khứ. Số lượng nhà đầu tư đã tăng gấp nhiều lần sẽ là cơ hội để các "tân binh" tạo ra sự chú ý. Triển vọng của ngành chứng khoán cũng được đánh giá lạc quan khi câu chuyện nâng hạng ngày càng rõ ràng và hệ thống mới KRX đang rất gần ngày "go live".
Tuy nhiên, việc thị trường có rất nhiều lựa chọn chất lượng sẽ phần nào hạn chế dòng tiền vào các “tân binh” ít tên tuổi hơn. Điều này đòi hỏi các công ty thực hiện IPO phải có một chiến lược toàn diện để tạo ra sự khác biệt.
Mặc dù điều kiện IPO hiện cao hơn trước, như doanh nghiệp phải hoạt động có lãi trong 2 năm liên tiếp (trước đây chỉ yêu cầu 1 năm) và không có lỗ lũy kế, giúp nhà đầu tư có thể lựa chọn các công ty có tốc độ tăng trưởng ổn định và năng lực tài chính mạnh để tham gia thị trường chứng khoán. Song, để IPO thực sự trở thành cơ hội đầu tư xứng đáng thì vẫn còn phải tuỳ thuộc nhiều vào từng doanh nghiệp, chất lượng tài sản, triển vọng kinh doanh cũng như mức giá cổ phiếu.
Chẳng hạn, các thương vụ IPO CTCP Hàng không Vietjet (VJC) năm 2016, CTCP Vincom Retail (VRE) năm 2017, FPT Retail năm 2017 giúp nhà đầu tư lãi lớn, vì giá cổ phiếu sau đó có xu hướng tăng mạnh.
Chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu nhóm bất động sản những năm qua như DXS (CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh), KHG (Khải Hoàn Land), HPX (Đầu tư Hải Phát), CRE (Bất động sản Thế Kỷ)… đều có diễn biến lao dốc khi kết quả kinh doanh không như kỳ vọng, gây thua lỗ cho nhiều nhà đầu tư nắm giữ dài hạn.
Hải Giang