Sở GDCK Hà Nội (HNX) vừa chấp thuận cho CTCP Cồn rượu Hà Nội (Halico) được đăng ký giao dịch 20 triệu cổ phiếu trên UPCoM với mã chứng khoán HNR.
Ngày giao dịch đầu tiên 8/6/2018, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 31.900 đồng/cổ phiếu, chỉ bằng 1/7 so với mức giá mà Tập đoàn Diageo đã mua lại hơn 45% cổ phần của Halico.
255 tỷ đồng lỗ lũy kế lên sàn
Tháng 9/2012, Halico bị phát hiện tham gia hoạt động buôn lậu và trốn thuế. 2.000 thùng rượu vodka sang Lào bị phát hiện tại cửa khẩu Cầu Treo khiến công ty bị khởi tố hình sự.
Kể từ đó, kết quả kinh doanh của Halico cứ thế đi xuống. Năm 2013, công ty chỉ đạt doanh thu 640 tỷ đồng và mức lợi nhuận khiêm tốn, khoảng 30 tỷ đồng.
Halico bắt đầu báo lỗ từ năm 2015, đến năm 2016, doanh thu thuần Halico đạt gần 270,6 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận lỗ 20,2 tỷ đồng.
Năm 2017, việc tiêu thụ sản phẩm của Halico vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tình hình cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt.
Theo đó, sản lượng sản xuất cũng giảm so với năng lực sản xuất của công ty. Trong khi năm 2015, sản lượng sản xuất đạt 50% công suất nhà máy thì năm 2016 và 2017, chỉ còn lần lượt là 35% và 30%.
Doanh thu thuần sụt giảm 53,64% so với năm 2016, chỉ còn 125,4 tỷ đồng. Chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng, dẫn đến công ty tiếp tục báo lỗ 84,5 tỷ đồng, gấp 4,2 lần so với năm trước.
Tại thời điểm 31/12/2017, tổng tài sản hợp nhất tiếp tục sụt giảm 134 tỷ đồng, chỉ còn lại 658 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả 98 tỷ đồng, giảm 50 tỷ đồng so với đầu năm.
Với tình hình thua lỗ, vốn chủ sở hữu chỉ còn 558 tỷ đồng trong đó vốn điều lệ 200 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển 255 tỷ đồng. Báo cáo cho thấy, công ty đang gánh khoản lỗ lũy kế gần 255 tỷ đồng.
Do đó, trong giai đoạn 2018-2019, Halico vẫn sẽ báo lỗ lần lượt 58 tỷ đồng và 53 tỷ đồng, đồng thời duy trì mức vốn điều lệ hiện tại.
Trước đó, trong giai đoạn từ 2008 – 2011, doanh thu của công ty liên tục tăng trưởng. Thậm chí, năm 2011, Halico ghi nhận doanh thu kỷ lục 1.067 tỷ đồng và lợi nhuận 116 tỷ đồng.
Về cơ cấu cổ đông, tính đến ngày 19/3/2018, Halico có hai cổ đông lớn là Tổng công ty Bia rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco) sở hữu 54,29% cổ phần. Ngoài ra, còn có cổ đông ngoại là Streetcar Investments Holdings Pte. Ltd thuộc tập đoàn bia rượu Diageo sở hữu 45,57%.
Trước đó, để sở hữu 45,57% cổ phần của Halico, ước tính Diageo đã tiêu tốn hơn gần 2.000 tỷ đồng để mua lượng cổ phần này với giá 213.600 đồng/cp.
Làm ăn thua lỗ triền miên, song điểm hấp dẫn nhà đầu tư của Halico cũng như nhiều doanh nghiệp khác là ở quỹ đất rộng lớn |
"Đất vàng" lại cứu giá?
Làm ăn thua lỗ triền miên, song điểm hấp dẫn nhà đầu tư của Halico cũng như nhiều doanh nghiệp khác là ở quỹ đất rộng lớn mà công ty đang quản lý, sở hữu lên tới 233.709m2.
Trong đó, có nhiều mảnh đất đẹp trung tâm Hà Nội như: mảnh đất số 94 Lò Đúc, Hà Nội rộng hơn 2.230m2, và mảnh 28 Nhân Đồng đều là đất thuê 50 năm, đều là đất dùng làm văn phòng làm việc và cửa hàng giới thiệu sản phẩm.
Khu đất rộng hơn 9.600m2 tại số 238 Lĩnh Nam, Hà Nội đang được sử dụng làm kho chứa hàng; và khu đất rộng 150.000m2 tại Yên Phong, Bắc Ninh dùng xây dựng Nhà máy sản xuất cồn rượu, có thời hạn thuê đến năm 2054.
Mảnh đất rộng 68.856m2 cũng tại huyện Yên Phong, Bắc Ninh để xây dựng hồ sinh học xử lý nước thải với thời hạn thuê đất đến năm 2060.
Ngoài ra, công ty còn quản lý một số lô đất rộng tại Tp.HCM, Đà Nẵng làm văn phòng, khu tái định cư như: Khu Tái định cư Thanh Lộc là chi nhánh công ty tại Đà Nẵng; lô đất số 26 Nguyễn Huy Tự, quận 1, Tp. HCM.
Trên thực tế, không ít cổ phiếu hấp dẫn nhà đầu tư là nhờ các mảnh đất vàng mà doanh nghiệp sở hữu, bất chấp kết quả kinh doanh bết bát, kém hiệu quả. Thị giá cổ phiếu có thể ngay lập tức tăng trần hết biên độ trong ngày giao dịch chào sàn bởi sức hấp dẫn đó.
Tuy nhiên, cần phải nhắc lại một doanh nghiệp rượu khác mới lên sàn hồi tháng 11/2017 là CTCP Rượu Hapro, với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 6.500 đồng/cp.
CTCP Rượu Hapro là một đơn vị thành viên của Tổng công ty Thương mại Hà Nội – công ty khá nổi tiếng với thương hiệu Hapro trên thị trường.
Rượu Hapro cũng sở hữu một quỹ đất vàng khủng, nguồn thu từ việc cho thuê đất đã "cứu" Rượu Hapro "một bàn thua" khi lợi nhuận năm 2016 từ lỗ trở thành lãi.
Hiện, cổ phiếu HAV của Rượu Hapro đang giao dịch tại mức giá 2.400 đồng/cp, giảm hơn 63% so với giá chào sàn, thanh khoản trung bình đạt hơn 1.000 cổ phiếu mỗi phiên.
Việc cổ phiếu của Halico lên sàn có thể coi là bước tái khởi động đà thoái vốn của Habeco. Đây có thể là cơ hội để Diageo tiếp tục mua cổ phần và kiểm soát toàn bộ công ty Halico sau đó tiến hành tái cơ cấu.
Nếu thuận lợi, Diageo có thể thâu tóm Halico với giá bình quân "rẻ" hơn con số đã phải bỏ ra cách đây vài năm rất nhiều.
Thùy Linh