Trong báo cáo về triển vọng thị trường Việt Nam gửi tới các nhà đầu tư nước ngoài, chuyên gia kinh tế trưởng của Vina Capital phân tích: bán lẻ tiêu dùng là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam. Tiêu dùng các hộ gia đình chiếm 2/3 nền kinh tế và tăng trưởng khoảng 8 – 9% trong những năm gần đây, được hỗ trợ bởi mức tăng lương 6 – 7% và tốc độ đô thị hóa tăng 2 – 3%.
Cổ phiếu được ưu ái
Nhìn lại năm 2019, số liệu 10 tháng cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt gần 3,1 triệu tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nếu loại trừ yếu tố giá thì mức tăng đạt 9,4%. Tăng trưởng chính đến từ nhóm sản phẩm văn hóa – giáo dục, thực phẩm và gia dụng.
Những đô thị cấp 1-2 đang cho thấy tốc độ tăng trưởng cao (trên 15%) so với các trung tâm kinh tế Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.HCM (khoảng 12%) Bên cạnh đó, mạng lưới bán lẻ hiện đại (tăng trưởng 19% về giá trị) tăng trưởng mạnh hơn kênh truyền thống (tăng trưởng 5% về giá trị).
Triển vọng ngành bán lẻ là một trong những lý do khiến các cổ phiếu của doanh nghiệp (DN) thuộc nhóm ngành này như MWG của Thế giới Di động, PNJ của Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, FRT của FPT Reatail… nhận được sự ưu ái từ giới đầu tư.
Bằng chứng là mới đây, cổ phiếu PNJ đã chinh phục thành công mức giá 87.400 đồng/ cp – mức giá cao nhất cổ phiếu này đạt được từ tháng 6/2018 tới nay (theo giá điều chỉnh). Tại mức giá này, vốn hóa thị trường của PNJ đã lên tới gần 20.000 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, trong 11 tháng năm 2019, Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận ghi nhận doanh thu thuần đạt 15.072 tỷ đồng, tăng 15%; lợi nhuận sau thuế đạt 1.072 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ.
Biên lãi gộp cũng được cải thiện đáng kể từ mức 19% cùng kỳ năm 2018 lên 20,8% nhờ các hoạt động cơ cấu danh mục sản phẩm và nỗ lực tối ưu hóa chi phí sản xuất.
Tương tự, cổ phiếu MWG cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng, ngay trong những ngày đầu năm 2020 chinh phục mức giá 117.000 đồng/cp, tăng gần 37% so với một năm trước. FRT có diễn biến thiếu khả quan hơn trong năm 2019 nhưng với những mục tiêu mà DN đặt ra, trong tương lai, đây vẫn được xem là một cổ phiếu tốt.
Không chỉ giới chuyên gia trong nước đánh giá cao tiềm năng cổ phiếu của ngành bán lẻ, mà ngay cả các “tay chơi” nước ngoài cũng ưu tiên cho danh mục đầu tư. Theo chuyên gia của VinaCapital, tăng trưởng của nhóm ngành bán lẻ trong năm 2020 sẽ được dẫn dắt bởi sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và sự thay đổi quy mô từ các cửa hàng bán lẻ nhỏ sang các chuỗi quy mô lớn.
Cổ phiếu bán lẻ luôn nhận được sự ưu ái của giới đầu tư |
Tiềm năng chưa được khai phá
Đánh giá cao triển vọng ngành bán lẻ, Chứng khoán VCBS cho rằng tầng lớp trung lưu và giàu có đang phát triển nhanh, cũng như cơ cấu dân số trẻ và tỷ lệ đô thị hóa ngày càng tăng giúp thúc đẩy thói quen tiêu dùng chuyển sang sử dụng các sản phẩm cao cấp hơn như thực phẩm, đồ uống có lợi cho sức khỏe hay các loại hàng hóa xa xỉ để phục vụ cho nhu cầu tự thể hiện.
Điều này mở ra cơ hội lớn cho các chuỗi bán lẻ hiện đại – vốn dĩ cung cấp các sản phẩm chất lượng cao với dịch vụ khách hàng tốt hơn các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ và chợ truyền thống.
Đồng quan điểm với VCBS, Chứng khoán Rồng Việt cho biết có thể nhận thấy sự chuyển dịch rõ rệt sang kênh bán lẻ hiện đại trong xu hướng mua sắm. Hơn nữa, sự thâm nhập của internet tốc độ cao và điện thoại thông minh trong giới trẻ cho phép nhà bán lẻ tiếp cận khách hàng qua nhiều kênh hơn, mở đường cho sự phát triển của bán hàng đa kênh trong tương lai – là mô hình có thể tận dụng mạng lưới cửa hàng vật lý rộng khắp.
Dự báo cho năm 2020, đô thị hóa mở rộng cùng với thu nhập gia tăng là tiền đề cho các DN bán lẻ mở rộng về các thành thị cấp 2. Trong đó, với mối tương quan lên tới 93% giữa thu nhập và đô thị hóa cùng dự báo thu nhập 4.100 USD/ năm trong 2026, VCBS kỳ vọng đô thị hóa của Việt Nam sẽ gia tăng đạt tới 49% trong giai đoạn 2025-2030.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các cửa hàng thuộc mô hình hiện đại mới chỉ tập trung tại một số nhóm ngành nhất định như điện thoại di động, điện máy, dược phẩm, thực phẩm đồ uống…, trong khi vẫn còn rất nhiều sản phẩm đang trong tình trạng phân mảnh chờ được khai phá.
Hiện, phần lớn thị phần mà các DN đang chiếm lĩnh là nhóm điện thoại và điện tử gia dụng, trong khi các ngành hàng bách hóa, trang sức và dược phẩm chỉ chiếm một phần nhỏ.
Điển hình như ngành hàng bách hóa, thị phần của mạng lưới bán lẻ hiện đại mới chỉ chiếm khoảng 8%, trong khi tại Thái Lan là 47%, Malaysia là 46%, Philippines là 32%, nhưng lại có tốc độ tăng trưởng cao nhất lên tới 25,8%.
Tại phân mảng dược phẩm, hiện chưa có DN nào chiếm tới 5% thị phần, trong khi đây là mảng có biên lợi nhuận cao. Hay như mảng thực phẩm, hiện mới chỉ có Thế giới Di động tham gia với 1% thị phần. PNJ cũng chỉ mới chiếm được 7% thị trường trang sức…
Nhìn chung, hầu hết các DN trong khối bán lẻ đều đang lựa chọn cho mình những sân chơi hấp dẫn nhất để tham gia mở rộng kinh doanh, từ đó là động lực cho các cổ phiếu trên sàn chứng khoán tăng giá.
Linh Đan