Quy mô thị trường chứng khoán và trái phiếu tương đương kênh tín dụng
Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, khi nói đến kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp, chúng ta nói kênh tín dụng ngân hàng đang chiếm tỷ trọng lớn. Tuy nhiên, nếu tính quy mô thị trường chứng khoán và quy mô thị trường trái phiếu hiện tại, thì các kênh này cũng gần tương đương kênh tín dụng.
Riêng kênh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trong thời gian vừa qua chịu tác động của những biến cố trên thị trường này. Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã khẩn trương trình Chính phủ hoàn thiện chính sách pháp luật, tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa doanh nghiệp và các nhà đầu tư để kết nối họ với nhau, tạo thông tin thông suốt, tránh tâm lý hoang mang trên thị trường, qua đó củng cố niềm tin thị trường.
“Cũng trong tháng 7 vừa qua, chúng tôi cũng thiết lập kênh giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Đến nay đã có khoảng hơn 1.600 mã doanh trái phiếu doanh nghiệp đang được giao dịch trên thị trường với quy mô giao dịch hàng ngày vài nghìn tỷ đồng”, Thứ trưởng Bộ Tài chính thông tin.
Việc thiết lập một quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp sẽ góp phần quản trị rủi ro bảo lãnh tốt hơn với quy trình quản trị rủi ro cũng như cơ chế xử lý nợ xấu khi sự kiện nợ xảy ra. |
Ông Hưng nhận định, đây là kênh quan trọng để tạo sự thanh khoản trên thị trường, tăng cường tính công khai, minh bạch của thị trường và củng cố niềm tin cho thị trường, giúp thị trường này phát triển. Đây là thị trường có định hướng phát triển đúng, từ đó chúng ta sẽ phát triển thị trường vốn dài hạn thông qua thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu thay vì thị trường tín dụng mang tính ngắn hạn.
Đồng quan điểm, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam cũng cho rằng, chúng ta nên làm thế nào để đặt tăng trưởng kinh tế mà không nên đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là mục tiêu của một năm. Điều đó có ý nghĩa là giảm việc sử dụng nguồn vốn đầu vào, đặc biệt là vốn tín dụng ngân hàng để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn.
“Qua đó, giúp nền kinh tế ít dựa vào nguồn vốn ngân hàng hơn, đồng thời tạo dư địa để bắt buộc sử dụng nhiều hơn thị trường vốn. Trong đó có thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường cổ phiếu, giúp đảm bảo tính tuần hoàn và giảm bớt rủi ro về mặt kinh tế vĩ mô”, ông Bình nhấn mạnh.
Đề xuất thành lập quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp
Nhằm khôi phục thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch Công ty Cổ phần FiinRatings cho rằng, cần được thực hiện qua các giải pháp chính như cải thiện minh bạch thông tin thị trường, khôi phục niềm tin vào kênh đầu tư dài hạn này. Rà soát và tháo gỡ những quy định về hạn chế đầu tư nhằm "tạo cầu" cho sản phẩm đầu tư trái phiếu.
Song song đó, đẩy mạnh kênh phát hành chào bán rộng rãi ra công chúng qua việc áp dụng phê duyệt nhanh dành cho các doanh nghiệp niêm yết và trái phiếu được xếp hạng tín nhiệm cao; Tiếp tục hoàn thiện nền tảng cứng và mềm cho thị trường, bao gồm việc hình thành tổ chức bảo lãnh thanh toán trái phiếu; Ban hành khung chính sách cho sản phẩm trái phiếu xanh nhằm tận dụng nguồn vốn trong nước và quốc tế cho phát triển bền vững...
Đáng chú ý, ông Thuân đề xuất về việc xem xét thành lập quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp.
Theo chuyên gia này, nếu được thành lập, quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp không chỉ giới hạn ở các trái phiếu của các ngân hàng thương mại mà cả trái phiếu của các doanh nghiệp (không phải là tổ chức tín dụng) với những tiêu chí nhất định về chất lượng tín dụng hoặc mức xếp hạng tín nhiệm.
Việc thiết lập một định chế bảo lãnh như vậy sẽ góp phần quản trị rủi ro bảo lãnh tốt hơn với quy chế hoạt động, phạm vi bảo lãnh, điều kiện và tiêu chí bảo lãnh, quy trình quản trị rủi ro cũng như cơ chế xử lý nợ xấu khi sự kiện nợ xảy ra.
Vai trò của định chế cung cấp dịch vụ bảo lãnh này là nhằm tạo chất xúc tác và niềm tin để các nhà đầu tư tham gia mua các trái phiếu có kỳ hạn dài và được các tổ chức bảo lãnh uy tín cao như vậy đảm bảo nghĩa vụ thanh toán (toàn bộ hoặc từng phần) khi rủi ro xảy ra. Đây là định chế rất tốt để kích thích phát triển cơ chế đầu tư và đưa dòng tiền nhàn rỗi của người dân và doanh nghiệp vào kênh đầu tư dài hạn thay vì chỉ tập trung gửi tại ngân hàng.
Với thị trường chứng khoán, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết cơ quan này đang nỗ lực đáp ứng các tiêu chí mà các tổ chức xét nâng hạng thị trường đưa ra.
“Có hai nhóm vấn đề trọng yếu cần phối hợp các bộ, ngành liên quan để cải thiện, hướng tới hoàn thành lộ trình nâng hạng vào năm 2025, gồm: yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và giới hạn sở hữu nước ngoài”, bà Phương nhận định.
Về yêu cầu ký quỹ, quy định tại Thông tư 120/2020 yêu cầu phải bảo đảm đủ tiền và chứng khoán trước giao dịch, trong khi yêu cầu của các tổ chức xếp hạng là “không yêu cầu ký quỹ trước giao dịch”. Do đó, để tháo gỡ, bà Phương cho rằng phải triển khai đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho thị trường cơ sở và dần tiến tới giảm ký quỹ trước giao dịch về mức 10%.
“Nhà đầu tư – ngân hàng lưu ký nước ngoài có tâm lý e ngại khi không được là thành viên thanh toán bù trừ trực tiếp, mà phải qua ngân hàng trong nước. Nếu họ được thanh toán bù trừ trực tiếp thì có thể tháo gỡ vướng mắc liên quan giao dịch ký quỹ”, bà Phương phân tích.
Theo bà Phương, Trung tâm Lưu lý Chứng khoán (VSDC) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chuẩn bị cho việc xây dựng mô hình CCP với thị trường cơ sở. Trong đó, có mô hình được thiết kế theo hướng ngân hàng lưu ký được chấp thuận là thành viên bù trừ, nhưng mô hình này cần có sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước trong việc sửa đổi quy định liên quan trong lĩnh vực ngân hàng.
Về giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, bà Phương đề xuất triển khai một số cấu phần, gồm chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR), cổng công bố thông tin giao dịch ngoài biên độ của nhà đầu tư nước ngoài (Foreign Board) với các cổ phiếu hết “room” ngoại. Đồng thời, đẩy mạnh quá trình thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tăng tỷ lệ cổ phần sở hữu nước ngoài.
Thanh Hồng